Việt Nam không chấp nhận lợi dụng tôn giáo để hoạt động chính trị, chia rẽ dân tộc
Nhà thờ Plei Mơ nú- điểm sinh hoạt tin lành được cấp phép tại TP. Pleiku, Gia Lai.
Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2020 của Bộ Ngoại giao Mỹ công bố mới đây đã vấp phải sự phản đối của Việt Nam bởi lẽ, bên cạnh việc đề cập đến những nỗ lực của Việt Nam trong trong việc đảm bảo và thúc đẩy đời sống tôn giáo, tín ngưỡng, báo cáo đã đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam. Một trong những điều phi lý là báo cáo tiếp tục cho rằng, "pháp luật Việt Nam kiểm soát đáng kể các hoạt động tôn giáo". Từ đó, hối thúc Chính phủ Việt Nam "cho phép tất cả các nhóm tôn giáo hoạt động một cách tự do”.
Báo cáo viện dẫn một trường hợp cụ thể là ông Rah Lan Hip (SN 1981, trú tại, xã Ia Băng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) bị tuyên phạt 7 năm tù vào tháng 8/2019 "chỉ vì ông này khích lệ các tín đồ đạo Tin lành Đề Ga người dân tộc thiểu số chống lại việc chính quyền gây sức ép buộc họ phải bỏ đạo”.
Sự thật hoàn toàn khác. Theo cáo trạng của TAND tỉnh Gia Lai, Rah Lan Hip được sự hậu thuẫn của các đối tượng FULRO sống lưu vong ở Mỹ đã sử dụng facebook chia sẻ nhiều bài biết về "Tin Lành Đê Ga”. Ông này cũng nhóm họp để tuyên truyền cho những người dân tộc thiểu số không được từ bỏ "Tin lành Đề Ga” bởi ở Mỹ đã có "Nhà thờ Đê Ga”, có cờ của "Nhà nước Đê Ga” và tiếp tục tin tưởng, cầu nguyện cho "Nhà nước Đê Ga” sớm thành công. Rah Lan Hip được các đối tượng phản động ở Mỹ gửi tiền về để thực hiện các hành vi trên, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị ở địa phương, gây chia rẽ giữa người dân tộc thiểu số với người Kinh, gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ dân tộc, xâm phạm trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Do dó, có đủ căn cứ để kết luận Rah Lan Hip phạm tội "Phá hoại chính sách đoàn kết”...
Tin lành Đề Ga không được công nhận ở Việt Nam. Tin lành Đề Ga được coi là công cụ để tập hợp lực lượng cho Nhà nước Đề Ga độc lập ở bên ngoài nhằm chia tách Tây Nguyên- vùng đất có vị trí chiến lược về an ninh-quốc phòng khỏi đất nước Việt Nam, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Báo cáo Tự do tôn giáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng nêu vụ việc, công an địa phương tại xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã giải tán hàng chục tín đồ tại một nhà thờ tư gia của Hội thánh Tin lành do các thành viên Hội thánh hoạt động chính trị. Báo cáo này cho biết: "Nhiều thành viên của Giáo hội đã tham dự khóa đào tạo xã hội dân sự ở Thái Lan và gặp gỡ đại diện các cơ quan Liên hợp quốc và các nhà ngoại giao nước ngoài - những người mà họ bày tỏ quan ngại về tình hình nhân quyền ở Việt Nam”.
Rõ ràng, việc lợi dụng tôn giáo cho các hoạt động chính trị, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền, chia rẽ khối đại đoàn kết thì không một quốc gia nào chấp nhận, chứ không chỉ ở Việt Nam. Vì vậy, việc hối thúc chính phủ Việt Nam "cấp phép cho tất cả các nhóm tôn giáo hoạt động một cách tự do”, kể cả các nhóm tôn giáo có hoạt động chống phá là sự can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Tin lành, tôn giáo được đề cập nhiều trong báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2020 của Bộ Ngoại giao Mỹ là một trong số các tôn giáo có tốc độ phát triển tín đồ nhanh nhất tại Việt Nam do quá trình mở cửa hội nhập và giao lưu văn hóa. Hiện tôn giáo này có hơn 1,1 triệu tín đồ, trong đó phần lớn thuộc các dân tộc thiểu số như Mông, Êđê, Jrai, K’ho, S’Tiêng… Tuy nhiên, trong số hơn 80 tổ chức Tin lành đang hoạt động, chỉ có 10 Tổ chức Tin lành có pháp nhân, 3 tổ chức được cấp đăng ký hoạt động tôn giáo. Còn lại, khoảng 70 tổ chức, nhóm Tin lành (gần 200.000 tín đồ) chưa được cấp đăng ký hoạt động. Phần lớn các tổ chức Tin lành du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam, không có cơ sở thờ tự, chức sắc chủ yếu do tự phong và khác nhau về tiêu chuẩn. Một số tổ chức Tin lành có hệ thống giáo lý không đúng Kinh thánh, lễ nghi và tín lý trái với văn hóa truyền thống của Việt Nam, có biểu hiện mê tín dị đoan, gây chia rẽ gia đình, xã hội, xung đột với các hội thánh Tin lành truyền thông, làm phức tạp tình hình an ninh, trật tự…
Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo với hơn 26,5 triệu tín đồ có đạo, 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận hoặc cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo. Những tổ chức tôn giáo được nhà nước công nhận phải hoạt động liên tục tối thiểu trong 5 năm kể từ ngày được cấp "đăng ký sinh hoạt tôn giáo”. Tổ chức tôn giáo đó phải có hiến chương và điều lệ hợp pháp, ban lãnh đạo là người Việt Nam, sinh sống tại Việt Nam, không có án tích, tự chủ trong quản lý tài sản và thực hiện các giao dịch…
Những quy định trên nhằm đảm bảo cho các tổ chức tôn giáo hoạt động một cách ổn định, đồng thời cũng ngăn chặn việc lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước; kích động bạo lực hoặc tuyên truyền chiến tranh, tuyên truyền trái với pháp luật, chính sách của Nhà nước, chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, chia rẽ tôn giáo; gây rối trật tự công cộng, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác, hoạt động mê tín dị đoan hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác…
Ngày 13/5, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước Báo cáo Tự do tôn giáo Quốc tế của Mỹ năm 2020, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, cởi mở và trên tinh thần xây dựng với Mỹ về những vấn đề còn có sự khác biệt để tăng cường hiểu biết và đóng góp vào sự phát triển của quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước".
Cập nhật: Thứ hai, 31/5/2021 | 8:04:39 AM/Quốc Phong/VOV.VN
Bình luận