Nhiều giải pháp xóa bỏ tình trạng tảo hôn
Sau cơn mưa to, chúng tôi cùng cán bộ xã vượt qua những con đường lầy lội, có đoạn bị sạt lở để đến các bản người Mông, Dao ở xã Làng Mô. Bằng mắt thường rất dễ nhận ra, cảnh sắc nông thôn thay đổi rõ rệt với màu xanh của nương ngô, ruộng lúa, cây thảo dược, vườn cây ăn quả; nhiều gia đình có máy cày, bừa mini phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy vậy, qua tìm hiểu được biết, trong đời sống của bà con vẫn còn hủ tục, điển hình là tảo hôn.
Thăm một số gia đình, hình ảnh những bà mẹ “nhí” tay bế, lưng cõng con, nếu không biết sẽ ngỡ là chị với em; trong khi đó gia cảnh rất khó khăn. Em Chẻo Mỹ Diển ở bản Nhiều Sáng tâm sự: Em và chồng chơi với nhau từ nhỏ, 2 bên gia đình cũng tâm đầu ý hợp. Đến năm 16 tuổi, em nghỉ học lấy chồng và về sống cùng bố mẹ chồng. Sau hơn 1 năm, chồng đi làm xa, em sinh con, vì không được chăm sóc đầy đủ nên con yếu ớt, còi cọc. Em thấy hối hận vì suy nghĩ nông cạn, ảnh hưởng đến tương lai của mình và con cái.
Với những trường hợp tảo hôn ở đây, đặc biệt là nữ, các em phải làm việc rất vất vả, thậm chí sáng sớm đã địu con lên nương đến khi mặt trời xuống núi mới về. Không có nhiều kiến thức, kinh nghiệm nên hiệu quả chăn nuôi, trồng trọt chưa cao, thu nhập bấp bênh, hệ quả là mâu thuẫn gia đình, bản thân, con cái không được chăm sóc đủ đầy.
Cán bộ xã Làng Mô (huyện Sìn Hồ) tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình đến nhân dân bản Nhiều Sáng.
Được biết, trong đời sống tinh thần, đồng bào các dân tộc trong xã có nhiều truyền thống tốt đẹp, nhưng trong hôn nhân vẫn có suy nghĩ, phong tục lạc hậu, vậy nên nhiều gia đình đã ép con lập gia đình dù chưa đến tuổi. Bên cạnh đó, có những bạn trẻ nếu bị gia đình ngăn cản, sẽ ăn lá ngón để tìm đến cái chết hoặc xoá bỏ quan hệ người thân, họ hàng…
Xã Làng Mô có 7 bản, 776 hộ dân với 4.225 nhân khẩu. Từ năm 2022 đến nay, toàn xã có 31 cặp tảo hôn; riêng 8 tháng đầu năm 2024 có 9 cặp tảo hôn. Trước thực tế đó, xã tập trung lãnh, chỉ đạo, tăng cường cán bộ xuống cơ sở, đến các gia đình có con tảo hôn để gặp gỡ, tìm hiểu nguyên nhân. Từ đó, có hình thức can thiệp, xử lý theo quy định của pháp luật và quy ước bản. Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thường xuyên phối hợp tổ chức họp bản tuyên truyền, phổ biến pháp luật, làm công tác dân vận khéo nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về những tác hại của tảo hôn, kết hôn cận huyết, quy định của pháp luật về độ tuổi kết hôn. Ngoài hình thức trực tiếp, còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn, đoàn thể tỉnh, huyện lồng ghép trình chiếu phim lưu động, phát tờ rơi… về những nội dung liên quan. Phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người uy tín ở cộng đồng dân cư trong nêu gương, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho gia đình, người thân, nhân dân trong bản.
Tại các nhà trường, thầy, cô giáo lồng ghép nội dung Luật Hôn nhân và Gia đình, hệ lụy của tảo hôn, kết hôn cận huyết vào bài giảng, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt dưới cờ; gần gũi, nắm bắt tâm tư của học sinh, nhất là học sinh bán trú. Các nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức về hôn nhân và gia đình theo hình thức sân khấu hóa; thành lập đội tham gia hội thi vận khéo do xã tổ chức về phòng, chống tảo hôn, xóa bỏ hủ tục để học sinh có nhiều thông tin, kiến thức và chia sẻ đến người thân, bạn bè. Đặc biệt, đối với các em lập gia đình khi chưa đủ tuổi, xã tham mưu UBND huyện, ngành Giáo dục huyện tạo điều kiện để tiếp tục theo học phổ thông hoặc học nghề.
Không những vậy, xã duy trì mô hình “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết”; biểu dương cách làm hay, hộ gia đình, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện phòng, chống tảo hôn. Nhờ đó, trung bình mỗi năm tỷ lệ tảo hôn của xã giảm 2,4% trên tổng số các cặp kết hôn.
Anh Giàng A Sáu - Chủ tịch UBND xã cho biết: Thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh nhiều biện pháp, trong đó tập trung tăng cường tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân xóa bỏ hủ tục, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa. Đồng thời, kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình.
Thái Hà
Bình luận