Đổi thay ở xã nhiều không
Kỳ 2: “Thay da đổi thịt” nơi vùng đất khó
Để làm tươi mới vùng đất này, thay đổi nhận thức, thói quen của người dân không phải là chuyện dễ dàng mà đó là một bài toán nan giải, phải tìm được cách làm đúng, trúng thì mới hiệu quả. Xã không chỉ lựa chọn cán bộ lâu năm, tâm huyết với nghề mà còn phải chọn cán bộ là người địa phương để tiếng nói thêm phần thuyết phục.
Đến với dân, cán bộ xã không chỉ là người đến tuyên truyền mà phải gắn trách nhiệm của mình với dân, coi dân như người thân trong gia đình, có như vậy thì mới hiểu và nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của bà con. Ở với dân bản, cán bộ luôn xắn tay vào làm tất cả công việc, dù nhỏ hay lớn, mình phải làm trước thì dân mới học hỏi theo. Trong sản xuất, các anh hướng dẫn bà con khai hoang, mở rộng diện tích, cách cầm cuốc, xẻng, đẽo cày, gieo mạ rồi mới dạy dân sử dụng máy móc hiện đại như máy tuốt lúa, xay xát, máy nổ… Gặp dân không chỉ có những buổi họp bản mà cán bộ luôn gặp dân mọi lúc, mọi nơi, ở nơi sản xuất, tại nhà dân để tuyên truyền. Có những lần đi bộ suốt 2 - 3 ngày đến các bản xa, mệt đâu ăn đấy, ngủ đấy, nhưng vì 2 chữ “đồng bào”, ai cũng tâm huyết, hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng giao phó.
Anh Mùa A Đại - Chủ tịch UBND xã cho biết: Đến với dân, chúng tôi tuyên truyền, đưa ra rất nhiều ví dụ để chứng minh cho dân thấy, dân hiểu. Điều quan trọng hơn là nói phải đi đôi với làm, như thế mới tăng tính thuyết phục với bà con. Khi người dân đã nhận thức đúng thì sẽ có những chuyển biến tích cực trong hành động để đổi thay cuộc sống.
Người dân bản San Sủa Hồ (xã Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ) tích cực phát triển chăn nuôi.
Đến bản, các anh xem xét, đánh giá thổ nhưỡng phù hợp với giống cây ngô, lúa nào, tìm hiểu thêm thông tin, có những kỹ thuật nào hiệu quả với từng loại, mới đề xuất lên huyện cung cấp giống. Thời điểm đầu chỉ thử nghiệm, xem xét năng suất tăng - giảm ra sao, có kết quả thuận lợi mới nhân rộng để dân làm theo. Và từ đấy, năng suất lúa, ngô vụ sau cao hơn vụ trước. Đến năm 2023, diện tích gieo trồng toàn xã đạt 885ha, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 2.758 tấn, lương thực bình quân đạt 470,2kg/người/năm. Chăn nuôi từ nhỏ lẻ đã thay đổi phương pháp sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa, hộ nào cũng làm chuồng trại nuôi nhốt, biết cách nhân giống, phòng chống dịch bệnh, vật nuôi ngày càng tăng đàn. Đến nay, toàn xã có 5.623 con gia súc, gần 17.000 con gia cầm.
Anh Hạng A Di (bản Háng Lìa Hồng Thứ) hồ hởi chia sẻ: So với những năm tháng trước đây, cuộc sống của chúng tôi thay đổi rất nhiều, hộ nghèo giảm dần. Lúc đầu, cán bộ xã xuống bản tuyên truyền, chúng tôi không tin theo, nhưng với sự quyết tâm của xã cùng giải pháp hợp lý, dân bản thay đổi suy nghĩ, làm theo những gì mà cán bộ xã hướng dẫn, vậy nên mới có cuộc sống như ngày hôm nay. Gia đình tôi trước chỉ có 5 bao thóc, ngô để ăn, giờ đây, mỗi vụ thu hoạch được hơn 90 bao, không còn lo đói.
Các lớp dạy nghề thường xuyên được mở ở các bản, thu hút bà con tham gia. Đến lớp, không chỉ được cùng trao đổi, chia sẻ, khắc phục khó khăn mà còn được biết nhiều cách làm hay, phương pháp kỹ thuật mới để áp dụng. Đặc biệt, khi con đường liên xã, liên bản được nhựa hoá, mở rộng thêm, giao thương hàng hóa thuận lợi, nhiều thương lái đến tận xã, bản thu mua nông sản của dân. Bà con các bản còn hiến 7ha đất, góp hơn 2.000 ngày công giúp xã đầu tư xây dựng các công trình, góp phần hoàn thiện 11/19 tiêu chí nông thôn mới. Ngoài ra, với lợi thế về thổ nhưỡng, xã vận động nhân dân bảo vệ, phát triển rừng, nâng tỷ lệ che phủ lên 48,68%, giúp người dân hưởng lợi gần 1,6 tỷ đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Đường khơi thông, cũng là lúc vào những năm 2008, 2009, điện lưới, sóng điện thoại đã dần phủ hết tất cả các bản. Việc nắm bắt chủ trương, đường lối, thông tin liên lạc giữa bản với xã dễ dàng hơn. Giờ hộ nào cũng có tivi, quạt điện, loa đài và xe máy để đi lại, ai cũng sắm cho mình những chiếc điện thoại kết nối mạng internet, làm phong phú thêm thông tin, hình ảnh, có thêm cơ hội giao lưu, trao đổi trong sản xuất lẫn sinh hoạt cuộc sống. Đến năm 2019, 13 bản sáp nhập còn 11, các bản gần nhau hơn, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái càng được nâng lên.
Giờ đây, các hủ tục, tệ nạn được đẩy lùi, người dân đoàn kết, giúp đỡ nhau trong mọi công việc; vào các ngày lễ, tết bà con cùng nhau múa hát, chơi trò chơi dân gian. Còn lớp trẻ được học tập trong ngôi trường mới, để mai sau cống hiến xây dựng quê hương. Minh chứng cho thấy, đến nay, 11/11 bản, 830/1.002 hộ của xã đạt danh hiệu văn hoá.
Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 55,38%, thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng. Xã dự kiến hết năm 2024, giảm từ 5 - 6% tỷ lệ hộ nghèo, tăng thêm 5 triệu đồng thu nhập - anh Mùa A Đại cho biết thêm.
Rời các bản của xã Tủa Sín Chải khi mặt trời dần xuống núi, ánh đèn điện đã bừng lên tô điểm thêm nét đẹp của bản làng miền Tây Bắc. Tin rằng, cuộc sống của dân tộc Mông nơi đây sẽ ngày càng tươi sáng.
Thái Hà
Bình luận