Sẵn sàng tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ 5 - 12 tuổi
Đợt cao điểm bùng phát dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh tháng 2, tháng 3 vừa qua, nhiều gia đình 100% thành viên mắc, thậm chí cả những em bé vẫn đang còn bú mẹ. Số lượng trẻ em nhiễm Covid-19 nhiều khiến người lớn không khỏi lo lắng, nhất là đối với những trẻ chưa được tiêm vắc-xin. Việc học đối với các em trong độ tuổi đến trường cũng bị xáo trộn.
Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Quyết Tiến (thành phố Lai Châu) rà soát lại danh sách học sinh chuẩn bị tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
Đồng chí Lò Việt Tuyển - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho hay: Từ ngày 1/1-8/4, toàn ngành có 29.462 học sinh bị Covid-19; trong tháng 3 có ngày cao điểm 700 học sinh bị Covid-19. Thành phố Lai Châu có số học sinh bị F0 nhiều nhất với 5.303 em. Khi học sinh bị mắc Covid-19, quá trình dạy - học gặp nhiều khó khăn. Bởi, các em phải cách ly và tham gia học trực tuyến, trong khi đó nhiều gia đình không có điều kiện duy trì kết nối mạng internet, đồng thời nhiều vùng sóng 3G, 4G còn hạn chế. Một số lớp học sinh nghỉ học rải rác do thuộc F0, F1 nên giáo viên phải vừa dạy trực tiếp, vừa dạy trực tuyến, giao bài và dạy bổ trợ sau khi học sinh trở lại trường. Bên cạnh đó, ở nhà lâu, giờ giấc sinh hoạt của các em thất thường, thiếu vận động nên khi đi học trở lại thường hay có biểu hiện mệt mỏi...
Đến nay, tỷ lệ người từ 12-17 tuổi của tỉnh được tiêm 1 liều vắc-xin đã đạt 99,9%; tiêm 2 liều vắc-xin đạt 92,74%. Vì vậy, thời điểm này, vấn đề được cấp ủy, chính quyền tỉnh, các ngành chuyên môn và phụ huynh đặc biệt quan tâm đó là làm sao giảm tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh đối với trẻ dưới 12 tuổi. Phần đa mong muốn trẻ sớm được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 để tạo miễn dịch, hạn chế tối đa nguy cơ tử vong và biến chứng nặng trước SARS-Cov-2. Chị Nguyễn Thị Đoan (tổ dân phố số 2, phường Tân Phong, thành phố Lai Châu) tâm sự: Khi gia đình bị nhiễm Covid-19 tôi mới thấy rằng, những người được tiêm phòng đầy đủ thì chỉ bị triệu chứng nhẹ. Nhưng con thứ 2 của tôi (8 tuổi) chưa được tiêm vắc-xin thì sốt cao kèm theo ho, sổ mũi… thương lắm! Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 là vô cùng cần thiết trong thời điểm hiện nay. Tôi mong con sớm được tiêm vắc-xin này.
Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, công tác tuyên truyền tới cha mẹ học sinh về tiêm phòng Covid-19 đã được các trường triển khai. Đồng thời, tiến hành cho phụ huynh, người giám hộ của trẻ ký phiếu đồng ý tiêm chủng trước khi tổ chức tiêm. Cơ bản phụ huynh đồng thuận; công tác chuẩn bị đã hoàn thành. Qua lấy phiếu xin ý kiến tiêm vắc-xin phòng Covid-19 do các trường triển khai, tới nay số phụ huynh đồng ý tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đạt khoảng 95% (tương đương 66.500 trẻ em, học sinh từ 5-11 tuổi).
Trao đổi về công tác chuẩn bị tiêm phòng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, đồng chí Bùi Tiến Thanh - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Ngành đã phối hợp với các đơn vị liên quan, đặc biệt là ngành Giáo dục rà soát thống kê trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi (theo đó, toàn tỉnh có 83.850 trẻ) và tuyên truyền lợi ích của việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 nhằm tạo sự đồng thuận, phối hợp của cha, mẹ/người giám hộ cho trẻ trong quá trình chuẩn bị, tổ chức triển khai thực hiện. Đến nay, công tác chuẩn bị cơ bản hoàn tất (rà soát lập danh sách đối tượng tiêm, ký phiếu đồng thuận của phụ huynh, đăng ký nhu cầu vắc-xin, đảm bảo về nhân lực, cơ sở vật chất, vật tư, trang thiết bị…). Ngành cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm cho trẻ; sẵn sàng phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện đảm bảo an toàn khi được phân bổ vắc-xin.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, trong quá trình triển khai cũng gặp không ít trở ngại khi một bộ phận phụ huynh/người giám hộ do tâm lý e ngại tác dụng không mong muốn khi tiêm vắc-xin cho trẻ nên chưa đồng thuận tiêm. Thông tin cá nhân của trẻ, nhất là trẻ đi học tại các trường không thuộc nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, khó xác định được mã định danh cá nhân. Thời gian tiêm diễn ra vào kỳ nghỉ hè, trẻ về nghỉ tại gia đình hoặc về thăm quê… khó theo dõi quản lý đối tượng và nắm bắt mũi tiêm.
Đồng chí Bùi Tiến Thanh cho biết thêm: Ngành đang tiếp tục phối hợp tăng cường tuyên truyền, vận động nhằm đạt tỷ lệ phụ huynh/người giám hộ nhất trí tiêm cho trẻ cao nhất. Ngành Y tế sẽ triển khai tiêm ngay sau khi được phân bổ vắc-xin. Theo thông tin từ Bộ Y tế, trẻ đang học lớp 6 sẽ được tiêm vào nửa cuối tháng 4; các độ tuổi khác sẽ hoàn thành trong quý II/2022.
Việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ là hết sức cần thiết để gây miễn dịch chủ động, hạn chế các trường hợp mắc diễn biến nặng và dẫn tới tử vong. Để đảm bảo an toàn, ngành Y tế khuyến cáo phụ huynh cần khai báo với cán bộ y tế các dị ứng của trẻ đối với các loại thức ăn, các thuốc đã sử dụng, đặc biệt là các mũi tiêm vắc-xin trước đó. Trẻ có những triệu chứng liên quan đến đường hô hấp, các triệu chứng nghi nhiễm Covid-19 thì không đưa đến điểm tiêm chủng. Trong trường hợp trẻ mắc các bệnh mãn tính, hoặc bất thường về sức khỏe… cha mẹ cần thông tin trung thực với cán bộ y tế để được hướng dẫn tiêm chủng ở các điểm tiêm an toàn tuyến huyện, tỉnh. Đặc biệt trong 3 ngày đầu sau khi tiêm, cha mẹ và thầy cô cần quan sát, theo dõi trẻ thường xuyên. Không cho trẻ vận động mạnh trong 3 ngày sau tiêm vì các thay đổi về nhịp tim, nhịp thở… sẽ dễ gây nhầm lẫn với các phản ứng sau tiêm dẫn đến khó khăn trong việc theo dõi.
Đối với trẻ đã bị nhiễm Covid-19 cần được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 sau khi mắc bệnh 3 tháng vì miễn dịch để lại sau khi mắc Covid-19 là không bền vững nên cần được tiêm vắc-xin để bổ sung kháng thể cho trẻ.
Dương - Thủy
Bình luận