Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nông thôn
Được sự quan tâm của Đảng, nhà nước triển khai các chương trình, dự án, hạ tầng giao thông nông thôn, tỉnh ta được quan tâm đầu tư và có sự chuyển biến đáng kể. 95/96 xã có đường giao thông đến trung tâm xã, giao thông nội bản được cứng hóa, không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Song, tỷ lệ TNGT đang có xu hướng gia tăng ở vùng nông thôn.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, trên đường nông thôn (liên xã) xảy ra 7 vụ TNGT, làm chết 4 người, bị thương 9 người (chiếm tỷ lệ 26,9% số vụ, 23,25% số người chết, 51,5% số người bị thương). Nguyên nhân của những vụ TNGT xảy ra trong khu vực nông thôn thường thuộc về các lỗi: không đội mũ bảo hiểm (với lý do chỉ đi xe trong đoạn đường ngắn, ra ruộng, đi chợ nên ngại đội); đi không đúng phần đường, thiếu chú ý quan sát, người điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe, hơi thở có nồng độ cồn quá quy định…
Tình trạng lấn chiếm lòng đường để nông sản sau thu hoạch hoặc đặt máy tuốt lúa của nhiều hộ dân khu vực nông thôn của tỉnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.
Bên cạnh đó, các phương tiện tham gia giao thông không đảm bảo, nhất là những xã vùng sâu, vùng xa, ôtô hết niên hạn sử dụng, không có kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường vẫn lén lút hoạt động, phương tiện mô tô cũ nát còn lưu hành. Một số vùng sử dụng các loại xe tự chế, không đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Điển hình như vụ tai nạn ngày 11/5/2018, tài xế điều khiển xe công nông tự chế trên đường liên bản Sàng Giang (xã Bản Lang, huyện Phong Thổ) chở 6 học sinh khi đến mép khe suối bị lật khiến xe lao xuống suối. Vụ tai nạn làm tài xế và 2 học sinh tử vong tại chỗ, 4 học sinh khác bị thương nặng.
Một nguyên nhân nữa là tình trạng chăn thả gia súc trên các tuyến đường, họp chợ, dựng rạp, phơi rơm rạ, đặt máy tuốt lúa lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, thậm chí lấn chiếm cả đường giao thông phục vụ nhu cầu tập kết vật liệu xây dựng… đang diễn ra phổ biến tại các địa bàn nông thôn. Mặt khác, đường giao thông nông thôn thường bị che khuất tầm nhìn bởi cây cối, chuồng trại chăn nuôi. Nhiều tuyến đường có khi độ dốc cao, mặt đường hẹp, do kinh phí có hạn nên mới chỉ tập trung phần nền mà không có lề đường không có biển báo, cảnh báo nguy hiểm, gặp tình huống mất an toàn thì khó xử lý nên rất dễ xảy ra tai nạn khi lái xe mô tô với tốc độ cao.
Nhiều cấp ủy, chính quyền cơ sở còn cho rằng việc giữ gìn trật tự an toàn giao thông là nhiệm vụ của lực lượng công an, do đó chưa vào cuộc quyết liệt; quản lý Nhà nước về trật tự an toàn giao thông ở cấp xã còn hạn chế; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông đã được các xã quan tâm nhưng chưa duy trì thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Ngoài ra, công tác tuần tra, kiểm soát giao thông trên các tuyến đường nông thôn còn quá ít do lực lượng mỏng, chủ yếu là lực lượng công an xã và các tổ an ninh thôn bản, do đó chưa kịp thời xử lý thấu đáo, triệt để các hành vi vi phạm.
Giảm thiểu TNGT khu vực nông thôn rất cần sự vào cuộc thực sự của chính quyền cấp cơ sở để nâng cao ý thức của người dân - trực tiếp tham gia giao thông. Trong đó, phát huy vai trò của các lực lượng, các đoàn thể chính trị, xã hội, nhất là già làng, trưởng bản, người uy tín trong tuyên truyền, vận động người dân tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông. Thực hiện các biện pháp phòng tránh tai nạn như: đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe máy, tuân thủ tốc độ quy định, giảm tốc độ quan sát an toàn khi đi từ đường nội bản ra đường chính.
Không điều khiển xe khi đã uống rượu, bia; chấp hành tốt các quy định chăn thả gia súc, đảm bảo an toàn hành lang giao thông được thông suốt tránh để xảy ra những vụ việc đáng tiếc. Tổ chức cho người dân phát quang cây cối, bụi rậm, giải tỏa các chướng ngại vật để tránh ảnh hưởng tầm nhìn tại các điểm giao cắt trên đường liên xã, liên bản. Xây dựng và nhân rộng mô hình, câu lạc bộ, lực lượng tự quản tại cơ sở về an toàn giao thông.
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cũng đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông; chú trọng xử lý các hành vi vi phạm có nguy cơ gây TNGT cao như: vi phạm tốc độ, sử dụng rượu bia khi lái xe, phóng nhanh, vượt ẩu, đi không đúng phần đường quy định…
Tăng cường công tác quản lý vận tải, đăng kiểm phương tiện, kiểm soát tải trọng xe nhằm hạn chế, tiến tới xóa bỏ tình trạng chở quá tải, giải quyết dứt điểm tình trạng phương tiện cũ nát hết niên hạn sử dụng, không có kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, xe tự chế hoạt động lén lút trên địa bàn.
Tin rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cơ sở, giao thông thông thôn sẽ được đảm bảo, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.
Hoàng Minh Tiến Dũng - Phòng CSGT Công an tỉnh
Bình luận