Lai Châu chủ động trong công tác chuẩn bị bầu cử
Để chuẩn bị cho công tác bầu cử, các cơ quan tham mưu của tỉnh đã khởi động các công việc từ giữa tháng 1, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục và thời gian theo Luật định. Tại cấp tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Ủy ban bầu cử (UBBC) tỉnh gồm 25 đồng chí và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, trong đó 8 huyện, thành phố đều có thành viên UBBC. Tại cấp huyện, thành phố đều thành lập UBBC và 108 UBBC được thành lập ở các xã, thị trấn và giao nhiệm vụ cụ thể cho mỗi thành viên.
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tổ chức Hội nghị cử tri.
Đồng chí Nguyễn Tiến Tăng - Giám đốc Sở Nội vụ, thư ký UBBC tỉnh cho biết: Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp, UBBC tỉnh đã triển khai và tổ chức thực hiện các hoạt động bầu cử, chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, tài liệu phục vụ cho công tác bầu cử… Chủ tịch UBBC tỉnh đã thành lập 1 tổ giúp việc và 3 tiểu ban giúp việc gồm: đảm bảo an ninh và trật tự an toàn xã hội; giải quyết khiếu nại, tố cáo và tuyên truyền”. Tỉnh đã tổ chức Hội nghị nhằm quán triệt Chỉ thị số 51-CT/TW ngày 4/1/2016 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 và các hội nghị triển khai về công tác bầu cử. Đồng thời hướng dẫn HĐND các cấp thực hiện công tác nhân sự, hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp, nội dung, mức chi cho công tác bầu cử.
Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã thực hiện thành công Hội nghị hiệp thương lần 1 dự kiến số lượng, thành phần, cơ cấu ĐBQH. Theo đó, số lượng đại biểu cư trú và làm việc tại tỉnh dự kiến gồm 4 đại biểu. Theo lĩnh vực công tác: 1 đại biểu trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy (dân tộc Hà Nhì), 1 đại biểu chuyên trách là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (dân tộc Mông), 1 đại biểu đang công tác tại MTTQ cấp huyện (dân tộc Thái), 1 đại biểu thuộc lĩnh vực công tác xã hội (dân tộc Mảng). Đại biểu là người dân tộc thiểu số: 4 người, đại biểu là nữ: 1 người, đại biểu ngoài Đảng: 1 người và đại biểu tái cử: 2 người.
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh là điển hình trong tổ chức hiệp thương, giới thiệu người ứng cử. Sau Hội nghị cử tri, Văn phòng đã giới thiệu được 10 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh. Những người được giới thiệu đảm bảo đủ tiêu chuẩn người đại biểu HĐND theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Có nhiều kinh nghiệm trong công tác tại cở sở.
Song song với đó, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, kịp thời rộng khắp, thiết thực và có hiệu quả đến người dân. Công tác tuyên truyền được chia làm 3 đợt trước, trong và sau bầu cử. Nội dung tuyên truyền tập trung về mục đích, ý nghĩa của cuộc bầu cử ĐBQH khoá XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, các văn bản của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử Quốc gia; vai trò, vị trí của Quốc hội, HĐND trong việc thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; giới thiệu và phân tích chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Quốc hội, HĐND theo tinh thần Hiến pháp mới; giới thiệu về Luật Bầu cử Quốc hội và HĐND, nguyên tắc bầu cử, đặc biệt là tiêu chuẩn ĐBQH, đại biểu HĐND… Ngoài ra, UBBC tỉnh đã in các tài liệu tuyên truyền gồm: Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; hỏi đáp về bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND để phát cho các cơ quan, đơn vị. địa phương nhằm phục vụ cho công tác tuyên truyền…
Từ nay đến ngày bầu cử (22/5) còn nhiều công việc phải thực hiện như: tổ chức Hội nghị hiệp thương lần 2, lần 3; niêm yết danh sách cử tri và tổ chức cho người ứng cử ĐBQH và HĐND vận động bầu cử… và phải tiến hành công khai, minh bạch, bình đẳng, đúng quy định của pháp luật. Song với sự tích cực, chủ động của UBBC các cấp, tin rằng sự kiện chính trị về bầu cử ĐBQH khóa XIV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021 được tiến hành dân chủ, bình đẳng, an toàn, tiết kiệm, thực sự là Ngày hội của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Căn cứ dân số của từng dân tộc, số lượng đại biểu, số lượng HĐND tỉnh được chia theo tỷ lệ cụ thể như: Kinh: 14 đại biểu (28%), Thái: 12 đại biểu (24%), Mông: 9 đại biểu (18%), Dao: 5 đại biểu (10%), Hà Nhì: 2 (4%), Giấy: 1 đại biểu(2%), La Hủ: 1 đại biểu (1%), Khơ Mú: 1 đại biểu (2%), Lào: 1 đại biểu (2%), Lự: 1 đại biểu (2%), Mảng: 1 đại biểu (2%), Cống: 1 đại biểu (2%), Si La: 1 đại biểu (2%). Theo lĩnh vực công tác: Chuyên trách công tác Đảng: 10 đại biểu; chuyên trách công tác HĐND: 17 đại biểu; lãnh đạo UBND tỉnh: 2 đại biểu; MTTQ và các đoàn thể: 8 đại biểu; các cơ quan nhà nước: 5 đại biểu; các cơ quan nội chính: 4 đại biểu; doanh nghiệp: 1 đại biểu, cấp xã: 3 đại biểu.
Thanh Tùng
Bình luận