Thứ ba, 18/02/2025, 03:58 [GMT+7]

Dự thảo Luật Thanh tra: Không nên tổ chức Thanh tra Tổng cục

Thứ năm, 23/09/2010 - 09:32'
Đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Thanh tra, hầu hết các đại biểu của TP Hà Nội đều cho rằng Dự thảo sửa đổi đã thể hiện tương đối đầy đủ những nội dung cần điều chỉnh của Luật. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số vấn đề vướng mắc cần chỉnh sửa cho phù hợp với luật pháp hiện hành.
Thanh tra giao thông kiểm tra phương tiện giao thông thủy.
Làm “phình” bộ máy quản lý nhà nước
Về nội dung tổ chức thanh tra Tổng cục, Thanh tra cục thuộc Bộ, Thanh tra Chi cục thuộc sở, Đại diện Sở Nội vụ thành phố Hà Nội cho rằng: Không nên tổ chức Thanh tra Tổng cục, bởi hiện nay tại cấp huyện, cấp xã của thành phố Hà Nội đang thí điểm thực hiện mô hình thanh tra xây dựng, cụ thể có cơ quan Thanh tra xây dựng quận trực thuộc UBND quận, công chức thanh tra xây dựng thuộc UBND phường. Lực lượng thanh tra xây dựng này có từ năm 1985 và liên tục hoạt động cho đến nay, chứng tỏ sự cần thiết của tổ chức này. Do có sự quản lý, điều hành trực tiếp của UBND quận, phường nên hoạt động của thanh tra xây dựng hiệu quả hơn so với tổ chức theo ngành dọc từ Thanh tra Sở xây dựng. Vì vậy, nên đưa vào Luật việc tổ chức thanh tra chuyên ngành có thể đến cấp huyện. Riêng đối với cấp phường, có thể dùng lực lượng thanh tra xây dựng quận đưa về hoặc tổ chức riêng từng phường, song phương án đưa thanh tra xây dựng quận về hoạt động tại phường phù hợp hơn và cũng phù hợp với quy định cán bộ, công chức cho UBND cấp quận quản lý.

Về vấn đề này, ông Phan Hồng Sơn Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cũng cho rằng, không nên tổ chức thanh tra Tổng cục; Thanh tra cục thuộc Bộ, Thanh tra Chi cục thuộc sở, bởi xuất phát từ thực tế, hoạt động thanh tra của một số Tổng cục trưởng, Cục trưởng thực hiện nhiệm vụ quyền hạn thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước. Như vậy, xét về chức năng, thanh tra hành chính sẽ trùng lặp với chức năng thanh tra hành chính của Thanh tra Bộ, gây chồng chéo về thẩm quyền. Hơn nữa, nhằm thực hiện chủ trương cải cách hành chính, làm tinh giản, gọn nhẹ tổ chức bộ máy biên chế hiện nay, việc không tổ chức cơ quan thanh tra ở Tổng cục, cục thuộc bộ là phù hợp. Mặc dù không tổ chức bộ máy thanh tra chuyên ngành nhưng không có nghĩa là việc thanh tra chuyên ngành không thực hiện được. Chúng ta nên giao chức năng thanh tra chuyên ngành cho chính cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý ngành, lĩnh vực trực tiếp thực hiện, công chức ở các cấp ngành này khi thực hiện thanh tra sẽ được cấp thẻ Thanh tra viên để thực thi nhiệm vụ. Ông Phan Hồng Sơn nhấn mạnh.
 
Cần làm rõ chức năng nhiệm vụ của Thanh tra
Quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của Thanh tra cũng được các đại biểu tập trung đóng góp. Theo Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến (Phó Chủ tịch Thường trực Hội Luật gia Hà Nội), việc quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của thanh tra vẫn còn nhiều bất cập. Luật Thanh tra chưa thể hiện rõ cơ quan thanh tra vừa thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, vừa là công cụ hữu hiệu tiến hành thanh tra phục vụ công tác quản lý, điều hành của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, cần bổ sung theo hướng nâng cao địa vị pháp lý, vai trò, tính độc lập và tự chịu trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ nói riêng và của các cơ quan thanh tra nói chung về các hoạt động, quyết định của mình.

Về quy định thanh tra nhân dân nên bỏ, vì  xuất phát từ chức năng thanh tra nhân dân khác với chức năng của  cơ quan thanh tra nhà nước. Thanh tra nhân dân thực hiện chức năng giám sát là chủ yếu, không có những quyền hạn như cơ quan thanh tra nhà nước. Do vậy cần tách nội dung Thanh tra nhân dân thành một văn bản pháp lý riêng mà không đưa vào dự thảo Luật Thanh tra, ông Phan Hồng Sơn nói.

Theo Đại đoàn kết

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Triển khai hiệu quả các dự án đầu tư xây dựng phát triển lưới điện
Mường Tè là huyện vùng cao, biên giới còn nhiều khó khăn của tỉnh. Trên địa bàn còn nhiều bản, điểm bản, hộ dân cư chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Những năm qua, huyện huy động nguồn lực,...
"Điểm tựa" tin cậy của hội viên
Hội viên cựu chiến binh (CCB) huyện Tam Đường tích cực thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo. Nhờ đó, trên địa bàn xuất hiện nhiều tấm gương CCB...