Chủ nhật, 01/12/2024, 07:14 [GMT+7]

Đồng bào Dao một lòng theo Đảng

Thứ tư, 30/10/2024 - 16:18'
Sinh sống ở huyện vùng biên Phong Thổ, những năm qua, đồng bào dân tộc Dao luôn sắt son một lòng theo Đảng, khắc ghi lời dạy của Bác Hồ. Thể hiện ở việc, bà con không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa mới, góp sức đổi thay bản nghèo, xây dựng quê hương ngày càng no ấm, giàu đẹp.

Kỳ 1: Lời Bác là ánh sáng soi đường

Với nhân dân Việt Nam nói chung, đồng bào dân tộc Dao nói riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là người cha già đáng kính, vị lãnh tụ vĩ đại, người anh hùng giải phóng dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới. Những lời dạy, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là ánh sáng soi đường, “kim chỉ nam” cho mọi hành động, thúc giục mỗi người dân học tập và làm theo Bác hằng ngày, ngay từ những việc nhỏ nhất.

Khắc ghi lời Bác dạy
Theo số liệu thống kê của Phòng Dân tộc huyện Phong Thổ, đồng bào Dao là dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ đông nhất huyện với 36,6%. Trong đó, chủ yếu là dân tộc Dao đỏ và Dao tiển. Bà con sinh sống ở 67 thôn, bản thuộc 13/17 xã, thị trấn trong huyện, nhiều nhất là ở các xã: Ma Li Pho, Bản Lang, Sì Lở Lầu, Mồ Sì San, Hoang Thèn. Trong những năm qua, bà con cùng với đồng bào các dân tộc khác trong huyện như: Thái, Mông, Hà Nhì... đoàn kết phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống mới.
Đồng chí Trịnh Khắc Tấn - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Phong Thổ cho biết: Trong thời chiến, đồng bào dân tộc Dao anh dũng, kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giành lại độc lập, tự do cho đất nước. Hòa bình lập lại, đồng bào dân tộc Dao luôn khắc ghi lời Bác dạy về tinh thần đoàn kết các dân tộc, chung sức đồng lòng xây dựng quê hương cũng như phát huy đức tính cần cù, chịu khó, tiết kiệm và nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế. Ngoài ra, bà con luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, chấp hành nghiêm các quy định ở địa phương. Bà con giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thông qua việc lưu giữ chữ viết, tiếng nói, phong tục đón tết cổ truyền độc đáo, nét đẹp trong hát giao duyên, văn hóa ẩm thực hay tự tay làm những bộ trang phục truyền thống…”.

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được đồng bào Dao ở bản Thèn Sin (xã Ma Li Pho, huyện Phong Thổ) coi là “kim chỉ nam” để vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trong ảnh: Đồng chí Hoàng Quang Dùng - Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Thèn Sin, xã Ma Li Pho (thứ 3 từ phải sang) tặng ảnh Bác Hồ cho các hộ dân trong bản.

Chuyển biến trong đời sống của đồng bào thay đổi từng ngày tạo nên dấu ấn trên vùng biên giới, dù vậy vẫn có một số vấn đề cần được quan tâm. Đó là, một bộ phận nhỏ đồng bào còn khó khăn, tồn tại một số hủ tục: tục cấm bản; thách cưới bằng đồng bạc; con dâu ăn cơm không được ngồi ghế khi có bố chồng, anh chồng, em trai chồng; đám tang phải chọn ngày đẹp mới mang người mất đi chôn cất dẫn đến kéo dài thời gian tổ chức… Chính những điều này đòi hỏi đồng bào dân tộc Dao phải không ngừng nỗ lực cố gắng nhiều hơn nữa trên chặng đường phát triển.
Để lời dạy của Bác thấm sâu vào đời sống xã hội
Được biết, Huyện ủy Phong Thổ đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đa dạng hóa cách học và làm theo lời Bác, từ đó làm “kim chỉ nam” để đồng bào dân tộc Dao trong huyện mạnh dạn vươn lên, thoát nghèo, xóa bỏ hủ tục, hướng đến bắt kịp xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trước hết, là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nội dung Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW.
Đặc biệt, các cấp ủy lan tỏa tình cảm tốt đẹp, tấm lòng của Bác trong Thư gửi đồng bào và cán bộ Lai Châu ngày 12/12/1953. Ngoài những lời hỏi thăm, sẻ chia khó khăn, Bác còn căn dặn đồng bào và cán bộ phải: “Đoàn kết thân ái gúp đỡ lẫn nhau”, “Ra sức tăng gia sản xuất để mọi người được ấm no”. Các cấp ủy đẩy mạnh tuyên truyền lời dặn của Bác trong các cuộc họp, hội nghị, sinh hoạt chi bộ. Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong tuyên truyền, vận động người thân, dân bản. Khuyến khích nhân dân tùy theo điều kiện thực tế có cách làm phù hợp, điều quan trọng là khơi dậy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực, quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng.
Đồng chí Phạm Ngọc Hà - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ma Li Pho chia sẻ: “Xã có 5 dân tộc cùng chung sống là: Dao, Kinh, Thái, Hoa, Khơ Mú thì dân tộc Dao đông nhất, chiếm đến 81,5%. Trong những năm qua, để lời Bác được cụ thể hóa, thấm sâu vào cuộc sống, chúng tôi chỉ đạo tuyên truyền trong các hội nghị, buổi sinh hoạt chi bộ. Hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay thế diện tích chuối bị sâu bệnh bằng cây khoai sọ, ngô, sắn… kết hợp ứng dụng khoa học kỹ thật vào sản xuất. Yêu cầu cán bộ, đảng viên phải nêu gương làm trước”.

Đồng chí Lý Chỉn Lùng - Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Thèn Thầu, xã Bản Lang (thứ 2 từ trái sang) hướng dẫn đồng bào Dao trong bản kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả.

Song song với đó, Huyện ủy Phong Thổ chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các quy định phân cấp trong quản lý về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi gắn với giảm nghèo bền vững. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, dự án liên quan đến đồng bào dân tộc Dao như: giải quyết nhu cầu về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, nhà ở, việc làm, chuyển đổi nghề…
Sức mạnh của lòng dân
Với nhiều cách làm cụ thể, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng đi vào cuộc sống, tạo phong trào thi đua sôi nổi và làm thay đổi rõ nét trong nếp nghĩ, cách làm của đồng bào Dao huyện Phong Thổ. Dấu ấn đầu tiên là sự tiên phong của đồng bào trong phát triển kinh tế. Bà con mạnh dạn thay đổi phương thức canh tác truyền thống nhỏ lẻ, manh mún, tự cung, tự cấp sang sản xuất theo hướng hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ.
Khi nhắc đến một số cây trồng có diện tích lớn, sản lượng và giá trị kinh tế cao (chanh leo, chuối, dong riềng, khoai sọ) thì phần lớn đồng bào Dao tiên phong đưa vào trồng, mở rộng diện tích qua các năm. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã hình thành một số khu vực sản xuất tập trung các cây trồng trên ở các xã: Bản Lang, Ma Li Pho, Huổi Luông, Nậm Xe. Ở một số xã biên giới như: Mồ Sì San, Sì Lở Lầu, đồng bào Dao cũng là lực lượng chính để đưa cây dược liệu (thất diệp nhất chi hoa, sâm Lai Châu) vào trồng, mang lại nguồn thu lớn.
Chị Chẻo Lụ Mẩy ở bản Lả Nhì Thàng (xã Sì Lở Lầu) nói: Cuộc sống của gia đình tôi trước đây rất khó khăn nhưng nhờ học tập đức tính cần cù, chịu khó, tiết kiệm của Bác Hồ mà giờ đã có 7ha chanh leo, 5.000m2 cây dược liệu, vài chục con dê. Trừ chi phí, trung bình gia đình tôi thu lãi 300 triệu đồng/năm. Kinh tế khấm khá, vợ chồng tôi chăm lo được việc học cho các con; tái đầu tư phát triển kinh tế.
Đồng bào Dao ở huyện Phong Thổ còn nhận thêm công trình xây dựng nhà ở, thủy lợi, thu mua nông sản của người dân địa phương bán lại cho thương lái… để tăng thu nhập. Một số khác thì về các khu công nghiệp các tỉnh miền xuôi làm công nhân, thậm chí có người tham gia xuất khẩu lao động. Hiện nay, hầu hết đồng bào Dao trong huyện đã có nhà xây kiên cố, có phương tiện nghe nhìn, phương tiện đi lại, nhiều hộ mua được cả ô-tô, điều mà trước đây bà con chưa từng nghĩ tới.
Sự nỗ lực của đồng bào Dao cũng góp phần làm cho bức tranh kinh tế chung của huyện khởi sắc và đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới trong toàn huyện. Tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt trong 9 tháng năm 2024 là 8.026,7ha, sản lượng thu hoạch 17.160,7 tấn. Toàn huyện có 2.803,99ha cây ăn quả, 18,924ha cây dược liệu, 987,74ha dong riềng, 780,86ha khoai sọ, 2.823,32ha sắn. Thu nhập bình quân đầu người tăng dần qua các năm, nếu như năm 2020 đạt 30 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2023 tăng lên 41 triệu đồng/người/năm. Đến nay, huyện Phong Thổ có 4/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân đạt 12,31 tiêu chí/xã (tăng 2,37 tiêu chí/xã so với cùng kỳ năm 2023), 7 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 5 xã đạt dưới 10 tiêu chí. Diện mạo nông thôn khởi sắc từng ngày.r
(Còn nữa)

Thanh Hoa

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...