Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021
Trong quá trình tiến hành cuộc bầu cử, công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng, đóng góp vào thành công của cuộc bầu cử, thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực như sau:
1. Công tác chỉ đạo tuyên truyền: Ngay khi Quốc hội công bố Nghị quyết về Ngày bầu cử, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 51-CT/TW, công tác tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đã được bắt đầu và tập trung mạnh mẽ. Hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử được tiến hành ngay sau bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Các cấp ủy địa phương cũng khẩn trương tổ chức các hội nghị quán triệt Chỉ thị của Bộ Chính trị trên địa bàn phụ trách. Tiểu ban Văn bản Pháp luật và Thông tin, Tuyên truyền thể hiện vai trò đầu mối quan trọng đã sớm có kế hoạch phân công trách nhiệm cho các ban, bộ, ngành phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong công tác tuyên truyền. Các cơ quan Trung ương đã khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ được Hội đồng bầu cử quốc gia phân công đúng tiến độ. Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch thông tin, tuyên truyền cuộc bầu cử. Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng Hướng dẫn công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Ban Tuyên giáo các tỉnh uỷ, thành uỷ, các đảng uỷ trực thuộc Trung ương và Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội đều xây dựng kế hoạch chỉ đạo công tác tuyên truyền về bầu cử ở địa phương, đơn vị từ rất sớm. Các bộ, ban, ngành được phân công xây dựng những văn bản quan trọng hướng dẫn về cơ cấu, thành phần, việc tổ chức hội nghị cử tri, giới thiệu người ứng cử, việc hiệp thương… đều khẩn trương ban hành đã kịp thời cung cấp căn cứ, chất liệu quan trọng cho công tác thông tin, tuyên truyền.
2. Công tác tuyên truyền về bầu cử đã tập trung vào những nội dung quan trọng nhất của giai đoạn này: Mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Giới thiệu nội dung các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, như: Chỉ thị 51-CT/TW ngày 4/1/2016 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 13/1/2016 của Thủ tướng Chính phủ; các văn bản chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia; kế hoạch, hướng dẫn tổ chức triển khai công tác bầu cử Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan chức năng; các văn bản pháp luật, như: Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân….Đặc biệt công tác tuyên truyền đã nhấn mạnh, phân tích các điểm mới trong Chỉ thị 51-CT/TW; các đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc xây dựng bộ máy nhà nước nói chung và Quốc hội, HĐND nói riêng; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Quốc hội, của HĐND các cấp. Giới thiệu các thành tựu của Quốc hội và HĐND qua các thời kỳ, đặc biệt là những đổi mới của Quốc hội trong hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, của HĐND trong việc thực hiện trách nhiệm của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Giới thiệu những điểm mới trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân lần này; tuyên truyền tiêu chuẩn người ứng cử đại biểu Quốc hội, tiêu chuẩn đại biểu HĐND; quyền bầu cử và ứng cử của công dân, nghĩa vụ, trách nhiệm của cử tri trong công tác bầu cử; các hoạt động trong quá trình tiếp xúc cử tri; các quy định về trình tự, thể thức bầu cử. Đấu tranh chống mọi luận điệu xuyên tạc, những âm mưu, hoạt động phá hoại cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để kích động, gây rối, chia rẽ nội bộ ta của các thế lực thù địch….
3. Các hình thức tuyên truyền về bầu cử khá phong phú, đa dạng, thu hút được sự chú ý của các tầng lớp nhân dân: Hoạt động thông tin, tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử HĐND diễn ra sôi nổi trên toàn quốc, đặc biệt trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua hoạt động của mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên của các tổ chức đảng, đoàn thể, qua hoạt động thông tin cổ động, qua hoạt động của các tổ chức giới thiệu ứng cử viên đại biểu Quốc hội… gây được sự chú ý của các tầng lớp nhân đân. Công tác biên soạn và phát hành tài liệu tuyên truyền, ấn phẩm, tờ rơi, tờ gấp, tranh cổ động về bầu cử…. được đẩy mạnh ở cả Trung ương và địa phương.
4. Các cơ quan có trách nhiệm đều chủ động, khẩn trương triển khai công tác tuyên truyền; hợp tác khá nhịp nhàng, chặt chẽ trong các hoạt động phối hợp: Dưới sự chỉ đạo của Hội đồng bầu cử quốc gia, các Tiểu ban và Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia rất nỗ lực trong việc là đầu mối triển khai công tác bầu cử. Hệ thống thông tin trên trang Website của Quốc hội, Báo Người Đại biểu Nhân dân thường xuyên cung cấp những thông tin chính thống và thời sự nhất về bầu cử. Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam chỉ đạo các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền về cuộc bầu cử với các hình thức sáng tạo, phong phú, như: phỏng vấn, tọa đàm, phóng sự, phát biểu ý kiến của cử tri, của người ứng cử; tổ chức các cuộc tọa đàm, trao đổi; mở các chuyên đề, chuyên trang, chuyên mục thường xuyên, định kỳ về bầu cử; chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở phát thanh các bản tin giới thiệu cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có kế hoạch chỉ đạo và triển khai các hoạt động cổ động trực quan, như: khẩu hiệu, panô, áp phích; hoạt động của các đội thông tin lưu động; tổ chức và chỉ đạo các Sở văn hóa, thể thao và du lịch tổ chức hoạt động triển lãm, văn hoá, văn nghệ, thể thao chào mừng cuộc bầu cử. Ban Tuyên giáo các tỉnh uỷ, thành uỷ, các đảng uỷ trực thuộc Trung ương và Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội đã chỉ đạo các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn tuyên truyền về bầu cử với các hình thức đa dạng, kịp thời, rộng khắp, thiết thực, hiệu quả đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; phối hợp với các tổ chức phụ trách bầu cử các ngành hữu quan mở hội nghị bồi dưỡng nội dung về bầu cử cho báo cáo viên, tuyên truyền viên; cung cấp thông tin, tài liệu và chỉ đạo các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương tuyên truyền về cuộc bầu cử; đăng tin bài trên Bản tin sinh hoạt chi bộ. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc chỉ đạo các cơ quan truyền thông tuyên truyền, bảo đảm để các bước hiệp thương lần thứ nhất được tiến hành hiệu quả, đúng quy định pháp luật. Các cơ quan thông tấn báo chí đã khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch thông tin, tuyên truyền về bầu cử; triển khai các hội nghị tập huấn cho phóng viên về công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử.
Để góp phần vào thành công của cuộc bầu cử, công tác thông tin, tuyên truyền thời gian tới cần được đẩy mạnh, quyết liệt, kịp thời, rộng khắp hơn nữa và tập trung vào một số nội dung, nhiệm vụ quan trọng sau:
1. Nội dung tuyên truyền: Tiếp tục tuyên truyền về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; quyền và nghĩa vụ của người ứng cử; quyền và nghĩa vụ của cử tri; các quy định về trình tự bầu cử và thể thức bầu cử ; tuyên truyền các nội dung và diễn tiến cụ thể về công tác chuẩn bị bầu cử trên phạm vi toàn quốc; phản ánh sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp về công tác bầu cử; quá trình diễn ra và kết quả bầu cử của các ngành, địa phương, khu vực, vùng, miền trên toàn quốc; tuyên truyền về sự tham gia tích cực, chủ động của nhân dân đối với cuộc bầu cử; kết quả phong trào thi đua lập thành tích chào mừng cuộc bầu cử, biểu dương kịp thời những đơn vị và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bầu cử, nhất là bầu cử ở nơi biên giới, hải đảo, các vùng còn nhiều khó khăn, các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo; phản ánh không khí dân chủ, minh bạch, đúng pháp luật, các hoạt động tự giác của cử tri và nhân dân tham gia bầu cử ra nước ngoài và sự quan tâm, dư luận tích cực của thế giới đối với sự kiện này của đất nước.
2. Các hình thức tuyên truyền về bầu cử cần sáng tạo và linh hoạt hơn nữa: Chúng ta đang sống trong thời đại thông tin, nhu cầu thông tin của xã hội ngày càng phong phú và đa dạng. Bên cạnh những phương tiện kỹ thuật hiện đại, các phương tiện thông tin truyền thống vẫn có vị trí quan trọng đáp ứng như cầu của các loại đối tượng tuyên truyền khác nhau. Kết hợp các hình thức phương pháp tuyên truyền truyền thống với các phương tiện kỹ thuật, công nghệ hiện đại là giải pháp tốt nhất đưa thông tin, tuyên truyền về bầu cử đến với mọi tầng lớp nhân dân. Để thông tin, tuyên truyền về bầu cử đến với người dân hiệu quả, cần chú ý các hình thức sau: sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể; hoạt động của các phương tiện thông tin đại chúng (nhất là báo nói và báo hình); hoạt động cổ động trực quan, văn hóa, nghệ thuật; hệ thống các trường lớp của Đảng, Nhà nước, đoàn thể; sách, ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền; hoạt động tiếp xúc cử tri; hoạt động của báo cáo viên, tuyên truyền viên … Mỗi hình thức tuyên truyền trên đây đều có những ưu điểm và hạn chế, cần linh hoạt lựa chọn hình thức phù hợp đối tượng tuyên truyền, địa bàn, thời điểm để khai thác tối đa ưu điểm từng loại hình. Thời gian tới chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; đẩy mạnh tuyên truyền cổ động trực quan trên các đường phố lớn ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trên toàn quốc; các hoạt động văn hóa, văn nghệ tuyên truyền về bầu cử. Công tác thông tin tuyên truyền về bầu cử Quốc hội cũng cần phải kết hợp giữa thường xuyên, liên tục với trọng tâm, trọng điểm, nhất là vào ngày bầu cử. Có kế hoạch cho các hoạt động tuyên truyền rầm rộ, mang tính chiến dịch, đồng loạt, sâu rộng, nhưng cũng có kế hoạch cho những hoạt động chuyên sâu, tỉ mỉ. Nội dung thông tin, tuyên truyền cổ động về bầu cử phải được chỉ đạo tập trung, thống nhất từ trên xuống; các hình thức tranh cổ động, biểu ngữ, khẩu hiệu, cờ quốc huy, thông báo, lá phiếu, thẻ cử tri, mẫu trang trí hòm phiếu …. cần phải đồng bộ. Yêu cầu về thẩm mỹ, nghệ thuật trong công tác thông tin, tuyên truyền là một việc cần thiết để góp phần tăng tính hấp dẫn, sinh động, thu hút sự quan tâm của cử tri, góp phần làm nên sắc màu ngày hội của toàn dân.
3. Đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, lợi dụng bầu cử để kích động, gây rối, chia rẽ của các thế lực thù địch: Các thế lực thù địch và phản động thời gian qua đã tập trung mũi nhọn xuyên tạc cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Thủ đoạn quen thuộc của chúng là đưa ra những thông tin xuyên tạc về tính hợp pháp, hợp hiến của cuộc bầu cử; lợi dụng cuộc bầu cử kích động, khuấy động những vấn đề về dân chủ, cho rằng không có dân chủ thực sự trong bầu cử; lợi dụng những người chưa hiểu rõ các quy trình trong tự ứng cử để tác động có các hoạt động vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến ổn định chính trị; làm phân tâm và giảm sút niềm tin, xuất hiện tâm lý hoài nghi về tính dân chủ thực sự trong bầu cử… Những hành vi, thủ đoạn này rất nguy hiểm, nếu không được ngăn chặn và xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng đến thành công của cuộc bầu cử. Cán bộ, đảng viên nếu không được định hướng kịp thời sẽ bị tác động bởi những luận điệu ngày càng tinh vi, các hình thức đồn thổi thông tin không có điều kiện, thời gian kiểm chứng, từ đó sẽ hoài nghi, phân tâm, giảm sút niềm tin, dẫn đến hành động đi bầu cử mang tính hình thức, hời hợt, đối phó. Điều đó sẽ làm cho mục tiêu, yêu cầu quan trọng của cuộc bầu cử là lựa chọn người có đức có tài vào bộ máy Nhà nước, quyền dân chủ của nhân dân lao động không được thực thi và ngày bầu cử phải thực sự là ngày hội của toàn dân không đạt được.
4. Các cơ quan truyền thông cần đi đầu trong tuyên truyền về bầu cử: Các cơ quan truyền thông phải nắm chắc các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 để bảo đảm công tác thông tin, tuyên truyền đúng định hướng; có kỹ năng tổ chức tốt các diễn đàn để nhân dân phát huy được quyền tham gia ý kiến về bầu cử; xử lý tốt giữa việc phản ánh dư luận xã hội với việc tác động vào dư luận xã hội, hình thành tâm lý xã hội tích cực, góp phần điều chỉnh dư luận và định hướng đúng đắn cho dư luận; kỹ năng xử lý thông tin bảo đảm tính đa dạng, đa chiều, khách quan trong phản ánh về bầu cử; năng lực phát động, hiệu triệu các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực, tự giác vào sự kiện bầu cử; khả năng thuyết phục, giáo dục và nâng cao ý thức, trách nhiệm công dân cho nhân dân khi tuyên truyền về bầu cử; năng lực phát hiện trong thực tiễn những nhân tố, điển hình tiên tiến làm tốt công tác bầu cử để tiến hành biểu dương, động viên, khích lệ; kiên quyết trong đấu tranh với những thói hư, tật xấu, vô trách nhiệm công dân trong bầu cử; tính chiến đấu và lập luận sắc bén trong đấu tranh với các luận điệu chống phá, xuyên tạc cuộc bầu cử của các thế lực thù địch; năng lực thu hút sự quan tâm, ủng hộ của dư luận quốc tế thông qua việc thông tin, phản ánh tin bài về bầu cử trong nước ra nước ngoài…Tăng cường đầu tư các phương tiện kỹ thuật hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập toàn diện trên mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực truyền thông; đồng thời cũng phát huy các phương tiện, cơ sở vật chất đã đem lại hiệu quả cao trong tuyên truyền các kỳ bầu cử trước đó.
5. Các cấp ủy đảng chú trọng chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác tuyên truyền bầu cử: Tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND là dịp để cho nhân dân thấy rõ được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong xây dựng bộ máy Nhà nước. Để cử tri có đủ điều kiện đưa ra những quyết định đúng đắn, trước hết, công tác thông tin tuyên truyền phải giúp cho người dân nắm được những tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội (được quy định tại Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội (số 57/2014/QH13), những tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân (được quy định tại Điều 7 Luật Tổ chức chính quyền địa phương (số 77/2015/QH13); đồng thời, cử tri cũng cần được cung cấp những thông tin chính xác, đầy đủ về quá trình hoạt động, cống hiến, năng lực chuyên môn, quá trình đào tạo, nguồn gốc xuất thân, phẩm chất đạo đức, lối sống của những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, từ đó mới có khả năng tham chiếu, so sánh và đưa ra quyết định. đúng đắn, độc lập. Việc xác minh và trả lời các vụ việc mà cử tri nêu đối với người ứng cử phải được tiến hành đúng điều 55 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND (số 85/2015/QH13) và thỏa đáng yêu cầu của cử tri. Việc vận động bầu cử của các ứng cử viên thông qua các phương tiện thông tin đại chúng cần đươc thực hiện theo đúng điều 67 của Luật. Các chương trình hành động và trả lời phỏng vấn của các ứng cử viên cần được đăng tải công khai, kịp thời. Đó là những điều kiện quan trọng, bảo đảm cho người dân thực thi tốt nhất quyền lựa chọn đại biểu đại diện cho mình trong bộ máy Nhà nước.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021 diễn ra sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng vừa kết thúc thắng lợi; toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức triển khai thực hiện các nhiệm vụ đề ra trong Cương lĩnh Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII. Cuộc bầu cử thành công là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; là điều kiện quan trọng bảo đảm việc thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước thời gian tới. Công tác thông tin, tuyên truyền cần tích cực, nỗ lực, phát huy tinh thần trách nhiệm cao của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để cuộc bầu cử thành công tốt đẹp./.
Theo TS.Bùi Thế Đức - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy viên Tiểu ban Văn bản Pháp luật và Thông tin, Tuyên truyền, Hội đồng Bầu cử Quốc gia/dangcongsan/18:59 12/03/2016
Bình luận