Khi người lính quân hàm xanh về cơ sở
Từ củng cố hệ thống chính trị xã biên giới
Được đơn vị, cấp trên tín nhiệm, năm 2009, Thiếu tá Phạm Minh Hải (Đồn Biên phòng Pa Tần) được tăng cường về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Nậm Ban (xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Sìn Hồ (cũ) nay là huyện Nậm Nhùn). Với 1 xã còn quá nhiều cái khó: giao thông, tỷ lệ hộ nghèo cao, hệ thống chính trị xếp vào loại yếu kém của huyện, tỉnh… đây là những thử thách khó đối với anh Hải. Quyết tâm thay đổi xã nghèo, qua nghiên cứu thực tế, nhớ lời Bác Hồ dạy “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, anh đề xuất với cấp ủy, chính quyền xã đổi mới công tác cán bộ. Anh dành nhiều thời gian tiếp cận, vận động bà con bỏ thói quen uống rượu, tích cực lao động sản xuất, phát huy tinh thần nêu gương của đảng viên, hội viên các chi hội. Rà soát, đánh giá trình độ, năng lực cán bộ, công chức, từ đó đề xuất các giải pháp đào tạo, luân chuyển vị trí công tác, tuyển dụng cán bộ có trình độ chuyên môn... Với sự đồng thuận thực hiện của cả hệ thống chính trị đã đưa hoạt động của Đảng ủy xã vào nền nếp, có quy chế làm việc cụ thể, rõ ràng; phân công nhiệm vụ cho các Đảng ủy viên phụ trách chi bộ trực thuộc và từng lĩnh vực công tác; sắp xếp lại dân cư, đảm bảo Nhân dân có điều kiện phát triển sản xuất. Đến nay, Nậm Ban đã thực sự khởi sắc. Ghi nhận sự đóng góp tích cực đó, đồng chí Hải tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Nậm Ban nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Dào San (huyện Phong Thổ) giúp Nhân dân xã Dào San xây dựng bể nước sinh hoạt.
Đây chỉ là 1 trong 20 cá nhân điển hình, tiêu biểu được Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tiếp tục giới thiệu tăng cường cho 20/23 xã biên giới tham gia vào cấp ủy (trong đó 2 bí thư, 18 phó bí thư) trong nhiệm kỳ 2015 - 2020. Không phụ sự kỳ vọng của cấp trên, độ ngũ cán bộ tăng cường đã phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giải quyết kịp thời các vụ việc xảy ra trên địa bàn. Chủ động tham mưu tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020 đúng quy trình; phối hợp chỉ đạo các địa phương tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Đồng thời tham mưu cho địa phương sắp xếp cán bộ đảm bảo đúng quy trình, tổ chức biên chế và hợp lý giữa các thành phần dân tộc.
Với sự góp sức của cán bộ biên phòng, từ năm 2014 đến nay, các xã biên giới trong tỉnh đã giới thiệu 66 đảng viên về sinh hoạt ở các chi bộ thôn, bản; bồi dưỡng tạo nguồn 478 quần chúng ưu tú để phát triển Đảng, trong đó có 352 đồng chí được kết nạp Đảng. 100% các xã biên giới được thành lập Đảng bộ, các bản đều có chi bộ, không có bản trắng đảng viên. Đề xuất thay thế, bổ sung 150 cán bộ xã, bản làm việc kém hiệu quả; củng cố 143 tổ chức chính trị xã hội…
Với những giải pháp đồng độ đó, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền và chất lượng hoạt động của các tổ chức đoàn thể các xã; các chế độ sinh hoạt. Vai trò lãnh đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở và các tổ chức đoàn thể quần chúng được nâng lên; mối quan hệ giữa tổ chức Đảng, chính quyền với Nhân dân ở các xã biên giới được củng cố vững chắc, Nhân dân tin tưởng vào Đảng, chính quyền, chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
… đến giúp vùng biên khởi sắc
Công tác phối hợp tham gia xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở các xã biên giới được Ban Dân tộc và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh triển khai nhiều hoạt động thiết thực, được Nhân dân đồng tình hưởng ứng, đón nhận. Các đồn biên phòng cùng ban, ngành, đoàn thể địa phương ra quân tuyên truyền, vận động Nhân dân góp công, góp của, hiến đất làm các công trình nông thôn mới. Phối hợp thực hiện các dự án cho khu vực biên giới như: sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng điểm trường, làm đường giao thông, san ủi mặt bằng, thủy lợi, nước sạch, hỗ trợ sản xuất với tổng vốn đầu tư 99,8 tỷ đồng.
Thực hiện Đề án “BĐBP Lai Châu tham gia giúp đồng bào La Hủ định canh, định cư, xóa đói giảm nghèo gắn với bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới”, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, Phòng Dân tộc huyện Mường Tè quy hoạch ổn định, sắp xếp và di chuyên dân đến nơi có điều kiện sản xuất tốt hơn để thành lập bản theo mô hình nông thôn mới. Đã vận động đồng bào về sinh sống tập trung, thành lập 3 bản: Hà Xi (xã Pa Ủ), Là Si (xã Ka Lăng), Là Si (xã Thu Lũm); quy hoạch sắp xếp lại 2 bản: Tân Biên, Mu Chi (xã Pa Ủ). Di chuyển 35 độ dân bản Phí Chi A (xã Pa Vệ Sử) ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đến vị trí mới an toàn. Sắp xếp ổn định định canh, định cư dân tộc Mảng bản Hua Pảng, Nậm Nó, xã Nậm Ban (cũ) và 54 hộ đồng bào dân tộc Hà Nhì chuyển sang vị trí mới định canh, định cư ở bản Gia Tè, Mò Su (xã Mù Cả). Việc đầu tư này giúp bà con nhanh chóng ổn định cuộc sống để an cư để lạc nghiệp. Đồng thời cũng tạo điều kiện cho Nhà nước đầu tư các hạng mục công trình, phúc lợi xã hội, bà con thêm thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội, vươn lên trong cuộc sống.
Để người dân mắt thấy, tai nghe và tin tưởng làm theo, BĐBP tỉnh phối hợp xây dựng nhiều mô hình hiệu quả. Điển hình là mô hình HTX Đoàn Kết chăn nuôi gia súc tập trung ở bản Hùng Pèng (xã Ma Ly Pho); tăng gia sản xuất, hướng dẫn Nhân dân nuôi lợn nái sinh sản, trồng chuối thương phẩm ở xã Huổi Luông; nuôi dê sinh sản ở xã Vàng Ma Chải, Pa Vây Sử, Mồ Sì San; giúp đồng bào La Hủ, Mảng trồng lúa nước ở các xã Hua Bum, Pa Vệ Sử, Pa Ủ, Tá Bạ, Thu Lũm. Mô hình nhận đỡ đầu nuôi dưỡng 60 học sinh của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và 13 đồn biên phòng, Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động được các địa phương, nhà trường và phụ huynh ghi nhận và mong muốn được phát huy, mở rộng.
Đại úy Triệu Quang Hùng - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Dào San (huyện Phong Thổ) cho biết: Phát huy tinh thần quân - dân như cá - nước, chúng tôi - những người lính quân hàm xanh luôn coi đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt. Được giao quản lý địa bàn 3 xã: Mù Sang, Dào San, Tung Qua Lìn với 32 bản, dân tộc Mông chiếm hơn 80% dân số, đời sống kinh tế của Nhân dân còn khó khăn, nhiều phong tục tập quán lạc hậu, Đồn tích cực triển khai các hoạt động an sinh xã hội, giúp dân lao động sản xuất, khắc phục hâu quả thiên tai, khám chữa bệnh cho Nhân dân…
Chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay, Đồn tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, khó khăn, thiên tai, tổng trị giá 9,3 triệu đồng; huy động cán bộ, chiến sỹ giúp 36 ngày công hướng dẫn Nhân dân trồng cây sơn tra, 655 ngày công xây dựng nông thôn mới, cấp 50 áo chống rét cho bò Laisind; phối hợp với Trạm Y tế các xã, Phòng khám Đa khoa Dào San tổ chức tiêm phòng, khám chữa bệnh cho Nhân dân 20 buổi/25 lượt CBCS/442 lượt người. Thực hiện chương trình “Hũ gạo tình thương”, đơn vị duy trì giúp đỡ 2 cháu: Vàng Thị Ty (SN 2005 ở bản Cò Ký) và Vàng A Phi (SN 2006 ở bản Căng Ký), học sinh Trường Tiểu học xã Tung Qua Lìn 500.000 đồng và 10kg gạo/cháu/tháng. Tiếp tục duy trì mô hình nuôi cá nước ngọt tại bản Khấu Dào (xã Tung Qua Lìn). Qua thu hoạch thử, cá sinh trưởng và phát triển khá tốt.
Kết hợp với chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh, cùng với triển khai các mô hình kinh tế làm mẫu cho bà con, công tác thực hiện 4 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc, cùng nói tiếng dân tộc) được các đồn biên phòng trong tỉnh tích cực triển khai. Vì lẽ đó, những người lính biên phòng giờ đây không còn là tay xách cặp, quần là áo lượt xuống cơ sở kiểm tra, tuyên truyền mà sẵn sàng sắn quần lội ruộng, cầm cuốc xới ngô, sắn, cùng chia sẻ nắm cơm chấm muối với bà con. Thậm chí, các anh còn trở thành kỹ sư nông nghiệp, thầy thuốc bất đắc dĩ khi bà con cần.
Bản làng bình yên, dân bản đoàn kết, cùng BĐBP bảo vệ đường biên cột mốc và hơn hết khi nhắc tới các anh, bà con thân mật gọi là người con của bản… Hình ảnh, cảm nhận này chúng tôi vẫn thường truyền tai nhau mỗi khi có chuyến công tác ở xã biên giới trở về. Tìm hiểu được biết, các đồn biên phòng phối hợp chặt chẽ với đồng bào các dân tộc (đặc biệt là lực lượng dân quân, công an các xã biên giới) tổ chức tuần tra, kiểm soát bảo vệ đường biên, cột mốc. Trong quá trình xử lý các vụ việc người dân Trung Quốc vượt biên, khai thác lâm thổ sản, xây kè sông, suối trái phép, các đơn vị đã vận dụng tổng hợp nhiều biện pháp vừa giữ vững nguyên tắc khôn khéo mềm dẻo nhưng kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, không để xảy ra đối đầu căng thẳng trên biên giới.
Đánh giá công tác phối hợp trong thời gian qua, Đại tá Vũ Quang Mạo - Phó Chủ nhiệm chính trị (Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh) nhấn mạnh: Chương trình phối hợp hoạt động của 2 đơn vị đã đạt mục đích yêu cầu đề ra. Từng bước nâng cao chất lượng công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các xã biên giới giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, đơn vị trong chỉ đạo thực hiện công tác vận động quần chúng. Các mô hình giúp dân phát triển kinh tế triển khai có hiệu quả; bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới.
Hết năm 2015, thu nhập bình quân các xã biên giới trong tỉnh đạt 7,4 triệu đồng/người/năm, không còn hộ đói, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm xuống còn 29,8%; tiêu chí nông thôn mới bình quân đạt 8,92 tiêu chí/xã (tăng 5,8 tiêu chí so với năm 2011), xã thấp nhất đạt 6 tiêu chí, xã cao nhất đạt 12 tiêu chí. Những kết quả này có sự góp sức không nhỏ của những người lính mang quân hàm xanh và thêm khẳng định “các anh về bản làng thêm vui”.
Gia Lộc
Bình luận