Siết chặt quản lý tài nguyên khoáng sản
Trao đổi với chúng tôi, anh Vi Phương Huy - Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Tân Uyên cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có một số loại khoáng sản như: vàng gốc, cát, đá, sỏi. Khoáng sản vàng gốc tập trung chủ yếu tại xã Pắc Ta, nhưng đến nay các doanh nghiệp đã hết hạn cấp phép khai thác và tháo dỡ lán trại, di chuyển toàn bộ trang thiết bị, máy móc, tài sản ra khỏi khu vực mỏ. Còn khoáng sản đá, cát, sỏi tập trung ở các xã: Thân Thuộc, Pắc Ta, Trung Đồng, Nậm Cần, Mường Khoa, Phúc Khoa. Thời gian qua, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả khả quan. Do huyện thường xuyên kiểm tra phạm vi giới hạn diện tích khai thác khoáng sản, công suất, phương tiện khai thác đã được các doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Đồng thời, rà soát, nhắc nhở các doanh nghiệp thực hiện các nghĩa vụ như: tiền cấp quyền khai thác, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường…
Công ty TNHH Quỳnh Trang được cấp phép khai thác đá tại mỏ đá Tảng Đán (bản Mường, xã Thân Thuộc).
Ngoài ra, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Đặc biệt, tại bãi vàng Pắc Ta vẫn còn một số người dân sống quanh khu vực mỏ vàng lén lút khai thác bằng các dụng cụ thô sơ đem về chế biến. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, UBND huyện chỉ đạo Tổ kiểm tra hoạt động khai thác thu mua, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản tiến hành 40 lượt truy quét, giải tỏa tại mỏ vàng Pắc Ta. Đồng thời, tạm giữ 106 giàn hơi, đầu nổ, cối nghiền và một số dụng cụ phục vụ việc khai thác quặng vàng trái phép, tháo dỡ, di dời các lán trại và bể ủ hóa. Do đó, tình trạng ngâm ủ, khai thác, chế biến trái phép quặng vàng tại bãi vàng Pắc Ta được quản lý chặt chẽ. Các hoạt động khai thác khoáng sản thông thường như: đá, cát, sỏi được đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Chúng tôi có mặt tại mỏ đá Tảng Đán (bản Mường, xã Thân Thuộc) do Công ty TNHH Quỳnh Trang (thị trấn Tân Uyên) được cấp phép khai thác với trữ lượng hơn 70.000m3 đá thành phẩm/năm. Công ty đã đầu tư hệ thống camera để theo dõi cũng như cử cán bộ thường xuyên kiểm đếm số xe ra vào mỏ nhằm tránh thất thoát tài nguyên. Cùng với đó, đầu tư hệ thống phun nước tại dàn nghiền đá liên hợp góp phần giảm thiểu bụi ra môi trường. Từ khi được cấp phép khai thác hoạt động, công ty luôn tuân thủ các quy định của Nhà nước trong việc khai thác khoáng sản. Những khu vực nào chưa khai thác thì đơn vị cắm mốc đánh dấu, nhằm tránh tình trạng khai thác vượt diện tích đã được các cơ quan thẩm quyền cấp giấy phép.
Chị Lê Thị Thảo - Giám đốc Công ty TNHH Quỳnh Trang chia sẻ: Hiện nay, công ty được cấp phép khai thác ở mỏ đá Tảng Đán (bản Mường, xã Thân Thuộc) và mỏ đá Phiêng Phát (xã Trung Đồng), nhưng mới chỉ khai thác mỏ đá Tảng Đán. Hàng năm công ty đều được các cơ quan chuyên môn kiểm tra giám sát việc chấp hành khai thác khoáng sản đúng tọa độ, diện tích, mức sâu, trữ lượng, công suất theo quy định. Thực hiện đúng, đủ các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường; phương pháp, quy trình kỹ thuật; đảm bảo an toàn kỹ thuật, an toàn mỏ, lao động và an toàn vật liệu nổ. Cùng với đó, nhắc nhở công ty thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh những kết quả được, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện Tân Uyên còn gặp nhiều khó khăn như: Nhận thức của một bộ phận Nhân dân về pháp luật khoáng sản còn hạn chế dẫn đến còn bao che, tiếp tay cho các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép. Đối với mỏ vàng ở Pắc Ta, địa bàn phức tạp nhiều dân tộc sinh sống, nằm giữa địa giới hành chính 2 huyện Tân Uyên và Than Uyên, do đó các đối tượng lợi dụng tuyên truyền, lôi kéo Nhân dân khu vực giáp ranh hai huyện tham gia vào khai thác khoáng sản trái phép. Công tác tuyên truyền, kiểm tra, phát hiện xử lý của chính quyền sở tại có lúc chưa kịp thời. Văn bản quy định của pháp luật chưa đồng bộ và chưa đủ sức răn đe, nhất là quy định về xử lý hình sự trong khai thác khoáng sản trái phép.
Để khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý khoáng sản, thời gian tới, huyện Tân Uyên tiếp tục tuyên truyền, vận động, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, ý thức của Nhân dân về bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở trong việc giải tỏa, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản. Xét xử nghiêm minh các vụ vi phạm về khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản trái phép nhằm nâng cao tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa. Chỉ đạo địa bàn xã, thị trấn nào để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép thì Chủ tịch UBND xã, thị trấn đó hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện và pháp luật. Ngoài ra, chủ động phối hợp với UBND huyện Than Uyên trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản tại các khu vực giáp ranh theo nội dung Quy chế phối hợp số 01/QCPH - TU -THU ngày 1/7/2021…
Với những giải pháp quyết liệt và cụ thể trên, hy vọng, thời gian tới huyện Tân Uyên tiếp tục đạt được nhiều kết quả khả quan trong công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản, góp phần tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Ánh Hồng
Bình luận