Lai Châu giảm nghèo bền vững
Đồng bộ các giải pháp
Cán bộ xã Pha Mu thăm mô hình chăn nuôi của anh Vừ A Khư, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN
Lai Châu là tỉnh vùng cao biên giới, năm 2016, toàn tỉnh có 75/96 xã đặc biệt khó khăn và 6/7 huyện thuộc danh sách 61 huyện nghèo của cả nước, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 40%. Vì vậy, công tác giảm nghèo luôn được Đảng bộ, chính quyền Lai Châu đặc biệt coi trọng và xác định là một trong những chương trình trọng điểm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Giai đoạn 2016-2020, Lai Châu có 6 huyện được thụ hưởng hỗ trợ từ Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững gồm: huyện Mường Tè, Nậm Nhùn, Phong Thổ, Sìn Hồ, Than Uyên, Tân Uyên. Tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước giao trong giai đoạn hơn 2.344 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương gần 2.069 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 125 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động.
Xác định giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tỉnh Lai Châu đã tập trung vào các vùng đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn và những lĩnh vực có lợi thế của địa phương, phù hợp với trình độ nhận thức của người dân. Theo đó, tỉnh đã lồng ghép các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, thủy lợi... Mặt khác, tỉnh hỗ trợ cây, con giống, máy móc, mô hình sản xuất cho bà con.
Theo ông Giàng A Tính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững, Lai Châu đã thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia (Ban Chỉ đạo) từ cấp tỉnh đến cấp xã; hằng năm kiện toàn Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên và gắn trách nhiệm cá nhân với việc hoàn thành nhiệm vụ cuối năm để đánh giá, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Lai Châu cũng chú trọng xây dựng, ban hành trên 40 văn bản giao vốn, quy định thực hiện lồng ghép các nguồn vốn, chính sách đặc thù... chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc chương trình giảm nghèo. Đồng thời, Ban Chỉ đạo các cấp đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân trong huyện, nhất là các hộ nghèo, người nghèo về các chính sách, đối tượng thụ hưởng và quyền lợi khi tham gia chương trình để người dân nắm bắt thông tin, tự nguyện tham gia. Vận động nhân dân tranh thủ hỗ trợ của Nhà nước tự lực vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Giàng A Tính khẳng định, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, tỉnh cũng chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra quá trình thực hiện. Trong giai đoạn này, toàn tỉnh Lai Châu tiến hành 112 cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát tại cấp tỉnh, cấp huyện, kịp thời giải quyết những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tại cấp cơ sở và kịp thời chấn chỉnh, xử lý những sai phạm xảy ra.
Bản làng khởi sắc
Hệ thống giao thông xã Pha Mu, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu được đầu tư bài bản, khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN
Về huyện biên giới Phong Thổ, dọc trên các tuyến đường, bản làng của huyện, đâu đâu cũng thấy hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang. Đặc biệt, đường giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế được kiên cố hóa. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng quê biên giới không ngừng được cải thiện và nâng cao, bà con ai cũng phấn khởi trước những thay đổi rõ nét của quê hương.
Cách trung tâm huyện Phong Thổ khoảng 35 km là xã Mù Sang - một trong những xã biên giới đặc biệt khó khăn nhất của huyện Phong Thổ với đường biên giới dài 7,5 km. Toàn xã có 10 bản, gần 560 hộ gia đình đồng bào dân tộc Mông, Dao sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm đa số, gần 80%.
Do khí hậu khắc nghiệt, tình trạng thiếu nước sản xuất từ năm này qua năm khác khiến đất đai khô cằn khó canh tác, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Mù Sang gặp nhiều trở ngại. Cùng đó, trình độ dân trí thấp, phương thức canh tác lạc hậu, nghèo nàn khiến tỷ lệ hộ nghèo nơi đây ở mức cao.
Được sự quan tâm, hỗ trợ từ Trung ương về chương trình giảm nghèo bền vững, xã Mù Sang đã rà soát những hộ gia đình nằm trong chương trình để hỗ trợ về vốn, giống cây, con và vật tư nông nghiệp; xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng để nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo.
Ông Nguyễn Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Mù Sang cho hay, nhằm giảm nghèo bền vững, xã chủ động xây dựng kế hoạch, quy hoạch theo vùng sản xuất; tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân các bản mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là chuyển đổi diện tích đất trồng ngô, trồng chuối kém hiệu quả sang trồng cây sắn. Cùng đó, xã vận động nhân dân tiếp tục khai hoang diện tích đất trống để trồng cây ăn quả; khôi phục lại diện tích cây ăn quả bị ảnh hưởng của mưa lũ năm trước.
Mặt khác, xã Mù Sang chú trọng mở rộng diện tích trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế cao và đưa các giống lúa, ngô có năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng; khuyến khích bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khâu làm đất để giảm chi phí và sức lao động.
Nhờ đó, năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của xã Mù Sang đạt 13,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 41.09%; tỷ lệ hộ dân tham gia bảo hiểm y tế 100%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh 100%. Đến nay, xã đã xuất hiện nhiều gương điển hình vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Đơn cử như gia đình ông Hảng A Súa, đồng bào dân tộc Mông ở bản Sàng Cải, xã Mù Sang, hiện nuôi 7 con trâu và trồng hơn 3 ha lúa, ngô, sắn. Cùng với chăn nuôi, ông còn kết hợp thêm buôn bán, đến nay gia đình ông có thu nhập hơn 100 triệu đồng. Ông Súa chia sẻ, gia đình ông trước đây thuộc diện hộ nghèo, đời sống rất khó khăn, thiếu thốn. Được sự hướng dẫn của cán bộ xã, ông đã mạnh dạn chuyển đổi các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả. Năm 2018, gia đình ông thoát nghèo và nay trở thành hộ gia đình khá giả của bản, xã.
Có thể thấy, giai đoạn 2016-2020 công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Lai Châu đạt nhiều kết quả đột phá. Hệ thống cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư, hoàn thiện, với hơn 1.100 công trình đường giao thông, điện, trường học, trạm y tế, thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, nhà văn hóa… được xây dựng mới và duy tu, bảo dưỡng.
Về sản xuất, Lai Châu đã hỗ trợ trên 600 dự án phát triển sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… cho hàng trăm nghìn hộ gia đình, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 40,4% năm 2016 xuống còn 20,12% cuối năm 2019. Giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 4,76%/năm. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh tăng từ 18,2 triệu đồng/người/năm (năm 2015) lên 41,7 triệu đồng/người/năm (năm 2020).
Trong giai đoạn, hơn 23.200 hộ đã thoát nghèo và trên 14.080 hộ thoát cận nghèo; thu nhập bình quân hộ nghèo đạt 880.000 đồng/người/tháng, cao gấp 1,76 lần so với năm 2015. Toàn tỉnh đã hỗ trợ 560 người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài và hơn 35.500 lao động được tạo việc làm; trên 95% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia... Đặc biệt, năm 2018, tỉnh Lai Châu có 2 huyện Than Uyên, Tân Uyên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thoát nghèo giai đoạn 2018-2020.
Giai đoạn 2021-2025, Lai Châu phấn đấu giảm bình quân hộ nghèo 3%/năm, huyện nghèo giảm 4%/năm, để đạt được mục tiêu Lai Châu tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; cụ thể hóa kịp thời, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách về giảm nghèo.
Mặt khác, tỉnh tập trung hỗ trợ những huyện nghèo, xã và thôn bản đặc biệt khó khăn, thu hẹp khoảng cách về kinh tế - xã hội giữa các vùng, các dân tộc trong tỉnh.
Đồng thời, Lai Châu tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp dân dân, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo; tăng cường hỗ trợ sinh kế theo hướng giảm chính sách hỗ trợ cho không, tăng cường hỗ trợ có điều kiện cho người dân, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Cập nhật:Thứ Hai, 30/08/2021 12:09 / Việt Hoàng - Đinh Thùy (TTXVN)/https://baotintuc.vn
Bình luận