Chủ nhật, 01/12/2024, 08:01 [GMT+7]

Tinh giản… "độ ì"

Thứ hai, 31/07/2023 - 11:33'
Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 3/6/2023 của Chính phủ về tinh giản biên chế đã chính thức có hiệu lực từ ngày 20/7/2023. Đây là một trong những nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Song để các quy định mới này đạt hiệu quả trong thực tế, vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

v



Tinh giản biên chế cần đi đôi với việc sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu quả. Ảnh: Thanh Lê

Giảm cơ học nhưng chưa gọn bộ máy

Nghị định số 29/2023/NĐ-CP đã bổ sung nhiều nội dung mới so Nghị định 108/2014/NĐ-CP, như: bổ sung đối tượng chưa tinh giản biên chế gồm những người đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, trừ trường hợp cá nhân tự nguyện tinh giản biên chế, những người đang trong thời gian xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị thanh tra, kiểm tra do có dấu hiệu vi phạm. Nghị định mới cũng bổ sung chính sách nghỉ hưu trước tuổi đối với cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính có tuổi thấp hơn tối đa đủ 10 tuổi và thấp hơn tối thiểu hơn năm tuổi so tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội…

Theo tổng kết, đánh giá của Bộ Nội vụ, kết quả tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 của cả nước là hơn 79 nghìn người, tuy đạt về chỉ tiêu số lượng nhưng vẫn chưa thật sự gắn với mục tiêu cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng: Ở nhiều địa phương, có sự cào bằng giữa các ngành nghề, khu vực dẫn đến việc có giảm số người nhưng chưa gọn.

Nhiều chuyên gia bày tỏ quan điểm: Việc bố trí người theo vị trí việc làm, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm chưa thật sự tốt, nên tinh giản biên chế thời gian qua mới chỉ là giảm cơ học mà chưa đạt hiệu quả cao về thực tiễn. Mục tiêu của tinh giản biên chế là nhằm tạo ra được bộ máy công quyền hoạt động hiệu quả trên cơ sở cơ cấu tổ chức tinh gọn, với số lượng nhân sự phù hợp, được vận hành một cách khoa học.

Cần sát tình hình thực tế

Quá trình triển khai công tác tinh giản biên chế ở nhiều đơn vị, địa phương đã xảy ra không ít vướng mắc. Nhiều đơn vị cấp quận, huyện, xã, phường công việc tăng nhiều, trong khi số lượng người làm giảm, làm gia tăng áp lực gây ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của cán bộ, công chức. Ông Hoàng Văn Lực, Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết: Phường Ngọc Thụy hiện có diện tích hơn 90 ha, lớn nhất trong các phường ở trung tâm Hà Nội, với dân số khoảng 43 nghìn người, có thể tách thành hai phường. Cũng không ít ý kiến cho rằng: Trong giai đoạn tới việc tinh giản biên chế cần thực hiện nghiêm hơn, không nên cào bằng giữa các địa phương, dẫn đến tình trạng có nơi người làm không hết việc, có nơi cán bộ thừa thời gian, đồng thời tránh xảy ra tình trạng "người cần không ở, người đuổi không đi".


Cũng liên quan công tác cán bộ, nhưng nhìn từ một góc độ khác, con số gần 40 nghìn công chức, viên chức xin nghỉ việc cơ quan nhà nước trong hơn hai năm qua cho thấy một thực trạng rất đáng suy nghĩ. PGS, TS Ngô Thành Can (Giảng viên cao cấp Học viện Hành chính Quốc gia) cho rằng, cùng với việc giảm người, chúng ta cần có chính sách khuyến khích, lựa chọn người đủ năng lực, dám nghĩ, dám làm.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh chia sẻ góc nhìn: Chúng ta quyết tâm tinh giản biên chế, nhưng mặt khác phải thu hút người có năng lực vào làm việc cho khu vực công, tránh tình trạng người có năng lực xin ra làm khu vực tư (được tính là tinh giản) hoặc người muốn chuyển việc, nghỉ việc nhưng lại không thuộc đối tượng tinh giản nên tìm cách để "được" đánh giá xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ và "được" tinh giản biên chế... Muốn như thế, chúng ta phải đưa ra được tiêu chí cụ thể về người có năng lực.

"Chúng ta tinh giản, nhưng vẫn phải thu hút người làm được việc, sắp xếp vị trí việc làm phù hợp. Thí dụ người có khả năng hoạch định chính sách mà lại bố trí người ta vào chân văn phòng chỉ lo công văn giấy tờ thì không được. Chúng ta phải tinh giản cả độ ì về cách nhìn nhận, đánh giá con người", chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Theo Bộ Nội vụ, thời gian tới, Chính phủ thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo yêu cầu của Nghị quyết số 27; ban hành các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài khu vực công; hoàn thiện các quy định về quản lý, sử dụng, tuyển dụng, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, công chức... Những chính sách này được xác định sẽ xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu hợp lý, hoạt động hiệu quả.

Cập nhập DIÊN KHÁNH/Thứ sáu, ngày 13/01/2023 - 07:24/ /https://nhandan.vn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...