Thứ năm, 28/11/2024, 14:54 [GMT+7]
Học và làm theo Bác: Động lực để Lai Châu bứt phá, đổi mới, phát triển

Bài 2: Lan tỏa những mô hình, tấm gương người tốt, việc tốt

Thứ ba, 16/05/2023 - 15:16'
(BLC) - Khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác xây dựng, biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, tấm gương người tốt, việc tốt trong học tập và làm theo Bác, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.

1

2

Nhiều năm qua, mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” là một trong những hoạt động thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc được Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu triển khai nhằm cụ thể hóa việc làm theo Bác. Hiện nay, toàn lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh đang nhận đỡ đầu 55 cháu trong chương trình “Nâng bước em tới trường” và nhận nuôi 7 cháu trong chương trình “Con nuôi đồn biên phòng” trực tiếp tại các đồn biên phòng. Nhờ có mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” đã giúp nhiều em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn viết tiếp giấc mơ được tới trường, chia sẻ gánh nặng về kinh tế với các hộ gia đình nghèo ở vùng biên giới, đồng thời tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa cán bộ, chiến sĩ biên phòng với đồng bào các dân tộc.

3

Theo chia sẻ của Thiếu tá Nguyễn Minh Chức – Chính trị viên Đồn Biên phòng Thu Lũm, huyện Mường Tè: Từ năm 2009 đến nay, đồn đã tổ chức đón nhận nhiều cháu về nuôi dưỡng, tạo điều kiện ăn học tại đơn vị. Ngay từ đầu, khi đơn vị đón các cháu về nuôi dưỡng, chúng tôi đã thống nhất phân công đồng chí Phó Chính trị viên Đồn trực tiếp phụ trách chung, Ban Chấp hành Chi đoàn phụ trách việc dạy học, rèn luyện kỹ năng sống cho các cháu. Dưới sự giúp đỡ tận tình của các chú bộ đội, nhiều cháu tiến bộ trong học tập, đạt được thành tích cao.

Với phương châm “3 bám, 4 cùng” các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh còn hỗ trợ bà con vùng biên vươn lên thoát nghèo thông qua các mô hình phát triển kinh tế: nuôi lợn sinh sản, bò giống, trồng thảo quả… Trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh Covid-19, các đồn huy động tối đa lực lượng ứng trực ở các chốt, xử lý các hành vi xuất nhập cảnh trái phép, góp phần ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn tỉnh. Qua đó, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa bàn đóng quân và thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an toàn đường biên, mốc giới.

Mang trong mình những phẩm chất cao quý của bộ đội Cụ Hồ cùng tinh thần quả cảm, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ đã thôi thúc cựu chiến binh Vũ Văn Lâm - tổ dân phố 5 (thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên) khi hoàn thành nghĩa vụ, trở về địa phương tiếp tục cống hiến, hăng hái lao động sản xuất, đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước. Thực hiện lời căn dặn của Bác trong Thư gửi đồng bào và cán bộ Lai Châu “Ra sức tăng gia sản xuất để mọi người được ấm no", ông Lâm cùng gia đình mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế gia đình mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hiện nay, ông trở thành lá cờ đầu trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa ở Tân Uyên, với 3ha chè kinh doanh; 1.000m2 cây ăn quả; 500m2 bí xanh; 600m2 ao nuôi cá; 1.000m2 nhà lưới trồng rau sạch và chuồng trại chăn nuôi bò lấy thịt; sau khi trừ chi phí sản xuất, bình quân mỗi năm gia đình ông thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Không chỉ là tấm gương điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi, ông Lâm còn tự nguyện hiến 500m2 đất đồi chè để làm đường giao thông nông thôn. Năm 2022, ông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen đã có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Trong vườn hoa học tập và làm theo Bác phải kể đến những tấm gương nỗ lực vượt lên khó khăn của chị em phụ nữ Lai Châu tập trung phát triển kinh tế làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Điển hình như chị Tẩn Mý Dao (thị trấn Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ) là kĩ sư lâm nghiệp nhưng chị không theo sự nghiệp trồng rừng mà xác định hướng đi là bảo tồn và phát huy nguồn dược liệu quý của địa phương, nâng tầm và phát triển các bài thuốc quý của dân tộc.

4

Chị dành nhiều công sức để nghiên cứu, tìm hiểu, chế biến sản phẩm thuốc của dân tộc Dao phục vụ người tiêu dùng trên mọi miền đất nước. Năm 2015, chị nghiên cứu và thực hiện thành công đề tài khoa học “Nhân giống cây lá tắm bằng giâm hom”; đề tài là một trong 76 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học công nghệ tiêu biểu, được vinh danh trong sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2016 do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Khoa học - Công nghệ tổ chức. Năm 2019, chị thành lập Hợp tác xã Mý Dao với phương châm: Sản xuất chuyên nghiệp, chế biến sản phẩm chất lượng cao, mang đặc trưng của vùng cao nguyên Sìn Hồ. Đến nay, Hợp tác xã có 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao tỉnh Lai Châu: phong tê thấp gia truyền Mý Dao; dấm táo mèo, táo mèo khô, củ đương quy khô; củ đương quy tươi…

Chia sẻ với chúng tôi, chị Dao tâm niệm: Trong suốt cuộc đời của mình, bản thân tôi luôn khắc ghi lời Bác dạy "Không có việc gì khó. Chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển. Quyết chí ắt làm nên", vì thế, tôi luôn cố gắng sống và làm việc với lương tâm, trách nhiệm cao nhất; luôn tìm tòi, sáng tạo đổi mới các sản phẩm để mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng tốt nhất”.

5

Để việc triển khai Kết luận 01 – KL/TW đi vào thực chất, gắn với nhiệm vụ cụ thể của từng cấp, từng ngành, từng lĩnh vực, từng thôn, bản, tổ dân phố, toàn tỉnh xây dựng 1.093 mô hình thực hiện xuyên suốt trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó, 56 mô hình của các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; 22 mô hình cấp huyện và tương đương, 1.015 mô hình cấp cơ sở.

Nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả, tập trung đột phá vào các khâu yếu, mặt yếu, làm chuyển biến mạnh mẽ từ trong nhận thức đến hành động, tác phong, thái độ, trách nhiệm và văn hóa ứng xử của cán bộ, đảng viên đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào cuộc sống.

Lãnh đạo tỉnh thăm quan mô hình không gian văn hóa các dân tộc tại các trường học trên địa bàn xã Tà Mung, huyện Than Uyên.

Lãnh đạo tỉnh thăm quan mô hình không gian văn hóa các dân tộc tại các trường học trên địa bàn xã Tà Mung, huyện Than Uyên.

Tiêu biểu mô hình “Xây dựng câu lạc bộ bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc ở trường học tại các xã, thị trấn trong huyện” của huyện Than Uyên. Sau 2 năm thực hiện, các đơn vị trường học trên địa bàn huyện xây dựng không gian văn hóa và duy trì thực hiện việc học sinh, giáo viên là người dân tộc mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình trong giờ chào cờ đầu tuần, ngày lễ, hội; thành lập 23 câu lạc bộ bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc tại 23/23 trường tiểu học và THCS.

100% trường từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm, các hoạt động hướng về bảo tồn các giá trị văn hóa như: thi trình diễn trang phục dân tộc, trải nghiệm và thi gói bánh chưng đen, gói bánh gù, làm xôi ngũ sắc, tìm hiểu về các món ăn dân tộc… giúp các em hiểu được các nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, từ đó thêm yêu và giữ gìn bản sắc văn hóa để không bị mai một theo thời gian.

Ngoài ra, còn có nhiều mô hình hay, điển hình có ý nghĩa thiết thực, hiệu quả được xây dựng có sức lan tỏa trong toàn Đảng bộ: mô hình trồng chanh leo, trồng và chăm sóc chè của hội viên nông dân ở thị trấn Tân Uyên, xã Phúc Khoa, xã Mường Khoa (huyện Tân Uyên); “Cánh đồng không vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật” tại xã Bản Bo (huyện Tam Đường); nuôi cá thương phẩm tại xã Lùng Thàng (huyện Sìn Hồ); mô hình liên kết trồng sâm tại huyện Mường Tè; nuôi bò sinh sản tại các xã Nậm Hàng, Lê Lợi, Mường Mô và thị trấn Nậm Nhùn (huyện Nậm Nhùn); trồng và chăm sóc chè tại phường Quyết Thắng (thành phố Lai Châu)... 

Mô hình liên kết trồng sâm giữa doanh nghiệp và người dân trên địa bàn huyện Mường Tè.

Mô hình liên kết trồng sâm giữa doanh nghiệp và người dân trên địa bàn huyện Mường Tè.

Có thể khẳng định, việc thực hiện Kết luận số 01 của Bộ Chính trị ở Lai Châu thời gian qua đã để lại nhiều dấu ấn, ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu, dần trở thành ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của mỗi tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, của từng cán bộ, đảng viên và người lao động trên địa bàn tỉnh. Nổi bật là khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển Lai Châu trong mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng Nhân dân. Tuy nhiên, một số đơn vị chưa quyết liệt triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, đột phá; việc quán triệt, học tập, tuyên truyền, xây dựng kế hoạch thực hiện ở một số cơ quan, đơn vị còn chậm, có nội dung chưa sát với chức năng, nhiệm vụ của ngành, địa phương, đơn vị; công tác phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng những điển hình tiên tiến có thời điểm chưa được quan tâm đúng mức.

6

Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu xác định: Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo Bác; tạo chuyển biến mạnh mẽ từ “học tập” sang “làm theo”, hiện thực hoá bằng những chương trình hành động cụ thể, việc làm thiết thực, trong đó cần tập trung làm tốt 3 khâu: Học tập, làm theo Bác và nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị gắn với nhiệm vụ đột phá của giai đoạn 2021-2025, cụ thể là: “Thực hiện nghiêm trách nhiệm nêu gương, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao ý chí tự lực, tự cường, khát vọng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đưa Lai Châu phát triển nhanh và bền vững”.

Nhờ những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc, đến nay việc học tập và làm theo Bác tiếp tục được phát huy, nhân rộng và lan toả. Đây sẽ là nền tảng, cơ sở để Lai Châu khơi dậy tiềm năng, sức mạnh nội lực trong toàn Đảng bộ tỉnh. Đồng thời tập hợp, tạo sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân, cùng nhau chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi mục tiêu “Xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế, xã hội đạt mức trung bình của cả nước”.

Hương Ly

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...