Chính trị | Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 | Phòng chống diễn biến hòa bình | Sự kiện & Bình luận | Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Những tiếng nói lạc lõng cần phải lên án
Ngày 23-5 tới đây là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ở Việt Nam gọi ngày này là "ngày hội toàn dân", hay nhiều người gọi đây là ngày tổng tuyển cử, bầu lại các vị trí dân cử của Việt Nam từ Quốc hội đến các địa phương. Trên mạng xã hội những ngày vừa qua xuất hiện rất nhiều thông tin về cuộc bầu cử, trong đó các tổ chức chống cộng, các tổ chức đấu tranh "dân chủ, nhân quyền", và một số tổ chức quốc tế thường đưa ra ý kiến chỉ trích việc bầu cử ở Việt Nam. Theo Luật Bầu cử của Việt Nam thì công dân đủ điều kiện (như: độ tuổi, không có tiền án tiền sự, trình độ học vấn,...) được quyền ra ứng cử và phải làm đơn tự ứng cử nộp trước 70 ngày tính đến ngày bầu cử. Quy trình sẽ thực hiện qua năm bước và ba lần hiệp thương. Các ý kiến chỉ trích thường nhằm vào lần hiệp thương thứ hai thể hiện qua việc lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm cử tri nơi cư trú và cử tri nơi công tác (nếu có). Theo Luật quy định phải có hơn 50% số ý kiến cử tri đồng ý, tín nhiệm thì mới đủ tiêu chuẩn để đưa vào hiệp thương lần thứ ba. Có thể thấy mỗi lần bầu cử, người ta lại có những luận điệu rất giống nhau, như nói rằng Việt Nam "không có dân chủ, vì bầu cử chỉ là đảng cử, dân bầu", mọi thứ do Ðảng Cộng sản Việt Nam sắp đặt. Với luận điệu, chỉ trích từ bên ngoài, lúc nào họ cũng nói rằng Việt Nam là độc đảng, mặc dù luật pháp có quy định nhưng người dân gần như không có cơ hội tự ứng cử. Họ chỉ trích bầu cử năm 2016, gần 100 người tự ứng cử nhưng phần lớn đều rớt ở vòng thứ hai, vì tại các cuộc gặp mặt cử tri nơi cư trú những người này đều bị chỉ trích rất nhiều về đạo đức, tác phong, tài năng,... và việc bỏ phiếu không đạt.
Nói về việc "đảng cử" thì thực tế ở quốc gia nào cũng phải "đảng cử". Ở Mỹ nếu không có sự đồng ý của đảng, được sự đồng ý của những người trong đảng thì chắc chắn ứng cử viên đó không thể nào trúng cử. Như vừa qua chúng ta thấy bà Chủ tịch khối thiểu số của Hạ viện bên Ðảng Cộng hòa của Mỹ bị phế truất vì có hành động trái với ý kiến của đảng. Chúng ta thấy mỗi nước có luật khác nhau. Ở Mỹ, người ta nói rằng muốn thắng cử phải có ba điều kiện: thứ nhất là tiền, thứ hai là tiền và thứ ba cũng vẫn là tiền. Người có nhiều tiền hơn thì có cơ hội thắng nhiều hơn. Ở Việt Nam, luật pháp quy định công dân khi ra nộp đơn tự ứng cử không cần lấy chữ ký của cử tri, không phải nộp tiền. Trong quá trình vận động ứng cử viên cũng không phải gom tiền, vận động gây quỹ trong suốt quá trình kể từ khi thông qua hiệp thương lần ba, đưa vào danh sách kèm tiểu sử của ứng cử viên được công bố tới cử tri từ ngày 28-4. Như vậy người dân cả nước đều biết. Ứng cử viên không được phép nói xấu ứng cử viên khác, ngay cả cử tri cũng không có quyền nói xấu, bôi nhọ ứng cử viên. Tuy nhiên, trên mạng xã hội thời gian qua đã xuất hiện một số trường hợp như vậy. Vừa rồi, Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Bầu cử TP Hồ Chí Minh đã đề nghị xử lý một trường hợp lên mạng bôi nhọ, nói xấu, tiến công một ứng cử viên không có căn cứ. Ngay cả khi có căn cứ cũng không được phép làm như vậy, vì theo luật pháp Việt Nam việc khiếu nại, tố cáo phải gửi tới các cơ quan chức năng, người ta sẽ giải quyết chứ không được đưa lên mạng xã hội để nói người này người kia không ra gì, hoặc tiến công, xỉa xói, mạ lị.
Có ý kiến đề xuất rằng Việt Nam cần phải làm giống như bên Mỹ nhưng rõ ràng chúng ta thấy điều đó không phù hợp với thể chế chính trị cũng như tình hình thực tế, mong muốn văn hóa và cách xử lý của người dân Việt Nam. Nghị quyết của Ðảng Cộng sản Việt Nam đề cập việc chống chạy chức chạy quyền, trong công tác tổ chức luôn coi yếu tố nhân sự là vấn đề then chốt. Người ta kêu gọi phải tạo cơ chế để "nhốt quyền lực", ai cũng hiểu đó là hệ thống pháp luật. Ở Việt Nam, ai ra ứng cử đều phải kê khai tài sản của mình. Việc làm sao để tránh được những người cơ hội là hết sức quan trọng. Thí dụ, người muốn vào cơ quan dân cử để thiết lập quan hệ với một số cá nhân hoặc bộ, ban, ngành để tạo vây cánh, thế lực, để kiếm chác, làm ăn, trục lợi,... thì đó là điều chúng ta cần đả phá. Trong quá trình phát triển của Việt Nam trong mấy chục năm qua chúng ta đã thấy mặt tích cực rất nhiều, nhưng cũng còn mặt tiêu cực. Bây giờ người ta đang hạn chế điều đó, và đến lúc mọi thứ phải công khai, minh bạch. Dĩ nhiên mọi sự sửa đổi, vận hành, ngay cả thể chế, hệ thống pháp luật cũng cần phải thay đổi từng bước. Ðến ngày hôm nay, phải nói là Luật Bầu cử đã có nhiều thay đổi. Và lần này nhiều người tự ứng cử, một số người đã qua được vòng hiệp thương lần thứ ba.
Trong thời gian gần đây nổi lên việc một số người muốn tạo ra phong trào tự ứng cử. Cần nhắc lại rằng phong trào này được dấy lên từ năm 2016 khi các tổ chức chống cộng "đấu tranh dân chủ nhân quyền cho Việt Nam" khuyến khích mọi người ứng cử. Lần đó nhiều người ra ứng cử, nhưng có người mới học hết lớp 12, có người học đại học chưa đâu vào đâu mà đã đưa ra những tuyên bố, nhận định rất hoang tưởng, thậm chí có bài viết chỉ trích chính quyền Việt Nam thiếu căn cứ và cứ tự cho mình là hiểu biết. Những điều đó cho thấy đây là một phong trào khá bát nháo, và sau lần hiệp thương thứ hai thì những chuyện đó bị dẹp hết. Lần này, cũng có vài trường hợp tự ứng cử theo "phong trào tự ứng cử" nhưng có vẻ yên ắng hơn. Có người tự ứng cử đã xuất hiện trên mạng xã hội, làm youtube, đưa ra tuyên bố với cử tri, trao đổi, đối luận với cử tri, bàn luận về các chính sách... Cơ quan chức năng ở Việt Nam cho biết một số người hoạt động mang tính chất chống phá, đưa ra lý lẽ gây hoang mang trong quần chúng, bôi nhọ lãnh đạo, phá hoại chính sách của Ðảng và Nhà nước. Cách đây mấy tuần, một số trường hợp đã bị bắt tạm giam, như Lê Trọng Hùng và Trần Quốc Khánh. Hai người này bị bắt về tội "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" quy định tại Ðiều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015. Khi Việt Nam bắt những người này thì các tổ chức như "Ân xá quốc tế" đã lập tức lên tiếng cho rằng Việt Nam bắt bớ ứng cử viên tự do, ứng cử viên độc lập ở Việt Nam bị ngăn chặn ngay từ đầu, kêu gọi Việt Nam không được làm như vậy. Phía Việt Nam cho biết, những cá nhân này đã vi phạm pháp luật, họ tổ chức những buổi nói chuyện, đưa ra các bài viết chống lại chính quyền Việt Nam cho nên đến lúc phải bắt theo luật định và sẽ xét xử công khai.
Chúng ta thấy việc chống đối hay kêu gọi tẩy chay bầu cử, hoặc đưa ra các thông tin chống đối cuộc bầu cử là việc làm thường xuyên của một số cá nhân, tổ chức chống cộng ở nước ngoài. Như cái gọi là "tâm thư" của tổ chức không rõ nằm ở đâu nhưng tự xưng là "Cộng đồng người Việt quốc gia tự do trên thế giới" kêu gọi tẩy chay bầu cử, tẩy chay Ðảng Cộng sản Việt Nam, tẩy chay Hiến pháp, vận động tổ chức hội nghị về quyền dân tộc tự quyết, thành lập Quốc hội cho người Việt Nam, dự thảo Hiến pháp lập hiến. Những ý kiến họ đưa ra đều rất mơ hồ. Lúc nào họ cũng đòi giải tán Ðảng Cộng sản, nói Việt Nam không có dân chủ nhân quyền. Dân chủ, nhân quyền của Việt Nam là vấn đề lớn, trong đó có rất nhiều yếu tố. Mỹ và Việt Nam hằng năm vẫn có những cuộc đối thoại, hội thảo về nhân quyền. Hằng năm, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn có báo cáo nhân quyền với khoảng 200 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ngay trong ngày 12-5-2021, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đã đưa ra Báo cáo về tự do tôn giáo của 200 nước, trong đó có Việt Nam. Trong các báo cáo này vẫn xác định Việt Nam có tiến bộ về nhân quyền, mặc dù vẫn ghi một số hạn chế, nhưng chính quyền Mỹ luôn thừa nhận thể chế của Việt Nam, đã nhất trí không can thiệp vào công việc nội bộ hoặc không làm những việc như đả phá, lật đổ chính quyền Việt Nam. Do đó những công dân Mỹ chống chế độ, chống Nhà nước Việt Nam thì phải chăng đã đi ngược lại với chính quyền Mỹ? Ðó là nhận xét của những người chuyên nghiên cứu về tình hình Việt Nam. Người ta nói Việt Nam hay bất cứ nước nào khác, tùy theo thể chế sẽ có cách điều hành xã hội khác nhau, điều quan trọng là người ta đưa đất nước phát triển. Tạo ra sự bát nháo hay dân chủ nhân quyền theo kiểu tràn lan, theo kiểu "nửa dơi nửa chuột" thì chẳng làm được gì hết. Dân chủ tào lao thì không bao giờ ổn định được đất nước, hạnh phúc người dân sẽ không thể đạt được.
Từ trước đến nay, có rất nhiều ý kiến xuyên tạc về bầu cử ở Việt Nam, quanh đi quanh lại cũng vẫn những luận điệu đó. Thực tế việc bầu cử ở Việt Nam qua các vòng hiệp thương với sự tham gia của nhiều ban, ngành, đoàn thể, được rà soát rất kỹ, ai có vấn đề gì khuất tất, không xứng đáng sẽ dễ bị phát hiện. Tất nhiên vẫn có thể còn sai sót, và cử tri có quyền khiếu nại, tố cáo trường hợp không xứng đáng, nhưng cần thực hiện đúng quy định, gửi đơn, thư tới cơ quan chức năng. Chúng ta phải công nhận ở Việt Nam bây giờ có rất nhiều sự thay đổi so với trước kia trong các vấn đề, như trình độ của ứng cử viên chẳng hạn. Nói về bầu cử thì nước nào cũng có luật lệ riêng, vấn đề quan trọng nhất là ổn định xã hội, phát triển xã hội và đáp ứng nhu cầu về đời sống người dân càng lúc càng tăng lên. Ðó mới là mục đích cần thiết, còn hơn là bát nháo, làm chia rẽ dân tộc. Làm sao mà lựa chọn được người giỏi, tài năng, yêu nước, đó mới là điều khó. Và mọi người dân cũng mong muốn, hy vọng những người trúng cử tới đây phải là những người làm tốt trọng trách được giao, thực sự xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân.
Cập nhật: Thứ Hai, 17-05-2021, 01:16/ÐÔNG Á (Lược ghi)/https://nhandan.com.vn
Bình luận