Thứ năm, 28/11/2024, 12:43 [GMT+7]

BHXH tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển BHYT học sinh, sinh viên

Thứ hai, 26/08/2024 - 20:07'
 (BLC) - Từ 1/7/2024, mức đóng Bảo hiểm Y tế (BHYT) học sinh sinh viên (HSSV) tăng do mức lương cơ sở điều chỉnh tăng (theo Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ). Đối với tỉnh miền núi biên giới như Lai Châu, việc triển khai BHYT HSSV cũng gặp nhiều khó khăn, song Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh luôn quan tâm triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển BHYT HSSV. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ sở giáo dục cũng như HSSV trong việc tham gia và thụ hưởng chính sách BHYT.

Nỗ lực đảm bảo quyền lợi cho HSSV khi tham gia BHYT

Trên địa bàn tỉnh hiện có 237 cơ sở giáo dục, với 114.793 HSSV thuộc diện tham gia BHYT. Trong đó, số HSSV có thẻ BHYT là 113.605 em, đạt tỷ lệ  98.97% (trong đó, số HSSV tự đóng là 16.817 em; số HSSV được ngân sách Nhà nước, ngân sách tỉnh hỗ trợ mua thẻ BHYT miễn phí là 96.788 em). HSSV tham gia BHYT không chỉ được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, chi phí lớn khi không may ốm đau, bệnh tật, giúp gia đình các em giảm bớt gánh nặng về chi phí khám chữa bệnh (KCB), mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội của các em và gia đình trong việc chia sẻ rủi ro với cộng đồng...

Khám bệnh cho học sinh có thẻ BHYT tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Đồng chí Vũ Thị Hoài Gương  – Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh chia sẻ, trong lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, nhóm đối tượng HSSV luôn được các cấp quan tâm và lựa chọn là nhóm đối tượng cần sớm được bao phủ BHYT. Các em tham gia BHYT, ngoài quyền lợi được Quỹ BHYT chi trả lên tới 80% chi phí điều trị bệnh, HSSV còn được chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) ngay tại trường học. Đây là một trong những ưu việt vượt trội, thể hiện ý nghĩa, lợi ích thiết thực của chính sách BHYT trong việc chăm sóc sức khỏe toàn diện cho trẻ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Trong năm học 2023-2024 toàn tỉnh đã trích chuyển kinh phí CSSKBĐ cho các cơ sở giáo dục 3.123.506.866 đồng. Nhờ đó, các cơ sở giáo dục có điều kiện mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ sơ cấp cứu, xử trí ban đầu cho HSSV khi không may bị tai nạn, thương tích và các bệnh thông thường trong thời gian học tại cơ sở giáo dục. Giúp HSSV và gia đình phát hiện bệnh kịp thời và điều trị các căn bệnh học đường; phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường có thể dẫn tới những căn bệnh mạn tính, nan y nguy hiểm, đảm bảo sức khỏe các em trong tương lai. Việc trích chuyển kinh phí CSSKBĐ đã giúp các cơ sở giáo dục chủ động và kịp thời đảm bảo quyền lợi HSSV được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe ngay tại các cơ sở giáo dục.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Từ ngày 1/7/2023, lương cơ sở tăng từ 1.800.000 triệu đồng/tháng lên 2.340.000 triệu đồng/tháng (theo Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang). Do đó, mức đóng BHYT của HSSV là hơn 680 nghìn đồng/năm, tương đương mức tăng khoảng 117 nghìn đồng mỗi học sinh, sau khi đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, HSSV tự đóng 70%. HSSV có thể lựa chọn các mức đóng 3 tháng/6 tháng/9 tháng và 12 tháng. Như vậy, so với mức đóng BHYT theo mức lương cơ sở cũ 1.490.000 đồng, mức đóng từ ngày 1/7/2023 tăng 117.180 đồng/năm.

Bên cạnh những điểm mới mang lại nhiều quyền lợi, bảo đảm cho việc CCSKBĐ tại trường học, việc thay đổi mức đóng từ 3% lên 4,5% mức lương cơ sở; làm cho công tác BHYT HSSV trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn. Với đặc thù là tỉnh miền núi biên giới như Lai Châu. Một bộ phận người dân còn khó khăn về kinh tế, nguồn thu nhập không ổn định. Đặc biệt đối với những hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số đông con trong độ tuổi còn đi học. Trong khi đó, dịp đầu năm học mới bà con phải đóng nhiều khoản thu nên việc tham gia BHYT HSSV cho các em chưa được ưu tiên hàng đầu nên tỷ lệ tham gia BHYT còn chưa cao.

Năm học 2022-2023, toàn tỉnh vẫn còn 1.188 HSSV chưa tham gia BHYT, chiếm tỷ lệ 1.03%. Cụ thể, khối tiểu học, trung học cơ sơ còn 793 học sinh chưa tham gia BHYT; khối trung học phổ thông còn 152 học sinh chưa tham gia BHYT; khối trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học còn 250 sinh viên chưa tham gia BHYT.

Đồng chí Vũ Thị Hoài Gương  – Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết thêm, Năm học 2023-2024 là năm đầu tiên thay đổi mức đóng BHYT, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ những lợi ích của việc tham gia thẻ BHYT, BHXH tỉnh đang gặp một số trở ngại như: Người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, thân nhân công an, quân đội cơ yếu, người có công,… chưa được nhà trường thống kê đầy đủ. Một số HSSV được BHXH Bộ Quốc phòng cấp thẻ nhưng không chuyển danh sách đến BHXH các tỉnh nên số liệu thống kê HSSV thuộc nhóm đối tượng khác chưa đầy đủ, chính xác gây khó khăn trong công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương.

Công tác phối hợp chỉ đạo triển khai BHYT HSSV giữa Phòng Giáo dục và Đào tạo với BHXH ở một số địa phương chưa thực sự chặt chẽ. Nhiều địa phương, gia đình kinh tế còn khó khăn và trong năm học, phụ huynh phải đóng góp nhiều khoản tiền cùng một lúc dẫn đến không có khả năng tham gia BHYT HSSV cho con em. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHYT HSSV ở một số cơ sở giáo dục còn hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức; một số bộ phận phụ huynh và HSSV chưa hiểu rõ trách nhiệm, quyền lợi và ý nghĩa của việc tham gia BHYT...

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Cán bộ BHXH tỉnh tuyên truyền tới các bậc phụ huynh về lợi ích của việc tham gia BHYT cho HSSV.

Xác định công tác BHYT HSSV là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và hết sức khó khăn, thời gian tới BHXH tỉnh tiếp tục chủ động tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương chỉ đạo, giao chỉ tiêu tham gia BHYT HSSV đối với từng cơ sở giáo dục. Ban hành văn bản đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT và chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan trong thực hiện BHYT HSSV trên địa bàn tỉnh năm học 2024-2025. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị trường học triển khai tuyên truyền chính sách BHYT HSSV đến phụ huynh, HSSV và thực hiện theo hướng dẫn về thu BHYT HSSV năm học 2024-2025.

Phối hợp với cơ quan truyền thông thực hiện các tin, bài, phóng sự tuyên truyền, phổ biến các quy định về BHYT đối với HSSV; thông tin, đăng tải tin, bài, hình ảnh về các hoạt động triển khai BHYT HSSV tại địa phương trên Cổng Thông tin điện tử, Fanpage, zalo BHXH tỉnh, BHXH các huyện. Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế trong chỉ đạo các cơ sở y tế tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác khám bệnh, chữa bệnh BHYT, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ; tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo đầy đủ quyền lợi, chế độ BHYT theo quy định của pháp luật cho HSSV có thẻ BHYT.

Phối hợp củng cố hệ thống y tế trường học, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác CSSKBĐ cho HSSV, đảm bảo quyền lợi HSSV được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe ban đầu tại các cơ sở giáo dục. Phối hợp với Sở Tài chính trong việc căn cứ quy định về phân cấp ngân sách Nhà nước, ngân sách Tỉnh hỗ trợ mức đóng BHYT HSSV, bố trí đầy đủ, kịp thời nguồn ngân sách để đóng, hỗ trợ đóng BHYT.

Huy động các nguồn xã hội hóa, khuyến khích việc vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Đề xuất khen thưởng cá tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong việc tổ chức thực hiện BHYT HSSV tại địa phương năm học 2024-2025 nhằm khuyến khích, động viên, nâng cao tinh thần, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thực hiện BHYT HSSV.

Trong bối cảnh hiện nay tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh gây rủi ro tới sức khỏe con người, công tác chăm sóc sức khỏe HSSV thông qua chính sách BHYT càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Vì vậy, năm học 2023-2024, công tác BHYT HSSV vẫn rất cần được các cấp, ngành quan tâm, triển khai quyết liệt cùng với  những giải pháp trên, tin rằng năm học mới, BHYT HSSV sẽ đạt được kết quả cao, góp phần hoàn thành mục tiêu đạt 100% HSSV tham gia và được thụ hưởng chính sách bảo hiểm y tế.

Bình Minh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...