Thứ tư, 11/12/2024, 15:08 [GMT+7]

Ông Chài dẫn nước về bản

Thứ ba, 08/03/2011 - 17:54'
(BLC) - Bằng ý chí quyết tâm và đôi bàn tay lao động, ông Điêu Văn Chài đã làm được một việc tưởng chừng như không thể: mang nước về cho vùng đất "khát".

Trước đây gần 1/4 diện tích đất nông nghiệp của bản Nà Phát, xã Phúc Than, huyện Than Uyên không sản xuất do thiếu nước. Nhưng từ khi ông Điêu Văn Chài bỏ sức người, sức của làm con mương dài gần 2km dẫn nước từ hai khe núi Huổi Co Mặn và Huổi Noong Chàng về bản, bà con đã có thể cấy lúa 2 vụ, trồng thêm ngô, rau, hoa màu… Cuộc sống của người dân đã có sự đổi thay đáng mừng.

Ông Chài nạo vét đoạn mương dẫn nước từ núi Huổi Co Mặn.

Ông Chài sinh năm 1953, trong gia đình làm nông nghiệp. Năm 1969, ông làm Trưởng Ban thủy lợi xã Mường Than. Ông hiểu rất rõ câu tục ngữ “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” trong sản xuất nông nghiệp. Khi được bầu làm Đội trưởng Đội sản xuất của Hợp tác xã Ngà Phát (xã Mường Than, huyện Than Uyên) ông đã bàn với bà con tìm nguồn nước để dẫn về bản phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất nhưng mọi người không tin và ủng hộ suy nghĩ của ông vì bao đời nay người dân nơi đây đều sống phụ thuộc nguồn nước tự nhiên.

Ông tự nhủ: "Mình phải tự làm thôi, khi thấy được hiệu quả thì bà con mới tin". Nói là làm, sau nhiều ngày đi tìm nguồn nước ông đã phát hiện hai khe núi Huổi Noong Chàng và Huổi Co Mặn có nước chảy quanh năm.

Tìm được nguồn nước ông bắt tay vào việc đào mương để dẫn nước về bản. Trải qua biết bao khó khăn, vất vả, có lúc tưởng phải bó tay, nhưng ý chí quyết tâm đã thôi thúc ông không bỏ cuộc. Năm 1979 con mương đã hoàn thành với chiều dài gần 2km.

Khi đã có nước, ông cùng gia đình tích cực khai hoang, mở rộng diện tích đất sản xuất. Từ hai bàn tay trắng, gia đình ông đã có gần 1ha diện tích đất trồng lúa 2 vụ. Từ tiền bán lúa ông đã mua được trâu, bò, hiện gia đình ông có 9 con trâu, 6 con bò, 10 con lợn, 600m2 diện tích nuôi cá, mỗi năm trừ chi phí thu về gần 60 triệu đồng. Thấy gia đình ông làm kinh tế có hiệu quả, người dân trong bản đã tích cực làm theo.

"Chứng kiến dòng nước chảy tràn trên những cánh đồng tôi rất mừng. Thế là từ đây đã có nước để sinh hoạt và sản xuất, không còn cảnh nửa ngày đi làm, nửa ngày xuống suối gùi nước như trước nữa" - ông Chài tâm sự.

Có nước, ông vận động bà con tích cực lao động sản xuất. Những diện tích trước đây không thể sử dụng do thiếu nước nay được người dân đưa vào canh tác. Diện tích đất nông nghiệp của bản tăng lên gần 10ha, đời sống của người dân đã khá hơn trước rất nhiều. Từ khi con mương được đưa vào sử dụng, hàng năm ông cùng bà con tiến hành tu sửa, nạo vét để đảm bảo sự lưu thông của dòng nước.

Bằng ý chí quyết tâm và đôi bàn tay lao động, ông Điêu Văn Chài đã làm được một việc tưởng chừng như không thể: mang nước về cho vùng đất "khát". Để làm được việc đó phải trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả. Đền đáp lại công sức ông bỏ ra là những cánh đồng lúa vàng trĩu bông, những diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản, tăng thu nhập cho người dân. Dòng nước do ông dẫn về đã góp phần không nhỏ vào việc xóa đói giảm nghèo cho những người dân nơi đây.

An Hòa

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Cần thực hiện nghiêm túc hơn
Dù hầu hết các đơn vị kinh doanh xăng, dầu đã chấp hành quy định về hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế; nhưng thực tế, trên địa bàn tỉnh còn số lượng...
Tấm gương chiến sĩ Công an học tập và làm theo lời Bác
Ham học hỏi và hết lòng với công việc đã giúp Đại úy Vừ A Di - Phó Trưởng Công an xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ) luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Anh trở thành tấm gương sáng trong...