Ba bước hóa giải ùn tắc giao thông trước cổng trường
Ba bước thiết lập lại trật tự ATGT cổng trường
Cảnh ùn tắc kéo dài trên đường Hoàng Minh Giám do phụ huynh dừng, đỗ xe đưa học sinh đến Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam
Đánh giá về nguyên nhân dẫn đến ùn tắc thường xuyên tại các khu vực cổng trường, ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, hiện nhiều cổng trường nằm trong các khu phố nhỏ, khi tất cả cùng dồn vào khu vực cổng trường thì tình trạng lộn xộn, ùn tắc chắc chắn xảy ra, ngay cả khi có lực lượng chức năng và tự quản tham gia điều tiết giao thông.
Để thiết lập môi trường giao thông an toàn trước cổng trường học, theo TS. Trần Hữu Minh, các cơ sở giáo dục cần phải nghiên cứu, áp dụng một quy trình ba bước.
Đầu tiên là cơ quan quản lý về giao thông địa phương phải làm việc với cơ sở giáo dục và chính quyền sở tại xây dựng phương án tổ chức giao thông hợp lý nhất, đặc biệt là việc mở thêm cổng đón/trả (nếu có thể).
Bước 2 là phải bố trí, mở rộng không gian đón trả có bán kính 100 - 200m tính từ cổng trường thay vì chỉ tập trung ở cổng chính. Việc này đồng nghĩa phải đầu tư các hành lang học sinh có thể tiếp cận trường học một cách an toàn (vỉa hè đủ không gian, có cây xanh, mái che, chiếu sáng, kiểm soát tốc độ <30km/h, camera an ninh, tổ chức giao thông qua đường), thiết lập rõ những vị trí để phụ huynh dừng đón học sinh từ xa (xây dựng bản đồ phát cho từng phụ huynh).
Với trường trong các khu phố nhỏ cách đường lớn 100m, nếu phụ huynh có thể dừng nhanh ở đường lớn, đường trước và các đường quanh cổng trường để học sinh đi bộ vào trường thì chắc chắn khu vực trường học sẽ trở nên thông thoáng. Với các cổng trường trên đường quốc lộ, việc tổ chức giao thông đón/trả ở đường ngõ xung quanh, nghiêm cấm dừng trên quốc lộ.
“Bước cuối cùng là nhà trường cần họp tất cả phụ huynh vào đầu năm, phổ biến rõ phương án đón trả và có khuyến cáo phương án cụ thể với từng hướng đi chính. Ví dụ nếu phụ huynh đi ô tô từ hướng Bắc tới trường thì đi theo phố nào, dừng ở đâu, thời gian dừng bao lâu, sau đó phải đi tiếp tới tới đâu mới được rẽ, không rẽ không quay vòng ở những điểm nào...”, TS. Minh nói.
Cũng theo TS. Trần Hữu Minh, để có căn cứ thực hiện, những giải pháp trên cần được cụ thể hóa trong hướng dẫn tổ chức giao thông khu vực trường học và cần được ban hành để áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
“Về lâu dài, cơ quan chức năng phải tiếp tục xây dựng quy hoạch đô thị với mật độ dân cư thấp hơn và mật độ trường học cao hơn. Nếu những giải pháp này được thực hiện, chắc chắn giao thông khu vực cổng trường sẽ không còn là nỗi kinh hoàng của nhiều phụ huynh và học sinh như hiện nay”, TS. Minh cho hay.
Theo Báo Giao thông/Cập nhật lúc : 3:20 PM, 10/09/2020
Bình luận