Nỗ lực giúp đồng bào vùng biên thoát nghèo
Được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, những năm qua tỉnh Lai Châu đã có nhiều giải pháp đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nhất là đồng bào các dân tộc trên khu vực biên giới; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, QP-AN được củng cố và tăng cường; quan hệ đối ngoại không ngừng được mở rộng. Nhân dân khu vực biên giới tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn biên giới.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định và các hướng dẫn của cấp trên, trọng tâm là Nghị quyết số 25-NQ/TW, Kết luận số 43-KL/TW, Chương trình hành động của tỉnh, Kế hoạch, Nghị quyết của Đảng ủy BĐBP tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng của BĐBP tỉnh Lai Châu trong tình hình mới.
Hàng năm Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch công tác vận động quần chúng, trong đó tập trung chỉ đạo các Đồn Biên phòng căn cứ đặc điểm, tình hình cụ thể của địa phương, đơn vị, để lựa chọn các mô hình “Dân vận khéo” phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa bàn biên giới, qua đó tuyên truyền vận động cán bộ và Nhân dân thực hiện có hiệu quả, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, tập hợp, động viên, đoàn kết các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở.
Cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng Lai Châu giúp bà con tu sửa nhà ở.
BĐBP tỉnh Lai Châu quản lý, bảo vệ đoạn biên giới Việt Nam - Trung Quốc dài 265,165 km, 101 mốc quốc giới, địa bàn bi n giới quản lý 211 bản, thuộc 22 xã/ 04 huyện biên giới (Phong Thổ, Sìn Hồ, Mường Tè, Nậm Nhùn), dân số 18.141 khẩu/86.044 khẩu. Lực lượng biên phòng đã quán triệt, thực hiện tốt Nghị quyết của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2020; Các Chỉ thị, Nghị quyết của Tỉnh ủy, của Đảng ủy BĐBP và của cấp trên về xây dựng, củng cố chính trị cơ sở, thực hiện mô hình giúp dân phát triển KT-XH.
Bằng nhiều hình thức và cách làm hiệu quả, 10 năm trở lại đây, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tập trung chỉ đạo các Đồn Biên phòng lựa chọn các mô hình giúp dân phát triển kinh tế - xã hội, đến nay nhiều mô hình đã được triển khai thực hiện, được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân đánh giá cao, điển hình như các mô hình: nhóm hộ gia đình nuôi cá Tầm, cá Hồi tại các Bản Dền Sung, Sàng Ma Pho, xã Sin Suối Hồ; Chăn nuôi Bò sinh sản tại Bản Nhóm II, xã Vàng Ma Chải; trồng Chanh leo tại các bản Pô Tô, Hồ Thầu, Huổi Luông 1/xã Huổi Luông, mô hình HTX Biên Cương bảo tồn và phát triển cây chè cổ thụ tại xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ; nuôi Lợn thương phẩm tại các bản An Tần, Pa Tần 3/xã Pa Tần, huyện Sìn Hồ; mô hình nuôi bò tập trung tại bản Tân Biên, Mu Chi xã Pa Ủ, huyện Mường Tè....Việc triển khai các mô hình giúp dân ở các Đồn Biên phòng đã làm chuyển biến nhận thức trong Nhân dân biết tự chủ trong lao động sản xuất phát triển kinh tế gia đình, tích cực tăng gia, chăn nuôi có ý thức tự vươn lên, từng bước ổn định cuộc sống.
Từ các mô hình này, nhận thức của người dân đã thay đổi, tận dụng đất đai, không để hoang hóa, biết cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi để tăng thu nhập, tự vươn lên thoát nghèo, góp phần củng cố “thế trận lòng dân” vùng biên vững chắc.
T.H
Bình luận