Thứ năm, 12/12/2024, 22:20 [GMT+7]

Nâng cao nhận thức cho người dân về giao thông đường thủy

Thứ hai, 03/12/2018 - 10:48'
Phong Thổ là huyện có nhiều thuận lợi về nguồn nước. với hệ thống khe suối nhỏ dày đặc, trong đó có các dòng suối lớn như: dòng Nậm Na bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam của Trung Quốc vào địa phận nước ta ở km0 thuộc bản Pa Nậm Cúm, xã Ma Ly Pho và dòng Nậm So được hình thành từ sự hợp lưu của các khe, suối nhỏ thuộc các xã: Bản Lang, Khổng Lào, Mường So… Lưu lượng dòng chảy lớn, thuận lợi cho phát triển kinh tế nông nghiệp, thủy điện, thủy sản. Người dân sinh sống ven các con suối đã biết dùng thuyền, bè để đi lại, giao thương và đánh bắt thủy sản phục vụ lao động sản xuất, cải thiện đời sống. 

Theo thống kê sơ bộ, hiện nay trên địa bàn huyện Phong Thổ có hơn 40 phương tiện đường thủy nội địa, tập trung ở thị trấn Phong Thổ, các xã: Hoang Thèn, Ma Ly Pho và Huổi Luông… Phương tiện đường thủy nội địa chủ yếu là thuyền gỗ, thuyền sắt mã lực nhỏ được người dân sử dụng di chuyển đến nơi sản xuất và đánh bắt thủy sản. 100% phương tiện chưa được đăng ký, đăng kiểm theo quy định. Cùng với đó, phần đa người tham gia giao thông đường thủy không trang bị các thiết bị như: phao cứu sinh, áo phao, dụng cụ nổi. Người lưu thông bằng phương tiện thuyền chưa qua lớp tập huấn, đào tạo về cách điều khiển phương tiện đường thủy nội địa. 

Cán bộ Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới hướng dẫn cán bộ, người dân cách kê khai, đo đạc thuyền phục vụ đăng ký.

Từ thực tế đó, Đoàn công tác liên đơn vị của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh); Thanh tra Giao thông, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông - Vận tải); Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã thực hiện tuyên truyền tại bản Nậm Pậy (thị trấn Phong Thổ) về những quy định tham gia giao thông đường thủy nội địa, mức xử phạt đối với các lỗi vi phạm và hướng dẫn cách kê khai các phương tiện đường thủy. Đồng thời, trao tặng hơn 100 phao cứu hộ, dụng cụ nổi và hướng dẫn cách sử dụng khi không may xảy ra sự cố đắm, va chạm giữa các thuyền khi đang lưu thông trên đường thủy nội địa. Việc sử dụng thuyền khai thác, nuôi trồng thủy sản phải đảm bảo các tiêu chuẩn, quy định của cơ quan chuyên môn, khai thác thủy sản theo hướng không tận thu. Trong quá trình kê khai, tiến hành đo đạc, đặt tên cho thuyền theo tên chủ hộ để thuận tiện trong công tác quản lý, xác định phương tiện đang lưu thông. 

Đại úy Lò Văn Hào - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, Trật tự, Cơ động (Công an huyện Phong Thổ) cho biết: “Trên dòng Nậm Na có chiều dài 25,5km có hai thủy điện ngăn dòng hình thành vùng lòng hồ, từ đó người dân mua, đóng thuyền để đi lại sản xuất hai bên bờ sông, đánh bắt cá. Thuyền tự chế chưa có đăng ký, đăng kiểm, phương tiện đường thủy ngày càng nhiều, người dân thiếu kiến thức về đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa. Sau khi tuyên truyền, hướng dẫn người dân làm thủ tục đăng ký phương tiện, chúng tôi tăng cường kiểm tra để kịp thời nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm. Để hoạt động giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn đảm bảo an toàn, chúng tôi cũng mong cơ quan chức năng sớm tiến hành kiểm tra, khảo sát điểm thích hợp để làm bến bãi neo đậu thuyền của người dân”.  

Từ khi Thủy điện Nậm Na 3 tích nước, vùng lòng hồ mở rộng qua bản Nậm Pậy, nhu cầu đi lại bằng thuyền của người dân tăng. Trước đây trong bản chỉ có một, hai hộ dân đóng thuyền gỗ đi đánh bắt cá hay dùng thuyền qua suối để lao động sản xuất. Nhưng từ khi thủy điện tích nước và sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng thuộc khu vực bên kia lòng hồ, nhu cầu đi lại bằng thuyền của người dân trong bản tăng cao. Hiện bản có 25 chiếc thuyền gỗ, thuyền sắt. Toàn bộ số thuyền của bản chưa được đăng ký, quản lý theo quy định của Nhà nước. Anh Lò Văn Thương chia sẻ: “Gia đình tôi cũng như các hộ khác trong bản sắm, đóng thuyền để phục vụ đi lại, vận chuyển nông sản, đánh bắt cá. Từ buổi tuyên truyền, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương, chúng tôi sẽ tuân thủ kê khai, đăng ký thuyền để việc quản lý đồng nhất. Khi tham gia lưu thông trên đường thủy nội địa phải trang bị dụng cụ nổi, áo phao để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho bản thân, gia đình và xã hội”. 

Ngoài việc tuyên truyền của các cơ quan chức năng tỉnh, các phòng chuyên môn, lực lượng chức năng huyện, chính quyền các xã, thị trấn có suối, sông chảy qua, khu vực lòng hồ thủy điện cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức tự giác chấp hành. Đồng thời, không vì chủ quan chở người, vận chuyển hàng hóa quá tải và trên thuyền không có các phương tiện cứu hộ. Bên cạnh đó, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh, người dân cũng được cảnh báo về tình trạng mất an toàn giao thông đường thủy tại các tỉnh, thành trong cả nước và thông tin đáng tiếc về các vụ việc tai nạn thương tâm xảy ra trên đường thủy. Từ đó, người dân sẽ có ý thức hơn trong việc đảm bảo an toàn trên đường thủy nội địa.

Phạm Oanh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Cần thực hiện nghiêm túc hơn
Dù hầu hết các đơn vị kinh doanh xăng, dầu đã chấp hành quy định về hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế; nhưng thực tế, trên địa bàn tỉnh còn số lượng...
Tấm gương chiến sĩ Công an học tập và làm theo lời Bác
Ham học hỏi và hết lòng với công việc đã giúp Đại úy Vừ A Di - Phó Trưởng Công an xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ) luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Anh trở thành tấm gương sáng trong...