Thứ năm, 28/11/2024, 17:25 [GMT+7]

Làng tình nguyện giúp người

Thứ tư, 01/06/2011 - 15:36'
Cả thôn Bình An 1 chỉ có gần 500 hộ dân, nhưng đã có đến gần 100 người đăng ký hiến giác mạc. “Con số này là kỷ lục không chỉ của xã mà của toàn tỉnh Thừa Thiên Huế”, trưởng thôn Nguyễn Thanh Kiều, tự hào khoe.

Bình An 1 là làng nghèo nằm ven biển, chiếm 1/3 dân số của xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên.

Ông Kiều làm trưởng thôn từ năm 2004 đến nay. Thực hiện cuộc vận động của Hội chữ thập đỏ tỉnh thông qua tổ chức Orbis (Mỹ) tài trợ kêu gọi hiến tặng giác mạc cho người mù vào đầu năm 2009, ông Kiều là người đầu tiên trong xã đăng ký tham gia. Noi gương ông, bà con cũng tình nguyện làm đơn.

Ảnh:

Trưởng thôn Nguyễn Thanh Kiều đang xem lại danh sách gần 100 người của thôn mình đăng ký hiến giác mạc trong gần 2 năm qua. 

“Khi chưa hiểu rõ về cách thức hiến, bản thân tui cũng sợ vì cứ nghĩ lấy giác mạc là móc cả mắt người chết đem cho người sống. Nhưng khi được các bác sĩ giải thích hiến giác mạc là chỉ lấy màng mỏng ở mắt, tui hiểu và đăng ký ngay. Theo tui, chết là về với cát bụi nên làm được gì cho đời thì mình nên làm”, ông Kiều tâm sự.

Nhưng ở làng quê nghèo này, không phải ai cũng hiểu được như ông. Khi chủ trương mới đưa về, ai nghe cũng lạ và thấy sợ “khi mình về dưới ấy mù thì sao thấy đường mà đi”. Xã rồi thôn họp bàn, thành lập Ban vận động với phương châm đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, thậm chí mang cả tài liệu của Bệnh viện mắt Trung ương về việc lấy và ghép giác mạc của người chết cho người sống để giải thích cho người dân.

Khi ấy, Bình An 1 là thôn đầu tiên tiên tạo nên phong trào hiến giác mạc cho xã. Và đến cuối năm 2010, toàn xã Lộc Vĩnh có tới 183 người đăng ký tham gia. Trong đó, thôn Bình An 1 chiếm 81 người, đa phần là người cao tuổi.

Nhiều cặp vợ chồng như ông Trần Điền (70 tuổi), Hoàng Khuyến (80 tuổi), Hoàng Lộc (84 tuổi) đều cùng đăng ký. Chính họ lại vận động con cháu mình tham gia hiến giác mạc.

Tuy nhiên, điều mà nhiều người già lo lắng nhất là khi mình nhắm mắt xuôi tay, con cháu vì thương mà cản trở việc họ làm từ thiện. Chính từ suy nghĩ ấy mà vợ chồng ông Hoàng Lộc đã viết sẵn di chúc có nội dung ràng buộc: nếu con cháu cản trở việc ông bà đã tình nguyện đăng ký hiến tặng giác thì sẽ không được thừa kế tài sản. Ông còn tâm sự điều này với cán bộ Hội chữ thập đỏ của xã để khi ông bà về với thế giới bên kia "sẽ không phải hổ thẹn với đời".

Ảnh:

Với ông Hoàng Lộc “sống là cho”. 

“Qua các phương tiện thông tin, tui được biết hiện nay vẫn còn khoảng 30.000 người mù có nhu cầu thực sự được ghép giác mạc trong khi nguồn cung cấp lại thiếu. Tặng người khác ánh sáng cũng là làm phúc cho đời. Điều quan trọng nhất là mình luôn cảm thấy vui”, ông Lộc bộc bạch.

Anh Văn Đình Phúc, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Lộc Vĩnh, cho biết phong trào hiến tặng giác mạc của địa phương, trong đó điển hình là thôn Bình An 1 hai năm trở lại đây luôn là một hoạt động sôi nổi có ý nghĩa xã hội sâu sắc. Người dân đăng ký trên tinh thần nhân đạo thực sự chứ không phải đăng ký để lấy thành tích.

“Nếu ai còn băn khoăn khi đăng ký thì phía Hội chữ thập đỏ xã cũng để cho người dân suy nghĩ thật kỹ lưỡng bởi làm từ thiện phải xuất phát từ tấm lòng”, anh Phúc tâm sự.

Theo VnExpress

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...