Thứ tư, 11/12/2024, 14:56 [GMT+7]

Đã đến lúc chúng ta biết sợ?

Thứ năm, 26/05/2011 - 10:12'
Qua vụ những việc chìm thuyền ở Quảng Ninh, trôi xe khách ở Hà Tĩnh và lại chìm thuyền ở Bình Dương, cá nhân tôi có chung một cảm giác: Tai nạn đều xuất phát từ sự chủ quan và coi thường tính mạng. Nếu đã coi thường chính mạng sống của chúng ta, thì có chết âu cũng là chuyện không đáng để bàn. 

Thế nhưng oái ăm ở chỗ, ai chết và chết ai mới đáng buồn lòng. Người chết thường là những người dân vô tội, những đứa trẻ ngây thơ, còn người sống thì vẫn đâu đó trăn trở trong cái lối tư duy chủ quan. Có nhiều thứ để bàn, nhưng ở đây tôi chỉ nêu một số cảm nghĩ của tôi về cả ba vụ việc đau thương.

Ở góc độ người quản lý, quả thật trước một tình thế “trăm hoa đua nở”, trông họ thật tội nghiệp và chính họ cũng không hình dung nổi nên quản lý ai, quản lý cái gì, nên quản lý làm sao. Quả đúng vậy đơn cử như 2 vụ trước một là “tại cái van” (Quảng Ninh), hai là do xe khách đi ẩu (Hà Tĩnh), còn bây giờ có thể là do thuyền thiết kế sai (Bình Dương). Sở dĩ tôi nói có thể vì cơ quan điều tra chưa kết luận nguyên nhân. Nhưng nếu nhìn vào cái thuyền của Dìn Ký trên sông, cái nhận thấy đầu tiên của tôi là, thuyền có tới 4 phần nổi và 1 phần chìm? Rõ ràng, chỉ một mình anh quản lý không thôi chưa đủ và sẽ không bao giờ đủ.

Cứu nạn xe khách trôi sông Lam ngày 21/10/2010. Nguồn VnExpress.

Nhưng nếu như nói người chủ phương tiện (ở đây là người cầm lái), cá nhân tôi tin tưởng vào anh tài công của chiếc thuyền du lịch Dìn Ký, ít nhất cho đến khi tôi biết quê anh ở Bến Tre. Xứ đó có lắm ghe - nhiều dừa, đối với anh ấy giông lốc cửa biển chắc cũng không phải gì xa lạ từ lúc lên năm lên ba. Thế nhưng bác ấy quên một điều rất cơ bản trong lái ghe thuyền là “gió chiều nào thì xuôi theo chiều đó”. Có lẽ lúc đó anh ấy nghĩ mình đang lái chiếc ghe nhỏ ở dưới quê, hay phải chăng tại vì chiếc thuyền này hoành tráng hơn nên ghé vào đâu mà chẳng được!

Nói vậy cũng không đủ, mà có khi tội nghiệp cho anh tài công chiếc thuyền Dìn Ký bởi vì đôi khi anh ấy cũng chỉ lái ghe bằng kinh nghiệm bản thân, chứ không qua trường lớp nào (dự đóan). Mà không chỉ riêng gì anh, có rất nhiều tài công thuyền, ghe hiện đang họat động dựa vào kinh nghiệm của mình. Có ít ỏi lắm những người có chứng chỉ cầm lái, hoặc chứng chỉ có lẽ cũng chỉ để là chứng chỉ mà thôi.

Trục với tàu Dìn Ký ngày 22/05/2011. Nguồn: VnExpress.

Điều đáng để nói hơn nữa là trong 3 trường hợp xảy ra tai nạn thì việc tìm vị trí chiếc thuyền, xe khách dưới sông thật khó thay. Khó đến mức phải mời cả các nhà ngoại cảm mới có thể xác định được. Phải chăng sông nước mênh mông quá, hay lòng người rối bời?

Nên nhớ, chiếc thuyền như Dìn Ký, chiếc xe khách, không phải là chiếc cúc áo, hay đồng xu khi rơi xuống nước. Có lẽ việc tìm kiếm và cứu nạn là cả một môn khoa học, mà chúng ta cần phải chú trọng hơn.

Cho đến nay, việc định vị tọa độ toàn cầu kết hợp với dụng cụ đo sâu đã được áp dụng rất nhiều ở các đơn vị giao thông, thủy lợi, ở nước ta hẳn hoi. Mật độ các điểm đo đạc có thể được từ 2-5m/điểm. Nếu kích thước lớn như cái xe bus và chiếc thuyền, thì hà cớ gì mà không tìm ra được? Cái chính là các đơn vị tìm kiếm cứu hộ đã có phương án ứng phó hay chưa.

Tôi không phải không có tình cảm với những người thợ lặn đã ngày đêm vất vả, ngâm mình trong nước để tìm kiếm. Thế nhưng rõ ràng các anh mới là quá bé đối với sông nước mênh mông kia. Nếu xác định được vị trí bị nạn rồi, thì công sức của các anh bỏ ra hiệu quả hơn rất rất nhiều lần. Có thể sẽ trở nên những người anh hùng thực sự vì cứu sống được nhiều người bị nạn. Cũng phải thừa nhận rằng, thời gian từ lúc xảy ra tai nạn đến lúc cứu người là vấn đề mấu chốt. Cho đến nay, kỷ lục Guiness về nín thở dưới nước là 17 phút (theo VTV6). Bởi thế nên khi đã bị chìm, cơ hội sống sót thật ít ỏi. Người viết bài này có một ước muốn nếu như có một lực lượng cứu hộ tinh nhuệ, họ tiếp cận ngay đến vùng bị tai nạn bằng trực thăng và có thể triển khai nhanh việc xác định vị trí một cách hoàn hảo và chuyên nghiệp, sau đó các lực lượng khác hỗ trợ thì tốt biết bao. Biết đâu có thể cứu được nhiều người sống sót.

Qua nhìn nhận ba sự việc tai nạn đường thủy vừa diễn ra, thiết nghĩ tham gia giao thông và quản lý giao thông còn quá nhiều việc để làm. Đặc biệt là giao thông thủy du lịch. Nhưng điều quan trọng hơn đó là đã đến lúc toàn xã hội phải nhìn nhận lại những hành động của chính bản thân mình? Đã thấy sợ chưa, hay vẫn thích đùa giỡn với tính mạng? Với tôi, tôi đã quá sợ hãi với việc tham gia giao thông trong điều kiện như hiện nay, nhưng đôi khi tôi cũng không có lựa chọn nào khác, mà chỉ biết tự mình cảnh giác và cầu may.

Có lẽ, ngoài sự cố gắng của chúng ta hôm nay, cần lắm đến việc đào tạo các thế hệ mai sau, để có được những mức chuẩn sống tốt hơn, an toàn và lành mạnh hơn.

Thay lời kết, tôi xin nghiêng mình chia buồn những nạn nhân xấu số ở Bình Dương.

Theo VnExpress

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Cần thực hiện nghiêm túc hơn
Dù hầu hết các đơn vị kinh doanh xăng, dầu đã chấp hành quy định về hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế; nhưng thực tế, trên địa bàn tỉnh còn số lượng...
Tấm gương chiến sĩ Công an học tập và làm theo lời Bác
Ham học hỏi và hết lòng với công việc đã giúp Đại úy Vừ A Di - Phó Trưởng Công an xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ) luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Anh trở thành tấm gương sáng trong...