Tràn lan quảng cáo, rao bán thiết bị phá sóng
Những thiết bị phá sóng, gây nhiễu sóng di động, theo quy định của pháp Luật, là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Các cơ sở kinh doanh thiết bị này phải có đăng ký kinh doanh, có giấy phép của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên hiện nay, các thiết bị này vẫn được quảng cáo, rao bán tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Không khó để bắt gặp trên các trang mạng những clip quảng cáo thiết bị phá sóng, giá bán từ vài trăm đến vài triệu đồng một thiết bị tùy loại. Người muốn mua gọi điện liên hệ, ngay lập tức được người bán tư vấn nhiệt tình.
Phóng viên đã đặt mua thiết bị phá sóng Wifi từ một sàn thương mại điện tử với giá chỉ vài trăm nghìn đồng. Thiết bị có hình dạng như là một bảng mạch điện tử và có tích hợp cả ăngten.
Theo các cán bộ kỹ thuật, về bản chất, đây là một thiết bị vô tuyến điện công suất thấp. Sau một vài thao tác cài đặt đơn giản, thiết bị này đã có thể gây ảnh hưởng đến các mạng Wifi trong phạm vi gần.
Hành vi quảng cáo, rao bán trái phép thiết bị phá sóng không chỉ gây can nhiễu những tần số vô tuyến điện hợp pháp mà rất có thể còn vô tình tiếp tay cho tội phạm.
"Về hoạt động của bộ phát Wifi này, nó sẽ lợi dụng điểm yếu về bảo mật của các bộ phát Wifi và kết nối với các bộ phát mà người dùng muốn vô hiệu hóa, sau đó sẽ truyền mã độc vào các bộ phát Wifi, giả mạo gói tin, làm mất dữ liệu của bộ phát Wifi với thiết bị ngoại vi xung quanh. Do ăngten phát của thiết bị này gắn liền trên bảng mạch nên phạm vi ảnh hưởng của nó rất nhỏ, chỉ từ 10 - 15 m", ông Ngô Nhất Sơn, chuyên viên Phòng kiểm tra xử lý, Trung tâm tần số vô tuyến điện khu vực I, Cục Tần số vô tuyến điện, nhận định.
Còn với các thiết bị phá sóng thông tin di động GPS, 3G, 4G đang được quảng cáo tràn lan trên các trang mạng, công suất lớn hơn, do vậy mức độ và phạm vi ảnh hưởng cũng lớn hơn nhiều.
"Nguyên lý hoạt động của các thiết bị này là phát ra tín hiệu có mức cường độ lớn hơn, mạnh hơn đè lên tín hiệu của các thiết bị mà đối tượng sử dụng thiết bị phá sóng muốn vô hiệu hóa. Tùy thuộc vào công suất của thiết bị phá sóng mà mức độ ảnh hưởng của loại thiết bị này có thể lên tới hàng trăm mét", ông Ngô Nhất Sơn cho biết.
Các chuyên gia cũng cảnh báo, hành vi quảng cáo, rao bán trái phép thiết bị phá sóng không chỉ gây can nhiễu những tần số vô tuyến điện hợp pháp, mà rất có thể còn vô tình tiếp tay cho tội phạm. Như tại quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh, gần đây, lực lượng chức năng đã bắt gọn ổ nhóm trộm cắp xe máy, sử dụng thiết bị phá sóng để tránh sự truy tìm của khổ chủ và công an.
Ngăn chặn mua bán, sử dụng thiết bị phá sóng bất hợp pháp
Vậy mua bán sử dụng trái phép thiết bị phá sóng sẽ bị xử phạt như thế nào? Biện pháp nào để ngăn chặn được hành vi này?
Dưới góc độ pháp lý, theo quy định tại điều 6 Nghị định 98/2020 của Chính phủ, trường hợp buôn bán thiết bị phá sóng không có giấy phép, giá trị hàng hóa dưới 100 triệu đồng, sẽ bị xử phạt hành chính. Mức phạt cao nhất có thể lên đến 20 triệu đồng.
Trường hợp nhập lậu thiết bị phá sóng, với giá trị từ 100 triệu đồng trở lên, sẽ bị xử lý hình sự về tội buôn lậu. Mức phạt tiền cao nhất lên tới 5 tỷ đồng, phạt tù có thể từ 6 tháng đến 12 năm. Nngười mua các thiết bị này về sử dụng trái phép, cũng sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự.
"Trong trường hợp chưa gây hậu quả nghiêm trọng, có thể bị phạt vi phạm hành chính theo điều 71 Nghị định 15 của Chính phủ với mức phạt cao nhất lên đến 100 triệu đồng. Trong trường hợp sử dụng thiết bị này thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên hoặc gây tê liệt, rối loạn hoạt động của cơ quan tổ chức từ 24h trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mức phạt cao nhất lên đến 12 năm tù", Luật sư Đăng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Hà Nội, cho biết.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết đã yêu cầu các sàn thương mại điện tử tăng cường rà soát để có thể lọc bỏ tối đa các bài đăng, tài khoản quảng cáo rao bán các sản phẩm phá sóng.
"Những hành vi rao bán quảng cáo những thiết bị này rất đa dạng, họ sử dụng các cụm từ như chặn hát karaoke, giảm tiếng ồn, hoặc những sản phẩm tương tự có tên khác để luồn lách các thông tin quảng cáo đó. Hiện nay Cục Thương mại điện tử cũng đang yêu cầu các sàn thương mại điện tử tiếp tục cập nhật các từ khóa để có thể lọc bỏ một cách tối đa nhất", bà Lê Thị Hà, Trưởng Phòng quản lý hoạt động Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, cho hay.
Về phía Cục Tấn số vô tuyến điện, khi nhận được phản ánh về hiện tượng phá sóng, gây nhiễu sóng, đơn vị sẽ cử cán bộ kỹ thuật đến hiện trường, sử dụng thiết bị đo chuyên dụng để xác định chính xác nguồn gây nhiễu.
Đơn vị này cho biết cũng đã thiết lập đường dây nóng 0862 929292 để người dân kịp thời phản ánh về các hiện tượng phá sóng, gây nhiễu sóng trên địa bàn.
Báo Laichau Online tổng hợp
Bình luận