Xây dựng nông thôn mới ở Mường Than: Đạt và khó đạt
Nhiều tiêu chí đạt
Về Mường Than những ngày tháng 3, thời tiết khá ôn hòa, đâu đâu cũng thấy màu xanh bạt ngàn của lúa non. Không khí hăng say lao động của bà con dường như báo hiệu một mùa thu hoạch thành công đang đến gần. Tình cờ, chúng tôi gặp Đoàn kiểm tra gồm các thành viên của Chi cục Thú y, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hạt Kiểm lâm và cán bộ xã đang trên đường đến 8 hộ dân trong xã cấp giấy phép nuôi nhím. Được biết, mô hình nuôi nhím đã được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cấp giống từ năm 2011 cho 10 hộ dân ở thị trấn. Cuối tháng 10 chương trình lại được tiếp tục triển khai ở 2 xã Mường Than và Phúc Than. Một tín hiệu đáng mừng là hầu hết các gia đình nuôi nhím hiện nay sinh trưởng, phát triển khỏe, có cặp đã có nhím con. Với kết quả này, chắc chắn trong thời gian ngắn nữa nhím sẽ đem lại một nguồn kinh tế khá ổn định cho bà con. Thu nhập tăng cao sẽ là mục tiêu quan trọng trong tiêu chí xây dựng NTM.
Chuyên canh rau cũng là một hướng mở ra thu nhập cao cho nhân dân.
Đề cập tới vấn đề xây dựng NTM, ông Lê Văn Chất – Chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Ngay từ khi được chọn là xã điểm trong xây dựng NTM, xã Mường Than đã có trên 5 tiêu chí đạt yêu cầu. Đó là một khởi đầu thuận lợi cho xã. Trong năm tới, chúng tôi cố gắng hoàn thành thêm hai tiêu chí nữa là đường giao thông và văn hóa”.
Như để chứng minh những nỗ lực đạt được của xã trong thời gian qua, ông Chất dẫn chúng tôi đến thăm một số bản có kinh tế khá phát triển của xã. Trên con đường giao thông mới được cứng hóa đến bản Sen Đông 1, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước những ngôi nhà mới được xây san sát nhau. Theo ông Chất, trước đây, bản Sen Đông 1 là khu vực trồng rau lớn nhất trong xã. Mặc dù cách trung tâm xã không xa nhưng bản vẫn chưa có được đường giao thông thuận lợi và điện lưới đến tận nơi, nên đời sống của hơn 60 hộ dân trong bản nhiều năm qua luôn trong tình trạng khó khăn, thiếu thốn. Ngay từ khi chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai, con đường từ trung tâm xã tới bản đã được đầu tư xây dựng mới đã giúp cho việc đi lại, giao thương của nhân dân bản Sen Đông 1 với các vùng lân cận hết sức thuận tiện, mang lại niềm vui cho mọi người, mọi nhà.
Đặc biệt, từ trước tết Nguyên đán Quý Tỵ, niềm vui của bà con càng nhân lên khi điện lưới đã được nối dài tới tận bản, tận nhà. Điện về, hàng loạt các đồ dùng như điện sáng, ti vi, tủ lạnh, máy xay sát… được phát huy. Trẻ con không phải ngồi bên chiếc đèn dầu leo lét học bài, người lớn được thỏa thích nghe, xem các chương trình truyền hình, những cánh đồng rau cũng có máy bơm nước đến tận nơi mà người nông dân lại không phải tốn sức gánh nước tưới hàng ngày.
Không chỉ riêng bản Sen Đông 1 có niềm vui từ các chương trình, dự án đem lại mà hầu hết các bản trong toàn xã đều hưởng rất nhiều niềm vui chung. Chị Đào Thị Thảo – bản Xuân Én phấn khởi nói: “Đường giao thông chỗ nào cũng cơ bản thuận lợi rồi, điện lưới cũng được thắp sáng, trường học xây dựng khang trang, trạm y tế với đủ các phòng, dụng cụ khám chữa bệnh… phục vụ, chăm sóc bà con tận tình chu đáo. Cơ sở hạ tầng đồng bộ thế này chúng tôi còn mong mỏi gì hơn đâu…”.
Bên cạnh việc tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng đạt tiêu chí nông thôn mới, xã Mường Than còn tích cực tuyên truyền, vận động bà con nhân dân tận dụng lợi thế về đất đai và nguồn nước tưới tiêu để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ, nâng cao thu nhập. Đó là khởi đầu tốt cho một NTM đang còn triển khai. Nhưng để những tiêu chí còn lại nhanh chóng hoàn thành đúng mục tiêu thì xã Mường Than còn phải đối diện với rất nhiều thách thức ở phía trước.
Thách thức còn ngổn ngang...
Cánh đồng Mường Than – nơi được coi là “vựa” lúa lớn nhất của tỉnh ta từ nhiều năm nay. Ấy vậy, nền kinh tế đó có lúc, có thời điểm lại mang một số rắc rối trong việc xây dựng NTM. Muốn chuyển đổi cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp ở vùng trồng lúa nổi tiếng này dường như quá phi lý. Hầu hết những người dân ở xã đều xuất phát từ nghề nông, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, chưa từng biết tới nghành nghề khác thì làm sao “bỏ nghề để chuyển nghề”. Tính tới thời điểm này, toàn xã vẫn có trên 80% lao động đang sống bằng nghề nông và phụ thuộc hoàn toàn vào nghề. Trong khi yêu cầu chỉ có 45% nông dân trực tiếp sản xuất lao động. Như vậy, 40% lao động nữa sẽ phải làm gì ngoài nghề nông để nâng cao đời sống kinh tế. Thực tế mà nói, có lẽ đến vài năm nữa tiêu chí này sẽ là một bài toán chưa có lời giải.
Đường nội đồng bản Lằn, xã Mường Than được tu sửa, nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân.
Song song với cái khó đó còn có những tiêu chí về phát triển kinh tế, sản xuất, tăng thu nhập bình quân đầu người, giảm tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng cụm nhà ở dân cư hay thiết chế văn hóa… Thời gian gần 3 năm có thể cơ sở hạ tầng sẽ thay đổi nhanh chóng, các tiêu chí như giao thông, thủy lợi, điện, đường, nông thôn, chợ nông thôn... có khả năng làm được, nhưng để tăng thu nhập bình quân đầu người, giảm tỷ lệ hộ nghèo... thì phải cần thời gian dài hơn.
Để đạt được tất cả 19 tiêu chí về xây dựng NTM, hầu hết các xã trong tỉnh đều chứa đựng những bất cập cần phải tháo gỡ. Trong số đó, quan trọng nhất vẫn là thiếu vốn đầu tư. Anh Hà Vui – Cán bộ xã cho biết: “Dù bà con nhân dân cũng như chính quyền xã đã rất nhiệt tình xây dựng NTM, song nếu chỉ dựa vào nguồn nội lực của địa phương và đóng góp của bà con là chưa đủ, xã vẫn cần thêm nhiều sự hỗ trợ từ các cấp, nhất là vốn. Bởi theo tính toán, để xây dựng NTM trên các xã vùng cao, chi phí bỏ ra phải lớn hơn gấp nhiều lần so với những xã vùng xuôi có điều kiện thuận lợi”.
Những khó khăn và thách thức trên càng làm cho bài toán xây dựng NTM ở đây không dễ giải quyết trong một sớm một chiều, dù đã đạt được tới hơn nửa tiêu chí đề ra.
Thanh Hiền
Bình luận