Lời giải bài toán giảm nghèo ở Lai Châu
Nhiều hộ dân ở huyện Tân Uyên thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ cây chè. (Ảnh: TH)
Huy động tổng lực để giảm nghèo bền vững
Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, có 4/8 huyện, thành phố là huyện nghèo theo Nghị quyết 30a; 696 thôn bản đặc biệt khó khăn, 23 xã biên giới thuộc các huyện Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ, Nậm Nhùn. Dân số toàn tỉnh có 96.851 hộ dân với khoảng 456.000 người, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 85%, gồm 20 dân tộc.
Làm việc với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Trần Đỗ Công thông tin: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Lai Châu, cùng với các chương trình của Chính phủ như Chương trình 135 dự án 1,2 thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống; Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc Lự, Si La, Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi… Từ tỉnh đến các huyện, thành phố của tỉnh đã ban hành các nghị quyết, chương trình về giảm nghèo và chỉ đạo thực hiện.
Đáng chú ý, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt trong việc thực hiện công tác giảm nghèo, nhất là việc lồng ghép các nguồn vốn tập trung cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập để người nghèo thoát nghèo bền vững. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách đến đối tượng thụ hưởng được quan tâm chỉ đạo, thực hiện đa dạng về nội dung, hình thức... Qua đó giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trong tỉnh nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, vị trí của công tác giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo .
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các tổ chức đoàn thể huy động mọi nguồn lực hỗ trợ cho công tác giảm nghèo, đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo để tạo thành phong trào sâu rộng, thu hút sự tham gia của các tầng lớp nhân dân. Cùng với các nguồn lực của trung ương và tỉnh, hằng năm, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã phát động các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đóng góp xây dựng Quỹ “Vì người nghèo” để thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho người nghèo. Trong đó, giai đoạn 2012-2018, đã huy động được 31.568,3 triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu Trần Hữu Chí cũng cho biết, thông qua các chính sách như hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực dân tộc thiểu số, miền núi; hỗ trợ sản xuất, giáo dục đào tạo và dạy nghề, nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ nâng cao năng lực giảm nghèo; hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài... từng bước giải quyết nhu cầu của người dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo từng bước có tiến triển.
Cụ thể, trong giai đoạn 2012 - 2015, đã có 6 huyện nghèo được đầu tư, hỗ trợ xây dựng 231 công trình (đường giao thông, thủy lợi, trường lớp học, lưới điện…); hỗ trợ giao khoán chăm sóc, bảo vệ 165.995ha rừng; nhân rộng 9 mô hình phát triển chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn các huyện nghèo; mở 33 lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho 1.440 lượt cán bộ làm công tác xoá đói giảm nghèo...
Từ năm 2016 - 2018, đầu tư mới 62 công trình, duy tu bảo dưỡng 56 công trình (đường giao thông nông thôn, thủy lợi, trường lớp học thuộc các huyện nghèo); hỗ trợ khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng cho 118.598 hộ; hỗ trợ khai hoang tạo nương rẫy cố định 170 hộ; hỗ trợ 167 dự án phát triển sản xuất; thực hiện hỗ trợ khai hoang 32,3 ha; nhân rộng 22 mô hình giảm nghèo trên địa bàn các huyện, thành phố... Ngoài ra, đã có 36 nghìn hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách khác được vay vốn phát triển sản xuất...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Giàng A Tính thông tin: Thông qua việc triển khai tổ chức thực hiện tốt các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, xóa đói giảm nghèo, đã có tác động mạnh mẽ, giúp cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số về đời sống vật chất, tinh thần không ngừng được cải thiện; an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo. Đến nay, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 90% số thôn bản có đường giao thông nông thôn; 100% số xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã, 93% số hộ ở nông thôn được sử dụng điện lưới; tỷ lệ hộ dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 84%; tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo đạt 99,9%; toàn tỉnh có 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 13,67 tiêu chí/xã, tăng 0,89 tiêu chí/xã so với cuối năm 2017; có hai huyện Tân Uyên và Than Uyên được công nhận ra khỏi huyện nghèo, 13 xã ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Chưa hết, chỉ tính riêng trong năm 2018, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 7,22%; tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người ước đạt 32,92 triệu đồng. Số hộ nghèo toàn tỉnh đến cuối năm 2018 là 24.195 hộ, chiếm 24,98% tổng số hộ trên địa bàn (so với đầu năm 2018 giảm 4,85%; bình quân các huyện nghèo giảm 5,55%)… Những kết quả này đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; củng cố, tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Đời sống của nhân dân, nhất là ở các xã nghèo từng bước được nâng lên, nhiều hộ thoát nghèo và trở thành hộ khá, giàu...
Càng khó càng quyết tâm giảm nghèo
Sìn Hồ là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lai Châu là một ví dụ điển hình. Với địa hình tương đối phức tạp, độ dốc lớn, bị chia cắt mạnh bởi núi cao, vực sâu gồm 21 xã, 1 thị trấn, 233 bản và khu phố, trong đó có 5 xã, thị trấn thuộc khu vực II; 17 xã thuộc khu vực III; 178 bản đặc biệt khó khăn. Huyện có tổng số 16.044 hộ, 80.835 khẩu, thì số hộ nghèo khoảng 6.574 hộ, chiếm tỷ lệ 40,97%, hộ cận nghèo 1.761 hộ, chiếm tỷ lệ 10,98. %... Ngoài địa hình đi lại khó khăn thì thời tiết ở huyện vùng cao này cũng diễn biến phức tạp, thường có mưa lớn kéo dài gây ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét trên diện rộng gây thiệt hại lớn về con người, tài sản, vật nuôi, cây trồng của người dân... Nhìn vào những con số trên thì chưa cần đến đây cũng đã mường tượng ra cán bộ, người dân ở đây phải chịu biết bao khó khăn, vất vả… Nhưng vượt qua sự khắc nghiệt này, cán bộ các cấp trong huyện tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng tới người dân về các chính sách giảm nghèo của Nhà nước. Thông qua đó người dân trên địa bàn giúp đỡ nhau để cùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển sản xuất, tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo. Chỉ tính riêng trong năm 2018, huyện Sìn Hồ đã có 273 hộ nghèo viết đơn xin đăng ký thoát nghèo.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu Trần Hữu Chí (áo vàng) trao đổi với phóng viên Báo điện tử ĐCSVN. (Ảnh:TH)
Để từng bước thoát nghèo, ông Hầu A Dia - Chủ tịch UBND xã Pu Sam Cáp, Sìn Hồ cho biết: Thời gian qua, chính quyền và đồng bào các dân tộc xã đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Đảng ủy xã thành lập Ban Chỉ đạo xóa đói giảm nghèo, phân công các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành theo dõi, giúp đỡ hộ nghèo, hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, định hướng phát triển kinh tế. Từ các chương trình, dự án giảm nghèo của Chính phủ, tỉnh, UBND xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện tổ chức cấp phát giống cây trồng, vật nuôi, nông cụ sản xuất đảm bảo đúng tiến độ, đối tượng thụ hưởng, nhờ đó người dân có thêm tư liệu sản xuất để nâng cao thu nhập... Hết năm 2018, thu nhập bình quân xã đạt 14 triệu đồng/người/năm (tăng 1 triệu đồng so với năm 2017); tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 39%, giảm bình quân từ 4-5%/năm...
Tương tự Sìn Hồ, Nậm Nhùn là một trong những huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao. Thời gian qua, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, công tác giảm nghèo chính là nhiệm vụ ưu tiên trong quá trình chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, các tổ chức đoàn thể huyện. Đồng chí Hà Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để xóa đói, giảm nghèo, huyện đề ra nhiều giải pháp như: đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đẩy mạnh trồng trọt, chăn nuôi, khai hoang ruộng đất, hỗ trợ cho các hộ nghèo, tổ chức các lớp tập huấn về phát triển kinh tế… Ngoài ra, UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, vận động bà con thi đua lao động sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đời sống. Huyện cũng vận dụng hiệu quả và tối ưu hoá các nguồn lực từ các chương trình, dự án như 30a, 135 để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế xoá đói giảm nghèo.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Văn Sơn cho biết thêm: Nhiều mô hình như gieo trồng lúa năng suất cao ở các xã: Hua Bum, Nậm Hàng; nuôi gà, vịt ở Nậm Ban; nuôi lợn sinh sản ở thị trấn Nậm Nhùn... đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, huyện còn vận động bà con khai hoang, mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, tham gia trồng và bảo vệ rừng. Từ đó tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm dần, đặc biệt các xã: Mường Mô, Nậm Hàng, Trung Chải, Pú Đao giảm bình quân 7%/năm. Chỉ tính riêng trong năm 2018, toàn huyện có gần 500 hộ thoát nghèo, tỷ lệ giảm nghèo cơ bản đạt chỉ tiêu đề ra, 5,5%/năm.
Tuy nhiên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu Trần Hữu Chí thừa nhận, trên địa bàn tỉnh Lai Châu còn tồn tại một thực trạng đó là hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo kế hoạch đề ra nhưng kết quả giảm nghèo chưa bền vững, số hộ tái nghèo và nghèo phát sinh còn cao. Nhiều hộ thoát nghèo lại rơi vào hộ cận nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo có sự chênh lệch lớn giữa các vùng, các dân tộc. Nguồn lực cho công tác giảm nghèo còn hạn chế (mới đáp ứng được gần 50% kế hoạch giao)... Chỉ tính riêng năm 2018, toàn tỉnh có 1.451 hộ nghèo và 3.215 hộ cận nghèo mới phát sinh; có 253 hộ tái nghèo và 253 hộ cận nghèo. Huyện có số hộ tái nghèo, cận nghèo cao nhất là Phong Thổ (99 hộ tái nghèo, 143 hộ tái cận nghèo, huyện cao thứ hai là Nậm Nhùn (52 hộ tái nghèo, 73 hộ cận nghèo)…
Do đó, thời gian tới, để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao hơn, tỉnh Lai Châu sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhóm giải pháp về nhận thức, thể chế, chính sách, công tác tổ chức thực hiện và nguồn lực; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng sản xuất hàng hoá để người nghèo tiếp cận và tham gia; hỗ trợ các hoạt động chuyển giao kỹ thuật, áp dụng công nghệ cao, quảng bá, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm....
Muốn làm được điều đó, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Trần Đỗ Công cũng nhấn mạnh, để thực hiện các chính sách này hiệu quả thì cá nhân ông cho rằng cần có lộ trình, không nên áp dụng ngay tất cả các chính sách hỗ trợ mà chỉ áp dụng từng chính sách một; cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người nghèo, hộ nghèo nhất là hộ nghèo tại các xã, bản vùng sâu, vùng xa, đồng bào các dân tộc ít người của tỉnh để họ chủ động vươn lên thoát nghèo không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước… Làm như thế thì mới tìm được.
Cập nhật: Thứ năm, 22/08/2019 18:00 (GMT+7)/ Thu Hà/https://dangcongsan.vn
Bình luận