Tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa
Tuy nhiên, trên địa bàn huyện chưa có bến thuyền theo quy chuẩn, các điểm neo đậu của các phương tiện thủy nội địa chủ yếu do các hộ tự tìm chỗ phù hợp, thuận đường đi lại, bảo quản tài sản. Vì vậy, gây khó khăn cho công tác quản lý các phương tiện. Đặc biệt, từ khi hình thành vùng lòng hồ, diện tích đất sản xuất của người dân bị thu hẹp, bà con phải mưu sinh bằng nghề đánh bắt tôm, cá và phát triển dịch vụ chở thuê người, hàng hóa. Nhưng hầu hết hoạt động theo hướng tự phát và do chưa am hiểu quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa dẫn đến nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra. Điển hình như vụ lật thuyền làm 1 người chết, 1 người mất tích hồi tháng 11/2016 trên địa bàn bản Diềng Thàng (xã Nậm Cha).
Cán bộ Công an huyện Sìn Hồ, Thanh tra giao thông cấp phát áo phao, dụng cụ nổi cho người dân xã Nậm Cha.
Đại úy Nguyễn Ngọc Tuân - Đội phó Đội Cảnh sát giao thông - trật tự cơ động, Công an huyện cho biết: “Đội chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường thủy. Tập trung tuyên truyền tại các xã có bến đò và có nhiều người giao thương, vận chuyển, đánh bắt thủy sản bằng phương tiện thủy với các hình thức như: phối hợp tuyên truyền qua phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền lưu động; panô, áp phích; phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín tuyên truyền miệng bằng tiếng dân tộc địa phương...
Công an huyện đã ban hành Kế hoạch “Tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm quy định về đăng ký, đăng kiểm an toàn kỹ thuật phương tiện và hoạt động khai thác, vận chuyển cát sỏi trên đường thủy nội địa”. Qua đó, nhằm quản lý tốt các phương tiện lưu thông nói chung, quản ký thai khác và vận chuyển khai thác cát sỏi nói riêng, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy trên địa bàn huyện. Cùng với đó, Đội Cảnh sát giao thông - trật tự cơ động tăng cường tuần tra, kiểm soát lưu động, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Với phương châm “Trăm nghe không bằng một thấy”, cán bộ Đội trực tiếp hướng dẫn người dân cách sử dụng áo phao, cách đo mực nước trên mạn thuyền và một số quy tắc khi tham gia giao thông đường thủy tại địa phương. Nhắc nhở người dân khi tham gia giao thông phải mặc áo phao hoặc sử dụng dụng cụ nổi cứu sinh cầm tay để hạn chế rủi ro. Trong năm 2018, Đội tổ chức tuyên truyền được 28 buổi lưu động; hàng chục buổi tuần tra kiểm soát; phối hợp với Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh), Thanh tra giao thông tuyên truyền Luật giao thông đường thủy nội địa và tặng phao cứu sinh, dụng cụ nổi cho hơn 400 người ở 2 xã: Nậm Cha, Nậm Mạ.
Là người thường xuyên đánh bắt cá và vận chuyển hàng bằng thuyền sang tỉnh Sơn La, anh Phàn A Diền (bản Nậm Cha 1, xã Nậm Cha) chia sẻ: Từ khi có lòng hồ thủy điện, tôi làm thêm nghề đánh bắt tôm, cá. Trước kia chưa hiểu về giao thông đường thủy nên tôi chỉ biết mua thuyền về là đi. Nhưng, được cán bộ Công an tỉnh, huyện giải thích, tuyên truyền về Luật Giao thông đường thủy, nhắc nhở khi đi thuyền sử dụng áo phao, dụng cụ nổi, tôi đã hiểu biết hơn và chấp hành tốt quy định”.
Với những việc làm thiết thực, nhận thức, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thủy của người dân được nâng lên, trong năm 2018 không có vụ vi phạm Luật Giao thông đường thủy, không có tai nạn đường thủy xảy ra. Tuy nhiên, Đội Cảnh sát giao thông - trật tự cơ động, Công an huyện Sìn Hồ mong muốn, thời gian tới các cấp, các ngành quan tâm đầu tư hệ thống biển báo hiệu và hệ thống phao tiêu tại các bến thuyền, nơi neo đậu; mở các lớp dạy lái thuyền, cấp chứng chỉ hoặc bằng lái và mở các lớp tập huấn nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng phòng ngừa tai nạn giao thông đường thủy cho người tham gia giao thông đường thủy... Qua đó, góp phần nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thủy, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi lưu thông bằng đường thủy.
Vương Trang
Bình luận