Chủ nhật, 01/12/2024, 13:39 [GMT+7]

Quan trọng là tiếng nói phải có “sức nặng”

Thứ bảy, 05/03/2016 - 16:01'
Đến thời điểm này, tại trung ương và các địa phương đã tổ chức xong công tác hiệp thương vòng 1 bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, thống nhất dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử.


Tại các hội nghị hiệp thương, một số đại biểu cho rằng lựa chọn nhân sự tham gia ứng cử vào Quốc hội khóa XIV, vấn đề cần được quan tâm hàng đầu là chất lượng ứng cử viên. (Ảnh:TH)

Nhiều chưa chắc đã tốt, đông chưa chắc đã mạnh

Theo dự kiến cơ cấu ĐBQH khóa XIV thì số đại biểu là doanh nhân giảm từ 38 người còn 10 người. Điều này cũng gây băn khoăn tại Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam. Theo ông Lý Ngọc Minh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Đại hội Đảng toàn quốc vừa qua đã xác định kinh tế tư nhân là “động lực quan trọng” để phát triển kinh tế của đất nước. Do vậy, cần dành cơ cấu ĐBQH là doanh nhân. “Nếu chúng ta muốn đổi mới đất nước, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển thì phải đưa doanh nhân vào Quốc hội nhiều hơn nữa”, ông Minh kiến nghị.

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng cho biết, trong số 700 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập, hoạt động, đang tạo một động lực rất lớn phát triển kinh tế của đất nước, giải quyết công ăn việc làm, các vấn đề xã hội. “Chúng tôi mong có nhiều đại biểu là doanh nhân, là những người điều hành sản xuất có mặt trong cơ quan lập pháp. Những ý kiến của họ sẽ sát sao và xác đáng… Đó là con đường ngắn nhất để cơ quan lập pháp, hiểu đúng các điều kiện cần trong vấn đề hoạch định chính sách lĩnh vực này”, ông Phòng nói.

Cũng đề xuất cần tăng ĐBQH là doanh nhân, tuy nhiên doanh nhân Đinh Huy Chiến, ĐBQH tỉnh Thái Nguyên khóa XIII nêu quan điểm, dù số lượng bao nhiêu, nhưng cử tri phải chọn đúng người có tâm, trí tuệ, được người dân, doanh nghiệp tín nhiệm đại diện cho mình. Mặt khác, doanh nhân được bầu phải là người có trách nhiệm và dành thời gian thỏa đáng cho hoạt động của một ĐBQH, chứ không phải là “đánh trống ghi tên”.

Công nhận việc chỉ có 10 đại diện cho khối doanh nghiệp là ít, tuy nhiên, ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cho rằng, việc lựa chọn cơ cấu như thế nào cũng cần phải tính toán kỹ lưỡng. Theo ông Kiêm: “Khóa XIII chúng ta đưa vào quá nhiều người chủ doanh nghiệp nên đôi khi họ chỉ phục vụ cho bản thân doanh nghiệp đó, chứ chưa hẳn đã phục vụ cho cộng đồng”.

Thực tế nghị trường những năm gần đây cũng cho thấy, không phải lúc nào nhiều cũng là tốt, đông cũng là mạnh. Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, đã có 2 đại biểu là doanh nhân đã bị bãi miễn tư cách ĐBQH vì vi phạm pháp luật. Từ câu chuyện này, nhiều ĐBQH cũng đã đề nghị phải coi đây là bài học đắt giá trong việc lựa chọn nhân sự ĐBQH khóa XIV.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, việc từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến nay, có hai vị nữ doanh nhân bị bãi nhiệm là bài học cho công tác chọn nhân sự sắp tới, bởi “nếu không cẩn thận thì lại đi vận động, che giấu những việc làm khuất tất” – Tổng Bí thư nói.

Chất lượng đại biểu là ưu tiên hàng đầu

Nhiều ĐBQH là chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giảm số ĐBQH là doanh nhân không ảnh hưởng gì đến việc thực hiện chủ trương "kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế" được nêu trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Bởi thành viên của các hiệp hội chủ yếu đến từ khu vực kinh tế tư nhân, mà tính đại diện của các tổ chức nghề nghiệp - xã hội lại cao hơn. Trong thực tiễn, các hiệp hội thường xuyên gửi phản hồi về chính sách, pháp luật đến các cơ quan của Quốc hội. 

Từ góc nhìn của chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch, ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Kinh nghiệm thực tiễn ở Quốc hội khoá XIII, khi xây dựng các chính sách bảo vệ, tạo cơ hội cho doanh nghiệp, tôi thấy không phải đa số từ ý kiến đại biểu doanh nhân, mà từ đại biểu ngoài doanh nhân, chẳng hạn như tôi. Do vậy, bảo là đông đại biểu để bảo vệ doanh nghiệp nhiều hơn là chưa hẳn”.

Nói cách khác, tỷ lệ ĐBQH là doanh nhân cao hay thấp không quan trọng bằng tiếng nói có “sức nặng” không, có nhận được sự đồng tình của đông đảo ĐBQH hay không. Bởi người không cống hiến, đóng góp nhiều cho hoạt động Quốc hội thì cũng không nên bầu.

Trao đổi với báo chí, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cũng đồng tình với cơ cấu giảm số ĐBQH là doanh nhân. Ông Kiên cho rằng, tăng đại diện của các hiệp hội trong Quốc hội hợp lý hơn là tăng số lượng ĐBQH là doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, kinh doanh. Bởi thực tế, tiếng nói của hiệp hội là tiếng nói chung của hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp, sẽ đa diện và có sức nặng hơn nhiều. Không nên cho rằng chỉ doanh nhân mới đại diện tốt cho doanh nhân. Phải phát triển lên một mức độ mới là: Ý kiến của ĐBQH đại diện cho doanh nghiệp phải được xây dựng, chắt lọc từ ý kiến, mong muốn của các doanh nghiệp thông qua hiệp hội làm đại diện.

Cùng quan điểm với Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, TS Trần Du Lịch đề xuất nên tăng thêm đại biểu đại diện cho các hiệp hội ngành hàng, như Liên minh Hợp tác xã, Hội Bảo vệ người tiêu dùng… vì khi lấy ý kiến tác động về chính sách, thông tin các hiệp hội rất quan trọng. Vị chuyên gia kinh tế này cho rằng, số đại biểu là doanh nhân chỉ nên lấy tượng trưng, là các doanh nghiệp Việt Nam thành đạt, xem họ như một tấm gương. “Nếu theo hướng đó, chúng ta không thể nói 38 người là nhiều, mà 10 người là ít… Mục tiêu cuối cùng là chính sách phản ánh được môi trường, điều kiện hoạt động tốt nhất cho doanh nghiệp”, TS Lịch nêu quan điểm.

Có thể nói, cơ cấu ĐBQH là cần thiết nhưng chất lượng ĐBQH mới là điều quan trọng. Nhìn lại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, nhiều ý kiến cho rằng để cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND sắp tới có thể lựa chọn được những đại biểu tiêu biểu tham gia vào Quốc hội - cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân thì ngay trong quá trình hiệp thương, lựa chọn nhân sự tham gia ứng cử vào Quốc hội khóa XIV, vấn đề cần được quan tâm hàng đầu là chất lượng ứng cử viên./.

 

 

Theo Thu Hà/dangcongsan/17:21 04/03/2016

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...