Kiểm soát, xử lý xe quá tải, quá khổ
Xe hoạt động quá tải là một trong những yếu tố gây tai nạn giao thông nghiêm trọng. Khi chở quá tải, hệ thống thiết bị an toàn của phương tiện giảm hiệu suất, thậm chí mất tác dụng trong điều kiện thời tiết xấu hoặc đường xuống cấp, do đó, việc xảy ra tai nạn là điều khó tránh khỏi. Xe chở quá tải cũng khiến kết cấu của nhiều tuyến đường nhanh chóng bị xuống cấp, hư hỏng. Xe chở vật liệu xây dựng quá tải còn làm rơi cát, đá trên đường gây nên bụi bẩn, ô nhiễm môi trường, làm hư hỏng mặt đường và gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Tình trạng xe chở hàng quá tải trên địa bàn tỉnh chủ yếu lưu thông trên quốc lộ, tỉnh lộ, trọng điểm là các tuyến như quốc lộ 4D, quốc lộ 32, quốc lộ 279 và một số tuyến đường tỉnh đi vào các công trình xây dựng, nhà máy thủy điện, đường huyện ở vùng sâu, vùng xa. Các loại hàng hóa chở quá tải chủ yếu là nông sản, cát, đá, xi-măng, sắt thép làm vật liệu xây dựng công trình.
Theo thông tin từ các thanh tra viên giao thông, quá trình thực hiện nhiệm vụ trên tuyến giao thông cho thấy, các phương tiện thường hoạt động vào những khung giờ không cố định, né tránh lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát, dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý xe quá tải. Nhằm hạn chế tình trạng trên, lực lượng thanh tra Sở GT-VT kết hợp với Phòng CSGT - Công an tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Thường xuyên tổ chức cho doanh nghiệp, đơn vận tải ký cam kết không chở quá tải, quá khổ khi lưu thông phương tiện trên đường. Đồng thời, tiến hành cân tải tại trạm cân cố định cũng như lưu động.
Các công ty, doanh nghiệp ký cam kết chấp hành đúng quy định tải trọng xe.
Từ năm 2014 đến hết năm 2023, lực lượng thanh tra Sở GT-VT đã kiểm tra, kiểm soát 79.667 lượt phương tiện, trong đó 1.653 phương tiện vi phạm, xử phạt các phương tiện vi phạm 5,169 tỷ đồng; tước giấy phép lái xe có thời hạn đối với 341 trường hợp, tước phù hiệu 40 trường hợp, yêu cầu hạ tải 7.943 tấn hàng hóa. Nhờ sát sao địa bàn và nghiêm khắc xử lý vi phạm, tình hình vi phạm về tải trọng phương tiện giảm dần qua các năm. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý tình trạng vi phạm tải trọng của các lực lượng chức năng đã giúp nâng cao ý thức chấp hành quy định của Nhà nước về tải trọng đối với đa số các lái xe, các tổ chức, doanh nghiệp.
Tại Hội thảo nâng cao nhận thức kiểm soát tải trọng xe do Ban Quản lý Dự án 2 (Bộ GT-VT), Chương trình Aus4Transport phối hợp với Sở GT-VT tỉnh tổ chức tháng 5 vừa qua tại huyện Tân Uyên, các các công ty vận tải hàng hóa, xây dựng, khai thác mỏ trên địa bàn toàn tỉnh qua nghe tuyên truyền, phổ biến về quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ đã tiến hành ký cam kết đảm bảo tải trọng, kích thước thùng, thành xe khi tham gia giao thông trên tuyến. Bà Lê Thị Thanh Thảo - Giám đốc Công ty TNHH Quỳnh Trang cho biết: Là đơn vị khai thác mỏ đá và thi công xây dựng các công trình trên địa bàn huyện, chúng tôi có số lượng xe tải lớn để phục vụ công tác sản xuất, vận chuyển, kinh doanh. Tôi cam kết nghiêm chỉnh chấp hành và chỉ đạo đội ngũ lái xe xếp hàng hóa lên phương tiện theo đúng quy định cũng như chấp hành quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ. Thực hiện nghiêm việc xếp hàng hóa lên phương tiện theo phương án vận chuyền đã được phê duyệt; các phương tiện phải được phủ bạt, che đậy, đảm bảo các điều kiện về vệ sinh môi trường.
Cũng tại hội thảo trên, ông Lê Anh Tuấn - Phó Giám đốc Ban Điều hành Ban Quản lý Dự án 2 (Bộ GT-VT) nhấn mạnh: Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc đoạn qua địa phận tỉnh Lai Châu có ý nghĩa lớn trong giao thương kinh tế, phát triển giữa các tỉnh, các vùng. Do đó, ngoài công tác đầu tư xây dựng tuyến đường thì việc kiểm soát tải trọng xe và truyền thông nâng cao nhận thức về an toàn giao thông đường bộ cần phải được quan tâm, ưu tiên. Nhờ sự kết nối của Chính phủ, Chương trình kiểm soát tải trọng xe của Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc đoàn qua tỉnh Lai Châu đã được Chính phủ Australia thông qua Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) và Chương trình Aus4Transport tài trợ tại tỉnh Lai Châu. Chương trình có mục tiêu bảo vệ đầu tư cơ sở hạ tầng đường bộ; tăng cường an toàn trên các tuyến đường dự án; thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các công ty vận tải. Đặc biệt là nâng cao nhận thức và kiến thức về kiểm soát tải trọng phương tiện cho các công ty vận tải, khai thác mỏ và vật liệu; chủ xe tải, tài xế xe tải, nhà thầu thi công và người sử dụng đường bộ trong khu vực dự án…
Hệ thống giao thông là tài sản quốc gia, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, kết nối vùng miền, rút ngắn khoảng cách và thúc đẩy phát triển. Do đó, mọi tổ chức, cá nhân đều phải có trách nhiệm bảo vệ để các công trình giao thông đưa vào khai thác lâu dài, nâng cao hiệu quả đầu tư.
Thu Trang
Bình luận