Chủ nhật, 01/12/2024, 17:46 [GMT+7]

Thêm động lực gắn bó với rừng

Thứ ba, 19/03/2019 - 10:55'
(BLC) - Nhờ duy trì, thực hiện đúng, đủ, kịp thời việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) của huyện Tam Đường đã tạo động lực giúp người dân gắn bó với rừng.

Hồ Thầu là một trong những địa phương của huyện được đánh giá là điểm sáng trong công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR). Đây là thành quả từ sự đổi thay trong nhận thức của Nhân dân. Giờ đây bà con đều tâm niệm bảo vệ rừng là bảo vệ nguồn sống, bởi rừng rất quan trọng trong điều hòa khí hậu, môi trường, nguồn nước và tạo sinh kế để phát triển kinh tế gia đình. Mỗi hộ tích cực nhận khoanh nuôi bảo vệ rừng và ký cam kết PCCCR. Toàn xã hiện có 2.885,8ha rừng, trong đó 2.767,2ha rừng tự nhiên, 12,7ha rừng trồng và 105,9ha rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 64,27%. Năm 2018, xã phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện chi trả hơn 2 tỷ đồng tiền DVMTR cho bà con. Chị Tẩn Thị Nhẫn - Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Thầu cho biết: “100% hộ dân thực hiện khoanh nuôi, bảo vệ rừng đã nhận đủ tiền DVMTR năm 2018. Công tác chi trả đảm bảo kịp thời, đầy đủ là động lực để bà con nâng cao hơn trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ, PCCCR. Các hộ cũng thống nhất trích 10% tiền chi trả DVMTR làm quỹ bản phục vụ cho các hoạt động: tuần tra, giám sát, phát dọn đường băng cản lửa và huy động lực lượng bảo vệ rừng trong mùa hanh khô”.

Người dân xã Sùng Phài (huyện Tam Đường) nhận tiền DVMTR.

Người dân xã Sùng Phài (huyện Tam Đường) nhận tiền chi trả DVMTR.

Xã Sơn Bình có 5.904,80ha rừng (tỷ lệ che phủ đạt 53,78%) với tổng kinh phí chi trả DVMTR 4 tỷ đồng/năm. Từ chính sách chi trả DVMTR tạo động lực cho người dân gắn bó với rừng. Đồng thời, nâng cao nhận thức cho bà con về công tác bảo vệ, phát triển rừng. Năm 2018, xã giảm 4,15% hộ nghèo so với năm 2017 (còn 33,91%) nhờ một phần thu nhập từ rừng. Gia đình ông Chang Páo Sử (bản Chu Va 8) là một trong những hộ tiêu biểu của xã làm tốt công tác khoanh nuôi, bảo vệ hàng chục hécta rừng. Tận dụng diện tích rừng già, ông trồng 3ha thảo quả. Năm qua, ông thu 8 tạ thảo quả khô, trừ chi phí lãi trên 50 triệu đồng. Ông Sử tâm sự: “Trước đây, do nhu cầu cuộc sống, gia đình tôi từng phá rừng làm nương, lấy gỗ, củi. Bây giờ thì ngược lại, phải bảo vệ, chăm sóc tốt sẽ có nguồn thu bền vững". 

Hàng năm, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tam Đường phối hợp với các xã, thị trấn thống kê, xác minh hiện trạng tài nguyên rừng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách về chi trả DVMTR tới chủ rừng. Cán bộ xã, thị trấn nêu cao vai trò trách nhiệm trong việc đo đạc, lập danh sách chủ rừng đúng hiện trạng sơ đồ. Người dân ý thức giữ rừng để tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Năm 2017, toàn huyện có 28.928ha rừng đủ điều kiện chi trả trên 24,7 tỷ đồng tiền DVMTR; năm 2018 tăng lên 29.714ha rừng được chi trả với tổng số gần 30 tỷ đồng tiền DVMTR. Triển khai chính sách chi trả DVMTR hiệu quả có tác động trực tiếp, khuyến khích các tổ chức, cá nhân quản lý, tuần tra bảo vệ rừng. Nhờ đó, tỷ lệ che phủ rừng của huyện tăng từng năm, tình hình lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép giảm. Một số xã làm tốt việc chi trả DVMTR như: Hồ Thầu, Sùng Phài, Sơn Bình, Bản Bo, Bình Lư, Bản Giang…

Giữ rừng để bảo vệ môi trường, nguồn nước và hưởng lợi từ trồng cây thảo quả dưới tán rừng, chi trả DVMTR - là những những lợi ích thiết thực mà Nhân dân các dân tộc huyện Tam Đường đã và đang tận dụng, phát huy để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Thu Minh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...