Chủ nhật, 01/12/2024, 10:03 [GMT+7]

Một số tình huống trong quá trình bầu cử

Thứ sáu, 13/05/2016 - 14:39'
(BLC) - Hướng tới cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, Báo Laichau Online đăng “Hỏi - đáp về bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021” để bạn đọc hiểu thêm về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, HĐND, chế độ bầu cử, việc tổ chức hiệp thương, giới thiệu ứng cử...

Sau khi đã hết thời hạn hiệp thương lần thứ hai thì có thể bổ sung hoặc thay đổi danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân đã lập qua hiệp thương lần thứ hai để đưa vào hiệp thương lần thứ ba được không?

Trả lời:

Chậm nhất là 70 ngày trước ngày bầu cử, công dân ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân (người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử) phải nộp hồ sơ ứng cử.

Tuy nhiên, chậm nhất là 65 ngày trước ngày bầu cử phải tổ chức hiệp thương lần thứ hai. Hội nghị hiệp thương lần thứ hai căn cứ vào tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, cơ cấu thành phần và số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu của các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp điều chỉnh lần thứ nhất để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân và gửi lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú; đối với người tự ứng cử thì còn được gửi lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi người đó làm việc (nếu có). Do đó, khi thời hạn hiệp thương lần thứ hai đã hết thì không thể
bổ sung hoặc thay đổi danh sách sơ bộ đã lập qua hiệp thương lần thứ hai để đưa vào danh sách hiệp thương lần thứ ba.

Người tự ứng cử đại biểu Quốc hội, tự ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân đã qua hiệp thương và được đưa vào danh sách sơ bộ những người ứng cử thì có được đưa vào danh sách chính thức những người ứng cử không?

Trả lời:

Công dân ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là những người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử. Vì vậy, công dân xét thấy mình có đủ tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định của pháp luật, có thể tự mình làm đơn, nộp hồ sơ ứng cử. Qua hiệp thương lần thứ hai nếu được vào danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội, danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân để gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú và nơi làm việc (nếu có) thì sau đó đưa vào danh sách để hiệp thương lần thứ ba. Trường hợp người tự ứng cử có đủ tiêu chuẩn và điều kiện thì được đưa vào danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, vì lý do bất khả kháng, số người ứng cử ở đơn vị bầu cử ít hơn so với quy định của pháp luật thì giải quyết như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thì số người trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội, số người trong danh sách ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử đó ít nhất là hai người.

Trong trường hợp khuyết người ứng cử đại biểu Quốc hội vì lý do bất khả kháng thì Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, quyết định.

Trường hợp Thẻ cử tri do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trước đây ký tên, đóng dấu, nay người đó do sai phạm, khuyết điểm đã bị cách chức, đình chỉ hoặc thôi giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thì Thẻ cử tri đó còn giá trị không?

Trả lời:

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền ký tên, đóng dấu vào Thẻ cử tri và các văn bản khác theo luật định. Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã do phạm sai lầm, khuyết điểm bị cách chức, đình chỉ công tác, thôi giữ chức vụ thì các văn bản, bao gồm cả Thẻ cử tri được vị Chủ tịch này ký khi còn đương chức (nếu các văn bản này không trái với các quy định của pháp luật) vẫn còn giá trị pháp lý và có hiệu lực thi hành.

Tại các đơn vị hành chính mới thành lập chưa có Hội đồng nhân dân và Thường trực Hội đồng nhân dân thì trách nhiệm, quyền hạn của Quyền Chủ tịch Hội đồng nhân dân đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được quy định như thế nào?

Trả lời:

Trong việc tổ chức bầu cử tại các huyện, quận, phường thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội, Nghị quyết số 724/2009/UBTVQH12 và Nghị quyết số 725/2009/UBTVQH12 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường quy định tại các Điều 4, Điều 9 và Điều 51 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, có tham khảo ý kiến của Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường có liên quan.

Quyền Chủ tịch Hội đồng nhân dân có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác của Thường trực Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật.

Vi phạm pháp luật về bầu cử là gì? Người có hành vi vi phạm pháp luật về bầu cử bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Người vi phạm các quy định của pháp luật về bầu cử thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 126 Bộ luật hình sự quy định về tội xâm phạm quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân:

1. Người nào lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở việc thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến hai năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều 127 Bộ luật hình sự quy định về tội làm sai lệch kết quả bầu cử:

1Người nào có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:

a) Có tổ chức;

b) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

Trình tự giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến bầu cử?

Trả lời:

Công dân có quyền tố cáo về người ứng cử, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử. Việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị được thực hiện như sau:

a) Khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến người ứng cử đại biểu Quốc hội, việc lập danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội được gửi đến Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Ủy ban bầu cử ở tỉnh, Hội đồng bầu cử quốc gia. Trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đồng ý với kết quả giải quyết của Ban bầu cử, Ủy ban bầu cử thì có quyền khiếu nại đến Hội đồng bầu cử quốc gia. Quyết định của Hội đồng bầu cử quốc gia là quyết định cuối cùng;

b) Khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, việc lập danh sách những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp nào thì được gửi tới Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp đó. Trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đồng ý với kết quả giải quyết của Ban bầu cử thì có quyền khiếu nại đến Ủy ban bầu cử ở cấp tương ứng. Quyết định của Ủy ban bầu cử là quyết định cuối cùng;

c) Ban bầu cử, Ủy ban bầu cử, Hội đồng bầu cử quốc gia phải ghi vào sổ và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị nhận được theo thẩm quyền.

Trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử, Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử ngừng việc xem xét, giải quyết mọi khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử và việc lập danh sách những người ứng cử.

Trong trường hợp những khiếu nại, tố cáo đã rõ ràng, có đủ cơ sở kết luận người ứng cử không đáp ứng đủ tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì Hội đồng bầu cử quốc gia (đối với bầu cử đại biểu Quốc hội) hoặc Ủy ban bầu cử ở cấp tương ứng (đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân) quyết định xóa tên người đó trong danh sách chính thức những người ứng cử trước ngày bầu cử và thông báo cho cử tri biết.

Không xem xét, giải quyết đối với những đơn tố cáo không có họ, tên người tố cáo hoặc mạo danh người khác để tố cáo.

Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử ở tỉnh, Ủy ban bầu cử ở huyện, Ủy ban bầu cử ở xã chuyển toàn bộ hồ sơ về khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết đến Ủy ban thường vụ Quốc hội (đối với bầu cử đại biểu Quốc hội) hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân khóa mới ở cấp tương ứng (đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân) để tiếp tục xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Trường hợp người bị tâm thần nhưng không có điều kiện tổ chức khám và xác nhận của cơ quan y tế thì có được ghi tên vào danh sách cử tri hay không?

Trả lời:

Người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri.

Những bệnh nhân tâm thần thường sống tự do trong Nhân dân địa phương, vì mạng lưới y tế chuyên khoa chưa phát triển rộng khắp nên chưa khám và xác định được họ. Tuy nhiên, ở địa phương nếu không có điều kiện tổ chức khám và xác nhận của cơ quan y tế mà gia đình cam kết và chính quyền địa phương xác nhận họ là người bị tâm thần thì họ bị coi là mất năng lực hành vi dân sự và không được ghi tên vào danh sách cử tri.

Trường hợp người vừa câm, vừa điếc lại không biết chữ thì có được ghi tên vào danh sách cử tri hay không?

Trả lời:

Người vừa câm, vừa điếc không thuộc các trường hợp quy định không được ghi tên vào danh sách cử tri, do đó vẫn được ghi tên vào danh sách cử tri để tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Về việc viết và bỏ phiếu, nếu họ không tự viết được phiếu bầu thì áp dụng theo quy định: cử tri nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình kiểm tra và tự bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri; nếu cử tri vì tàn tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.

Việc xác định người mất trí trong khi thực hiện quyền bầu cử và ứng cử của công dân được tiến hành như thế nào?

Trả lời:

Mất trí là tình trạng mất hết khả năng hoạt động trí óc, khả năng nhận thức, suy nghĩ, phán đoán... Mất trí là một nội dung của khái niệm mất năng lực hành vi dân sự. Việc xác định người bị mất năng lực hành vi dân sự được căn cứ vào quyết định của Tòa án hoặc do bệnh viện tâm thần hoặc chuyên khoa tâm thần của bệnh viện đa khoa xác nhận. Người bị mất năng lực hành vi dân sự sẽ không được thực hiện quyền ứng cử và bầu cử.

Những sự kiện bất ngờ làm gián đoạn cuộc bỏ phiếu được xử lý như thế nào?

Trả lời:

Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định việc bỏ phiếu phải được tiến hành liên tục trong ngày bầu cử. Trường hợp có những sự kiện bất ngờ làm gián đoạn cuộc bỏ phiếu, thì Tổ bầu cử phải lập tức niêm phong hòm phiếu, tài liệu liên quan trực tiếp đến cuộc bầu cử, kịp thời báo cho Ban bầu cử biết, đồng thời phải có những biện pháp cần thiết để việc bỏ phiếu được tiếp tục.

Trường hợp vì lý do đặc biệt phải hoãn ngày bỏ phiếu, thì Tổ bầu cử phải kịp thời báo cáo cho Ban bầu cử biết để đề nghị Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng bầu cử xem xét, quyết định.

Bầu cử lại là gì? Có bao nhiêu trường hợp phải bầu cử lại? Việc bầu cử lại phải tuân theo những trình tự, thủ tục nào?

Trả lời:

Trường hợp đơn vị bầu cử có số cử tri đi bỏ phiếu chưa đạt quá một nửa tổng số cử tri ghi trong danh sách cử tri thì Ban bầu cử phải ghi rõ vào biên bản và báo cáo ngay cho Ủy ban bầu cử chịu trách nhiệm tổ chức bầu cử đại biểu ở cấp đó.

Đối với bầu cử đại biểu Quốc hội, Ủy ban bầu cử ở tỉnh đề nghị Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, quyết định việc bầu cử lại ở đơn vị bầu cử có số cử tri đi bỏ phiếu chưa đạt quá một nửa tổng số cử tri ghi trong danh sách cử tri.

Đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban bầu cử chịu trách nhiệm tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân quyết định ngày bầu cử lại ở đơn vị bầu cử có số cử tri đi bỏ phiếu chưa đạt quá một nửa tổng số cử tri ghi trong danh sách cử tri sau khi đã báo cáo và được sự đồng ý của Hội đồng bầu cử quốc gia.

Một trường hợp khác phải tổ chức bầu cử lại là khi ở khu vực bỏ phiếu, đơn vị bầu cử có vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Khi đó Hội đồng bầu cử quốc gia tự mình hoặc theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban bầu cử ở tỉnh hủy bỏ kết quả bầu cử ở khu vực bỏ phiếu, đơn vị bầu cử và quyết định ngày bầu cử lại ở khu vực bỏ phiếu, đơn vị bầu cử đó.

Trong trường hợp bầu cử lại thì ngày bầu cử được tiến hành chậm nhất là 15 ngày sau ngày bầu cử đầu tiên. Trong cuộc bầu cử lại, cử tri chỉ chọn bầu trong danh sách những người ứng cử tại cuộc bầu cử đầu tiên. Nếu bầu cử lại mà số cử tri đi bầu cử vẫn chưa đạt quá một nửa tổng số cử tri trong danh sách cử tri thì kết quả bầu cử lại được công nhận mà không tổ chức bầu cử lại lần thứ hai.

Danh sách cử tri của cuộc bầu cử lại được lập theo danh sách cử tri trong cuộc bầu cử đầu tiên và theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Bầu cử thêm là gì? Việc bầu cử thêm phải tuân theo những trình tự, thủ tục nào?

Trả lời:

Trong cuộc bầu cử đầu tiên, nếu số người trúng cử đại biểu Quốc hội chưa đủ số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử thì Ban bầu cử phải ghi rõ vào biên bản xác định kết quả bầu cử và báo cáo ngay cho Ủy ban bầu cử ở tỉnh để đề nghị Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, quyết định việc bầu cử thêm ở đơn vị bầu cử đó.

Trong cuộc bầu cử đầu tiên, nếu số người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân chưa đủ hai phần ba số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử thì Ban bầu cử phải ghi rõ vào biên bản xác định kết quả bầu cử và báo cáo ngay cho Ủy ban bầu cử chịu trách nhiệm tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp đó để quyết định ngày bầu cử thêm ở đơn vị bầu cử đó.

Trong trường hợp bầu cử thêm thì ngày bầu cử được tiến hành chậm nhất là 15 ngày sau ngày bầu cử đầu tiên. Trong cuộc bầu cử thêm, cử tri chỉ chọn bầu trong danh sách những người ứng cử tại cuộc bầu cử đầu tiên nhưng không trúng cử. Người trúng cử là người được quá một nửa tổng số phiếu bầu hợp lệ và có số phiếu bầu cao hơn. Nếu bầu cử thêm mà vẫn chưa đủ số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử thì không tổ chức bầu cử thêm lần thứ hai.

Danh sách cử tri của cuộc bầu cử thêm được lập theo danh sách cử tri trong cuộc bầu cử đầu tiên và theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội khi nào và phải tuân theo những trình tự, thủ tục gì?

Trả lời:

Việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ chỉ được tiến hành khi thời gian còn lại của nhiệm kỳ nhiều hơn 02 năm và thiếu trên mười phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội đã được bầu ở đầu nhiệm kỳ.

Quốc hội quyết định và công bố ngày bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội. Ngày bầu cử bổ sung phải là ngày chủ nhật và được công bố chậm nhất là 30 ngày trước ngày bầu cử.

Bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân khi nào và phải tuân theo những trình tự, thủ tục gì?

Trả lời:

Việc bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân trong nhiệm kỳ chỉ được tiến hành khi thời gian còn lại của nhiệm kỳ nhiều hơn 18 tháng và đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

- Hội đồng nhân dân thiếu trên một phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân đã được bầu ở đầu nhiệm kỳ;

- Đơn vị hành chính mới được thành lập trên cơ sở nhập, chia, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính hiện có có số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân không đủ hai phần ba tổng số đại biểu được bầu theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định và công bố ngày bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định và công bố ngày bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã.

Ngày bầu cử bổ sung phải là ngày chủ nhật và được công bố chậm nhất là 30 ngày trước ngày bầu cử.

Công tác hiệp thương, giới thiệu người ứng cử trong bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được quy định như thế nào?

Trả lời:

Việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử trong bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được tổ chức và thực hiện theo quy định tại Mục 2, Mục 3 Chương V của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn có liên quan. Riêng thời gian tiến hành hiệp thương, giới thiệu người ứng cử trong bầu cử bổ sung thực hiện theo quy định tại Điều 8 của Nghị quyết này.­

 Thời gian tiến hành hiệp thương, giới thiệu người ứng cử trong bầu cử bổ sung được quy định như sau:

- Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được tổ chức chậm nhất là 20 ngày trước ngày bầu cử bổ sung.

- Sau hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, cơ quan, tổ chức, đơn vị, thôn, tổ dân phố được phân bổ số lượng người giới thiệu ứng cử tiến hành lựa chọn, giới thiệu người ứng cử chậm nhất là 19 ngày trước ngày bầu cử bổ sung.

- Hội nghị hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được tổ chức chậm nhất là 16 ngày trước ngày bầu cử bổ sung.

- Việc tổ chức hội nghị cử tri lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú và nơi công tác hoặc nơi làm việc (nếu có) về người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được thực hiện chậm nhất là 14 ngày trước ngày bầu cử bổ sung.

- Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được tổ chức chậm nhất là 12 ngày trước ngày bầu cử bổ sung.

B.T theo tài liệu Hỏi – đáp về bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 206 – 2021 (Hội đồng Bầu cử Quốc gia)

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...