Thứ năm, 28/11/2024, 15:14 [GMT+7]

Nghĩ về "Ngày hội của toàn dân"

Thứ sáu, 21/05/2021 - 07:51'
Ðến nước Mỹ khi đã ở tuổi trưởng thành, nhà báo người Mỹ gốc Việt Nguyễn Quang Trường từng nhiều lần được chứng kiến hoặc tham dự bầu cử tại quốc gia này. Trở về Việt Nam, Nguyễn Quang Trường được tiếp xúc, chứng kiến một không khí bầu cử hoàn toàn khác, có cơ hội để tìm hiểu tại sao ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp được gọi là "Ngày hội của toàn dân".

Ðó cũng chính là lý do anh gửi đến Báo Nhân Dân bài viết trình bày những suy nghĩ của mình về sự kiện trọng đại này. Xin giới thiệu với bạn đọc.

Trước ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, tôi có dịp đến nhiều nơi trên đất nước, vì thế có cơ hội được tận mắt chứng kiến sự hồ hởi của mọi công dân Việt Nam khi hướng về một ngày trọng đại với ý thức tập trung và tinh thần phấn khởi. Và tôi đã đi từ sự tò mò về "Ngày hội của toàn dân" đến chỗ hiểu rằng đó là sự đúc kết vô cùng chuẩn xác, được mọi tầng lớp nhân dân công nhận, tự hào. Từ phố phường đến làng xóm, từ miền xuôi đến miền ngược, mọi người như đắm mình vào không khí rộn rã, hứng khởi khiến tôi cảm nhận sâu sắc hơn sự ưu việt của chế độ xã hội và vai trò lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước. Bởi qua "Ngày hội của toàn dân" sẽ bầu ra đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp thật sự đại diện cho nguyện vọng, lợi ích của toàn dân, nỗ lực xây dựng một xã hội dân chủ và công bằng, mưu cầu hạnh phúc cho mỗi người dân.

Là một nhà báo từ Mỹ về Việt Nam sống và làm việc, trực tiếp chứng kiến và hòa mình vào không khí đất nước trong những ngày tiến tới kỳ bầu cử lần này, tôi có dịp kiểm nhận, đánh giá về kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, có cơ hội so sánh với các cuộc bầu cử ở nước Mỹ mà tôi từng trải qua, để thấy sự khác biệt của hai thể chế đơn và đa đảng. Trước đây, khi tôi còn ở Mỹ, hai năm và bốn năm một lần, mỗi khi đến dịp bầu cử, tôi và người dân lại có cơ hội xem "những tấn tuồng" đấu đá nhau như đến tận cùng của các ứng cử viên từ cấp quận, thành phố, tiểu bang đến liên bang… Họ đem đối thủ ra bêu xấu trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Trên vũ đài chính trị, hàng nghìn "ngọn đèn" rọi vào mọi ngóc ngách đời tư của các ứng viên, cố gắng tìm ra kẽ hở để dìm nhau xuống bùn. Các đường phố tràn ngập biển tranh cử của ứng cử viên vừa đưa mình lên, vừa công kích đối thủ theo nhiều phương thức như muốn triệt hạ nhau, khiến mùa bầu cử trở thành những ngày "chiến đấu" đầy kịch tính. Xã hội dân chủ kiểu phương Tây đã tạo nên lối suy diễn, chụp mũ, vu khống, mạ lỵ giữa các ứng cử viên với nhau. Cũng vì đảng phái tranh giành quyền lực, mà các đảng không từ bỏ bất cứ cơ hội nào để bôi bẩn, triệt hạ uy tín của nhau. Nên lá phiếu của cử tri nhiều khi như trở thành món hàng bị lợi dụng, thậm chí bị mua bán. Ðó là nguyên nhân để kết quả một số cuộc bầu cử làm cho cử tri thất vọng, thậm chí làm cho lòng dân hoang mang, chia rẽ.

Trong khi đó ở Việt Nam, từ Ðại hội đại biểu toàn quốc Ðảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII đến "Ngày hội của toàn dân", cả nước tràn ngập trong không khí tin tưởng, đoàn kết. Tôi nhớ ngày 21-1-2021, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là cuộc vận động chính trị quan trọng và là đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Ðây là cơ hội để nhân dân ta thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, thật sự có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Ðây cũng là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân…

Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 20-6-2020, trong đó yêu cầu cả hệ thống chính trị phải đoàn kết, thống nhất, tăng cường phối hợp, tập trung dốc sức chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử, bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành một cách thật sự dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn và tiết kiệm". Thời gian dài trước ngày bầu cử, qua phương tiện truyền thông đại chúng, người dân mọi miền có cơ hội tìm hiểu, đánh giá từng ứng viên từ Hội đồng nhân dân các cấp tới Quốc hội. Các ứng cử viên có nhiều cách tiếp xúc cử tri như trực tiếp gặp gỡ, sử dụng mạng xã hội trao đổi với cử tri theo tiêu chí "lựa chọn những người xứng đáng đại diện cho nhân dân". Tôi thấy, thành công của Ðại hội Ðảng lần thứ XIII như định hướng tinh thần, như động lực giúp ứng cử viên thấy rõ hơn trách nhiệm, vai trò của họ. Quan điểm đúng đắn của Ðại hội Ðảng lần thứ XIII như kim chỉ nam tiếp tục củng cố, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tôi nghĩ đó là cơ sở để cử tri ở Việt Nam ý thức hơn về vai trò của mình, nhận thức nghiêm túc hơn việc sử dụng lá phiếu để "chọn mặt gửi vàng", bầu nên những đại biểu có tài, có đức, hết lòng vì dân, như ngay sau ngày 2-9-1945, khi đề nghị tiến hành tổng tuyển cử, Bác Hồ từng nói: "Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì có quyền đi bầu cử… Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân".

Tìm hiểu ba vòng hiệp thương, đọc danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, tôi hiểu đó là danh sách được chọn lọc rất dân chủ, kỹ lưỡng, đúng quy định pháp luật. Người ứng cử là người ngoài Ðảng có 74 người, chiếm tỷ lệ 8,53%. Qua các số liệu thống kê tôi còn thấy ứng cử viên Quốc hội khóa XV rất đa dạng, nhiều lứa tuổi, nhiều thành phần, không phân biệt nam - nữ, có 185 ứng cử viên là người dân tộc thiểu số. Sự đa dạng cho thấy bầu cử được tiến hành bình đẳng, dân chủ, tạo điều kiện để người yêu nước, có tài đức, không phân biệt giai tầng xã hội đều có thể đóng góp trí tuệ, công sức với đất nước. Các chương trình liên quan bầu cử cũng có nhiều phương thức gạn lọc, đánh giá, kiểm tra nhằm loại trừ tiêu cực có thể ảnh hưởng đến bầu cử. Quy trình giới thiệu, hiệp thương tổ chức chặt chẽ, minh bạch, người ứng cử hoặc tự ứng cử, người ngoài Ðảng hoặc đảng viên đều bình đẳng trước pháp luật, phải nhận được tín nhiệm của cử tri nơi công tác cũng như ở nơi cư trú…

Tác nghiệp trên các vùng miền cả nước, tôi có nhiều cơ hội trực tiếp trò chuyện, phỏng vấn nhiều thành phần nhân dân, câu trả lời chung là hoàn toàn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước. Họ chờ đợi "Ngày hội của toàn dân" để sử dụng lá phiếu cử tri một cách có trách nhiệm, vì đó chính là quyền lợi thiết thân của họ. Cuộc sống hiện tại của phần lớn người dân đã khá tốt, nên ai ai cũng mong muốn có một thể chế chính trị ổn định, xã hội vận hành trong tinh thần dân chủ, công bằng, cuộc sống ngày càng thịnh vượng. Quan sát khu vực bầu cử là phường tôi đang ở, thấy việc chuẩn bị vô cùng chu đáo, trang trọng. Cán bộ hữu trách nhã nhặn trả lời, giải thích với cử tri đến tìm hiểu thủ tục bỏ phiếu.

Danh sách ứng viên được niêm yết rõ ràng với tiểu sử, thành tích, các thông tin cá nhân. Hình ảnh, thông tin này với tôi thật mới lạ và thú vị. Càng đến gần ngày bầu cử, tôi càng hiểu thế nào là "cả hệ thống chính trị vào cuộc" như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói. Trong hành trình tháng 4 ở miền trung và miền nam vừa qua, tôi có dịp tiếp xúc một số người Mỹ gốc Việt, nay hưu trí, về Việt Nam sinh sống, trong đó có cả cựu sĩ quan của "quân lực Việt Nam cộng hòa". Thấy tôi ngạc nhiên, một cựu trung tá "quân lực Việt Nam cộng hòa" 81 tuổi rất tích cực tham gia chuẩn bị ngày bầu cử, đã nói với tôi: "Cuộc sống ở Việt Nam giờ rất ổn, tham gia công tác ở địa phương, góp ý với ứng cử viên, đi bầu cử vào ngày 23-5 là quyền lợi, là niềm vui lẫn tự hào vì được hòa mình vào xã hội một cách có trách nhiệm. Mỗi lá phiếu tâm huyết đều góp phần vào sự thịnh vượng chung của bộ máy nhà nước cháu ạ!". Gia đình, người thân của tôi ở Mỹ cũng rất quan tâm đến danh sách ứng cử viên. Họ nhận định và tin tưởng rằng với kỳ bầu cử lần này, việc chọn đúng người tài đức là vô cùng quan trọng để đất nước Việt Nam ngày càng phát triển hơn.

Đối với tôi, đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là cơ hội giúp tôi hiểu rõ hơn về chế độ xã hội mà tôi đã gắn bó gần mười năm qua. Từ những sự thật đã chứng kiến, tìm hiểu, tôi nhận ra tinh thần tập trung, đoàn kết một lòng của toàn Ðảng, toàn dân cho ngày hội lớn của cả dân tộc. Ngày mà mỗi công dân sẽ sử dụng quyền chính đáng của mình để sáng suốt lựa chọn những người tiêu biểu về đức tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân bầu vào Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Sự đoàn kết một lòng từ trên xuống dưới, từ Trung ương Ðảng đến toàn dân cho thấy tính ưu việt của thể chế một đảng lãnh đạo đang ngày càng chứng tỏ là lựa chọn phù hợp với Việt Nam, để giữ được sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, làm cho đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, vị thế đất nước ngày càng khẳng định. Trong tôi dấy lên sự biết ơn và lòng tự hào vì đang được sống, chứng kiến những ngày tháng tốt đẹp, sự tiến bộ xã hội trên nhiều lĩnh vực, những bước tiến vững vàng của nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước Việt Nam. Hòa mình cùng cả nước trong không khí "Ngày hội của toàn dân" sắp diễn ra, tôi càng tin tưởng vào một giai đoạn phát triển mới tốt đẹp cho dân tộc và đất nước. Tôi càng tin mọi cử tri sẽ sáng suốt sử dụng lá phiếu bầu cử của mình để lựa chọn được những đại biểu ưu tú, hết lòng phục vụ dân, hết lòng vì sự phồn vinh của quê hương Việt Nam. Ðây là thời khắc báo hiệu con thuyền Việt Nam sẽ vươn tầm xa hơn, Việt Nam sẽ trở thành một đất nước giàu mạnh, một nơi đáng sống trên một hành tinh đang đầy biến động. 

 

Cập nhật: Thứ Sáu, 21-05-2021, 02:57/NGUYỄN QUANG TRƯỜNG/https://nhandan.com.vn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...