Cần thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo an toàn giao thông
Nhiều bất cập
Những năm qua, cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ trong tỉnh, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ tuy được đầu tư song vẫn trong tình trạng chật hẹp, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu hoạt động giao thông của người và phương tiện. Đặc thù về địa hình nên hoạt động giao thông chủ yếu là đường bộ với đèo, dốc quanh co, mặt đường đang được đầu tư nâng cấp, mở rộng, hệ thống cọc tiêu biển báo, hộ lan phòng vệ, gương cầu lồi, sơn gồ giảm tốc...chưa được lắp đặt đồng bộ và bổ sung đầy đủ theo quy định. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi thất thường, trên địa bàn thường xuyên có mưa to và rất to nên gây sạt lở đất đá gây ùn tắc giao thông trên các tuyến Quốc lộ 4D, QL12, 4H, 32, tỉnh lộ làm người và phương tiện tham gia giao thông di chuyển khó khăn.
Đơn cử như tuyến đường tránh ngập thủy điện Lai Châu tỉnh lộ 127, đợt mưa lũ tháng 6 vừa qua làm sạt lở hàng chục điểm trên gây chia cắt giữa huyện Mường Tè và huyện Nậm Nhùn. Điểm sạt lở trượt núi lớn nhất xảy ra tại Km103+800, có khối lượng trên 20.000m3. Đây là tuyến đường mới mở, địa chất ta luy dương yếu, tiềm ẩn nguy cơ đất, đá tiếp tục trượt xuống gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Hay quốc lộ 12 nối 2 tỉnh Lai Châu, Điện Biên, đoạn từ huyện Phong Thổ đến xã Chăn Nưa của huyện Sìn Hồ, thời điểm mưa nhiều, mưa to cũng làm sạt lở hàng chục điểm lớn nhỏ với hàng nghìn mét khối đất đá. Các đơn vị thi công phải làm đường tránh để các phương tiện tạm lưu thông. Đặc biệt, có thời điểm các tuyến huyết mạch cùng lúc đều bị ách tắc, tỉnh Lai Châu rơi vào tình trạng bị cô lập, gây khó khăn cho việc đảm bảo ATGT. Hiện nay, hầu hết các tuyến đường đang được cải tạo, khắc phục, rất nhiều đoạn, ngày nắng thì bụi bay mù mịt, ngày mưa thì bùn đất đặc quánh, nhày nhụa, nhiều “vũng trâu”, “ổ bò” bẫy người tham gia giao thông. Mặt khác, do đặc thù chủ yếu là các tuyến giao thông độc đạo để đến các địa bàn, vậy nên hàng ngày từ cán bộ, công chức đến nông dân đi công tác, giao thương, chở vật liệu, nông sản qua lại nhiều, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT rất cao. Trong khi đó, lực lượng Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm còn mỏng, không thể bố trí bao quát hết tất cả các địa bàn cùng lúc.
Việc tổ chức phân luồng giao thông đối với xe tải từ 4 trục trở lên lưu thông trên tuyến quốc lộ 4D đoạn từ ngã ba Bình Lư – Tam Đường đến nút giao với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai vào các ngày cuối tuần ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động giao thông trên địa bàn. Các tuyến đường bộ là đường đèo, dốc, sương mù bao phủ nên bị hạn chế tầm nhìn và trơn trượt trên mặt đường. Do vậy các phương tiện tỉnh ngoài khi đến địa bàn Lai Châu (theo thời gian cấm lưu hành) thường phải di chuyển vào ban đêm làm cho các phương tiện di chuyển khó khăn, dễ xảy ra tai nạn, tăng nguy cơ ùn tắc giao thông. Lực lượng CSGT cũng nỗ lực phát huy hiệu quả 2 điểm kiểm tra dừng nhắc nhở lái xe kiểm tra ATKT phương tiện khi lên, xuống đèo tại Km 41+100 và Km 82+500 QL4D để giảm thiểu tai nạn giao thông. Tuy nhiên, theo thống kê của lực lượng chức năng thì trong số các vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trong mấy năm gần đây, hầu hết là do các phương tiện ngoại tỉnh gây ra.
Một số luồng tuyến đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh chưa được công bố nên chưa được đầu tư hệ thống phao tiêu, biển báo, nhiều bến cảng tự phát, chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ. Phương tiện thủy nội địa hầu hết là những phương tiện thô sơ có gắn động cơ, do người dân tự đóng theo kiểu truyền thống, không có hồ sơ thiết kế, chủ yếu sử dụng để đi lại làm nương, rẫy, đánh bắt thủy sản do vậy không thực hiện được đăng ký, đăng kiểm phương tiện, khó khăn trong công tác quản lý và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao.
Công tác nắm, dự báo tình hình của lực lượng chức năng co thời điểm chưa thực sự chủ động, chưa sâu, sát; sự tham gia của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong công tác đảm bảo trật tự ATGT còn hạn chế. Công tác phối kết hợp TTKS - XLVP, hướng dẫn, điều khiển giao thông, xử lý TNGT giữa lực lượng CSGT Công an tỉnh và Công an các huyện, thành phố chưa thường xuyên, liên tục, hiệu quả chưa cao.
Bên cạnh đó thì phương tiện giao thông ngày một tăng nhanh cũng là nguyên nhân khiến cho công tác bảo đảm trật tự ATGT gặp khó khăn. Từ đầu năm đến nay, Phòng CSGT đã đăng ký mới cho 781 xe ô tô,13.509 xe mô tô, nâng tổng số phương tiện hiện đang quản lý lên 159.185. Trong đó có 7.480 xe ô tô; 151.705 xe mô tô.
Nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân, nhất là vùng nông thôn còn hạn chế. Do vậy, TNGT khu vực nông thôn tăng hàng năm với những lý do không đáng có như tham gia giao thông ra ruộng, đi chợ đường ngắn quá nên ngại đội mũ bảo hiểm. Chưa kể, ở khu vực biên giới, một số người còn sử dụng xe đã cũ nát, xe tự chế, không đảm bảo an toàn, chở quá số người quy định trên đường nông thôn độ dốc cao, mặt đường hẹp, không có lề đường không có biển báo, cảnh báo nguy hiểm, gặp tình huống mất an toàn thì khó xử lý nên xảy ra tai nạn. Đặc biệt một số đối tượng có thái độ thách thức, chống đối lại lực lượng thi hành công vụ; cấu kết với nhau quay clip, hình ảnh về cán bộ, chiến sỹ trong thực hiện nhiệm vụ, lợi dụng những sơ hở để đăng tải lên mạng xã hội, tạo nên nhiều ý kiến bình luận trái chiều, ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng CAND noi chung, lực lượng CSGT nói riêng.
Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, nhiều cấp ủy, chính quyền cơ sở còn cho rằng việc giữ gìn trật tự ATGT là nhiệm vụ của công an, do đó chưa vào cuộc quyết liệt; quản lý Nhà nước về trật tự ATGT ở cấp xã còn hạn chế; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT đã được quan tâm nhưng hiệu quả chưa cao. Công tác tuần tra, kiểm soát giao thông trên các tuyến đường nông thôn còn quá ít do lực lượng mỏng, chủ yếu là công an xã và các tổ an ninh thôn bản, do đó chưa kịp thời xử lý một cách thấu đáo, triệt để các hành vi vi phạm.
Các loại biểu mẫu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đảm bảo trật tự ATGT theo Nghị định số 97/2017 ngày 18/8/2017 của Chính phủ còn bất cập gây khó khăn cho công tác xử phạt. Ngoài ra, với trên 265 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, giáp ranh các tỉnh Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, từ lâu Lai Châu được xác định là địa bàn trọng điểm phức tạp về trung chuyển trái phép các chất ma túy; khai thác, vận chuyển, mua bán khoáng sản trái phép; buôn lậu gian lận thương mại, buôn bán hàng cấm, hoạt động của các loại tội phạm ngày càng manh động, thường lợi dụng các tuyến và phương tiện giao thông để thực hiện hành vi phạm tội.
Cần đồng bộ nhiều giải pháp
Năm 2019 là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của tỉnh như 110 thành lập tỉnh, 70 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh và 15 năm Ngày chia tách, thành lập tỉnh Lai Châu mới. Cùng với đó, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư vào tỉnh mạnh, do vậy số lượng phương tiện tham gia giao thông sẽ tiếp tục gia tăng nhất là phương tiện vận chuyển hàng hóa có trọng tải lớn; tình hình ANCT, trật tự ATXH còn nhiều diễn biến phức tạp. Do vậy, để đảm bảo ATGT, lực lượng CSGT tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông". Tham mưu cho Đảng ủy Công an tỉnh để tham mưu cho Ban ATGT tỉnh chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh nâng cao trò, trách nhiệm trong công tác đảm bảo trật tự ATGT. Phối hợp với Công an các huyện TTKS - xử lý vi phạm trên đường quốc lộ đi qua các huyện, thành phố. Đồng thời mở đợt cao điểm TTKS, xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự ATGT, bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, của tỉnh diễn ra trong năm 2019, trước hết là Tết Dương lịch năm 2019 và tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 và các sự kiện chính trị quan trọng khác.
Chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về ATGT bằng nhiều hình thức, biện pháp thiết thực, đa dạng phong phú nhằm nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân để làm cơ sở kiềm chế TNGT, hạn chế hành vi vi phạm ATGT và ùn tắc giao thông. Nâng cao hiệu quả công tác điều tra cơ bản, tập trung nắm tình hình tuyến, địa bàn phục vụ công tác bảo đảm trật tự ATGT và đấu tranh phòng chống các loại tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong và ngoài lực lượng đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông đường bộ, đường thủy nội địa. Đồng thời phát hiện, kiến nghị khắc phục các bất hợp lý về tổ chức giao thông, giải quyết các “điểm đen” tai nạn giao thông.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực công tác nghiệp vụ đảm bảo khách quan, khoa học. Tiếp tục thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 trong công tác đăng ký quản lý phương tiện. Thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng, duy trì tốt chế độ quản lý cán bộ chiến sỹ, thực hiện nghiêm túc pháp luật về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đối với lực lượng CSGT, chấp hành nghiêm điều lệnh CAND, quy trình, chế độ công tác, thực hiện nghiêm túc Thông tư số 27/2017TT-BCA của Bộ Công an quy định về quy tắc ứng xử của CAND. Tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”.
Phối hợp tăng cường công tác quản lý vận tải, đăng kiểm phương tiện, kiểm soát tải trọng xe nhằm hạn chế, tiến tới xóa bỏ tình trạng chở quá tải, giải quyết dứt điểm tình trạng phương tiện cũ nát hết niên hạn sử dụng, không có kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, xe tự chế hoạt động lén lút trên địa bàn. Tập trung vào các phương tiện ngoại tỉnh lưu thông vào địa bàn và khu vực biên giới, nông thôn.
Các Bộ, ngành cần có đề xuất sớm ban hành Thông tư quy định về biểu mẫu Xử lý vi phạm hành chính thực hiện Nghị định số 97/2017 ngày 18/8/2017 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2003/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính. Sửa đổi Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ cho phù hợp với thiết kế của đường (hiện tại quốc lộ 4D và các quốc lộ khác là đường cấp 5 miền núi, tốc độ cho phép tối đa không quá 40km/h). Đối với các tỉnh miền núi, địa bàn TTKS dài như Lai Châu cần có quy định khoảng cách tối đa để thành lập đội CSGT trên tuyến, xây dựng trụ sở cho lực lượng CSGT trên tuyến. Mở các lớp tập huấn nâng hạng GPLX cho lực lượng CSGT, tập huấn kỹ năng xử lý tình huống, thao tác sử dụng các trang thiết bị, công cụ hỗ trợ cho CBCS.
Nhất là bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan chức năng cần có sự vào cuộc thực sự của chính quyền cấp cơ sở để nâng cao ý thức của người dân - người trực tiếp tham gia giao thông. Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia bảo đảm trật tự ATGT, xây dựng nhân rộng các mô hình tự quản về ATGT tại cơ sở …
Tin rằng, với sự vào cuộc quyết liệt với nhiều giải pháp thiết thực, đồng bộ của lực lượng chức năng, sự chủ động của người tham gia giao thông, trong năm 2019, tình hình TNGT sẽ giảm trên cả 3 tiêu chí, góp phần giữ vững ANTT trên địa bàn tỉnh.
Quỳnh Anh
Bình luận