Hiệu quả từ công tác phối hợp
Lực lượng liên ngành trao phao cứu sinh cho người dân bản Nậm Pậy, thị trấn huyện Phong Thổ.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, việc triển khai xây dựng các nhà máy thủy điện (thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu trên sông Đà, thủy điện Bản Chát, thủy điện Huội Quảng trên sông Nậm Mu, thủy điện Nậm Na 1,2,3 trên sông Nậm Na) đã hình thành các tuyến ĐTNĐ (tuyến sông Đà 19 km, tuyến sông Nậm Na 94km, tuyến sông Nậm Mu 75 km). Khi hệ thống giao thông ĐTNĐ được hình thành, với những thuận lợi đặc thù nên số lượng phương tiện thủy tăng lên phục vụ nhu cầu đi lại và sản xuất, vận chuyển hàng hóa và đánh bắt thủy sản của người dân hai bên sông. Tuy nhiên, trong mùa lũ, nước đầu nguồn đổ về lớn, thường xuyên có lũ ống, hệ thống sông lắm thác ghềnh, dòng sông chảy siết, các phương tiện đi lại khó khăn, về mùa khô lượng nước ít các phương tiện đi lại khó khăn... tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông đường thủy.
Theo đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật giao thông ĐTNĐ và các văn bản hướng dẫn Luật đã được triển khai thực hiện thường xuyên. Các đơn vị chức năng đã chú trọng kết hợp công tác tuần tra kiểm soát, xử phạt vi phạm hành chính với việc tuyên truyền, giải thích, xử lý mang tính giáo dục, răn đe đối với người điều khiển phương tiện thủy nội địa. Các đơn vị phối hợp liên ngành đã phối hợp với chính quyền địa phương và Công an các huyện có tuyến đường thủy tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền, vận động việc thực hiện Luật giao thông ĐTNĐ, cấp phát hơn 600 áo phao, phao cứu sinh và dụng cụ nổi và yêu cầu bắt buộc người dân tham gia giao thông trên tuyến ĐTNĐ phải mang áo phao, phao cứu sinh và dụng cụ nổi khi tham gia giao thông...
Đồng thời triển khai công tác tổng đăng kiểm, đăng ký đối với các phương tiện thuộc diện phải đăng kiểm, đăng ký theo quy định. Theo đó, toàn tỉnh hiện có 1.981 phương tiện có gắn động cơ và chèo tay. Số phương tiện này được làm bằng sắt hoặc gỗ do người dân tự đóng theo kinh nghiệm truyền thống và mua tại các cơ sở đóng thuyền tại Sơn La, chủ yếu là phương tiện trọng tải, công xuất nhỏ không thuộc diện phải đăng kiểm, chỉ phục vụ nhu cầu đi lại, sinh hoạt và sản xuất, không có hoạt động kinh doanh hàng hóa và hành khách. Có 1.066 phương tiện đã được đăng ký; 26 phương tiện được làm thủ tục đăng kiểm theo quy định; 4 nhà nổi, chủ yếu để buôn bán hàng hóa, nuôi thủy sản.
Công tác đào tạo thuyền viên, người điều khiển phương tiện được quan tâm. Đến nay, Sở Giao thông vận tải đã cấp chứng chỉ chuyên môn cho 290 thuyền viên, người điều khiển phương tiện, nâng tổng số lên 1.156 người điều khiển phương tiện thủy nội địa có chứng chỉ chuyên môn người lái phương tiện thủy nội địa hạn chế, 397 chứng chỉ thợ máy hạn chế. Nhìn chung, số lượng người đã được cấp phát chứng chỉ chuyên môn tương xứng, phù hợp với số lượng thuyền đang hoạt động tại địa phương.
Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải ĐTNĐ tỉnh Lai Châu giai đoạn 2014 - 2020 và định hướng năm 2030 đã được phê duyệt, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 25 bến thủy và 1 cảng chuyên dùng. Tuy nhiên hiện nay mới chỉ đầu tư xây dựng được 1 cảng chuyên dùng để phục vụ công trình thủy điện Lai Châu tại xã Nậm Hàng (huyện Nậm Nhùn) và 1 bến được cấp phép sử dụng tại bản Chang, xã Lê Lợi, còn lại chủ yếu là các bến đò dân tự thành lập phục vụ việc đi lại, tham gia giao thông đường thủy và đánh bắt thủy sản chưa được cấp phép theo quy định. Sở Giao thông vận tải cũng đã triển khai thực hiện lắp đặt biển báo hiệu, phao tiêu … phục vụ công tác phòng chống tai nạn giao thông, mùa mưa bão. Phối hợp với các ngành chức năng liên quan khảo sát, lắp đặt biển báo hiệu cấm khai thác cát sông tại những khu vực không cho phép khai thác cát sông theo quy định; chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất trên các tuyến sông, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm lấn chiếm hành lang ATGT ĐTNĐ, kịp thời ngăn chặn các trường hợp dễ xảy ra tai nạn giao thông ĐTNĐ.
Các phương tiện thuỷ nội địa chủ yếu thô sơ, không có hồ sơ kỹ thuật, gây khó khăn trong việc tổ chức đăng ký. Lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông còn mỏng; kinh phí hoạt động hạn hẹp; các biện pháp xử lý, chế tài của các lực lượng chức năng còn hạn chế. Trong quá trình tuần tra kiểm soát, phát hiện vi phạm, lực lượng chức năng chỉ nhắc nhở chứ không thể giữ phương tiện vi phạm vì không có bến bãi bảo quản khi tạm giữ phương tiện. Ngoài ra, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức trong việc phối hợp với cơ quan chuyên môn để vận động chủ phương tiện chấp hành Luật Giao thông ĐTNĐ.
Do vậy, trong thời gian tới, lực lượng liên ngành sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp ủy chính quyền nâng cao hiệu lực công tác quản lý nhà nước về công tác bảo đảm trật tự ATGT ĐTNĐ. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến và hướng dẫn việc thực hiện những quy định của pháp luật về giao thông thủy, đưa công tác tuyên truyền về trật tự ATGT đường thủy xuống tận cơ sở, sát với đối tượng, đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; kiên quyết xử lý vi phạm và đình chỉ hoạt động đối với các phương tiện không trang bị đủ áo phao, dụng cụ nổi, người điều khiển không có chứng chỉ điều khiển phương tiện theo quy định, phương tiện không đảm bảo an toàn. Phối hợp với chính quyền các xã có đường thủy tăng cường vận động quần chúng nhân dân chấp hành nghiêm pháp luật về ATGT ĐTNĐ khi tham gia hoạt động đi lại, sản xuất kinh doanh.
Quỳnh Anh
Bình luận