Nhiều trẻ em vùng cao không chấp hành Luật Giao thông đường bộ
Hình ảnh này khá phổ biến trên địa bàn xã Tung Qua Lìn.
Mặc dù đường lên các xã Dào San, Tung Qua Lìn chênh vênh, lắt léo vậy nhưng nhiều trẻ em khoảng chừng 13, 14 tuổi điều khiển xe máy khá điêu luyện. Đặc biệt, hầu hết các em không đội mũ bảo hiểm, đi rất nhanh, thậm chí nhiều đoạn đường đất nhỏ hẹp, ổ voi, ổ gà nhưng vẫn rú ga, nẹt pô phóng qua.
Ngoài việc không đội mũ bảo hiểm, một số em còn chở 2, chở 3 người ngồi phía sau. Khi được hỏi, em Ma Thị So ở bản Xì Phài (xã Dào San) chia sẻ: Trong bản em, con trai từ 12 tuổi bắt đầu học đi xe máy, con gái thì 13 tuổi. Lúc đầu em thấy một số bạn trong bản đi xe nên mượn và nhờ các bạn ấy hướng dẫn. Đến khi bố mẹ biết, em đã đi thành thạo rồi.
Trên đường đến bản Căng Há (xã Tung Qua Lìn), chúng tôi tình cờ gặp em Lùng A Huầy (15 tuổi) điều khiển xe môtô nhưng không đội mũ bảo hiểm. Dáng người nhỏ, Huầy ngồi lọt thỏm trong chiếc xe máy nhãn hiệu Honda Wave RSX. Đường dốc trơn trượt, em cố gắng với đôi chân chạm đất lấy thăng bằng, trông thật tội nghiệp. Lúc dừng nghỉ, chúng tôi lân la hỏi chuyện và được Huầy cho biết: Ở bản em nhiều bạn mới học đến lớp 5 đã biết đi xe máy rồi. Lúc đầu bố mẹ không giao xe cho vì bảo chưa đủ tuổi sẽ rất nguy hiểm. Tuy nhiên, bố mẹ đi làm nương, em tự lấy xe ra tập. Khi em đi thạo thì bố mẹ không cấm nữa nhưng nhắc không chạy xe ra đường lớn vì các chú công an bắt được sẽ bị xử phạt rất nặng. Do vậy, mỗi khi thấy Cảnh sát giao thông tuần tra kiểm soát trên đường, chúng em lại gọi điện báo cho nhau.
Câu chuyện của So, Huầy chỉ là điển hình trong rất nhiều trường hợp trẻ em ở các xã vùng cao trên địa bàn huyện điều khiển xe máy khi chưa đến tuổi theo quy định. Mỗi em đều có lý do riêng biện hộ cho hành vi của mình nhưng lại không nhận ra đây là những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông và hệ quả rất khó lường.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc trẻ em ở vùng cao ngang nhiên điều khiển xe máy chủ yếu do sự quản lý lỏng lẻo từ phía các bậc cha mẹ. Có thể lúc đầu phụ huynh không đồng ý nhưng khi con trẻ đã biết đi và có thể giúp ích được những công việc nhỏ trong gia đình như: chở nước sinh hoạt, đèo em đi học hay đi mua nhu yếu phẩm tại quầy hàng tạp hóa trong xã thì lại đồng tình, thậm chí còn khuyến khích.
Cùng với đó, địa bàn rộng, địa hình hiểm trở, các xã vùng cao có nhiều tuyến đường nhỏ, lực lượng Cảnh sát giao thông huyện lại mỏng, khó thực hiện tuần tra kiểm soát giao thông thường xuyên trên các tuyến đường nên người dân không tuân thủ pháp luật giao thông. Với bà con, việc đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe đúng tốc độ... chỉ nhằm mục đích đối phó với lực lượng chức năng.
Đại úy Lò Văn Hào – Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông (Công an huyện Phong Thổ) cho biết: Hàng năm, chúng tôi đều phối hợp với các nhà trường tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho học sinh. Tuy nhiên do nhận thức hạn chế nên tình trạng trẻ em chưa đủ tuổi điều khiển xe, vi phạm an toàn giao thông đường bộ vẫn xảy ra. Thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường tuần tra kiểm soát giao thông, phối hợp với già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số làm tốt công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ nhằm hạn chế thấp nhất các vụ va chạm, tai nạn giao thông xảy ra.
Mặc dù trên địa bàn huyện Phong Thổ chưa ghi nhận vụ tai nạn giao thông do trẻ em điều khiển xe môtô gây hoặc có xảy ra thì cũng không ai thông báo cho lực lượng chức năng, nên để chấm dứt tình trạng trên, ngoài sự vào cuộc của lực lượng công an, rất cần sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm nâng cao nhận thức cho các bậc phụ huynh trong việc quản lý con em, tuyệt đối không cho sử dụng xe mô tô khi chưa đủ tuổi theo quy định.
Hoài Thương
Bình luận