Di chúc của Bác Hồ - Nguồn ánh sáng không ngừng lan tỏa suốt 55 năm
"Còn non, còn nước, còn người
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”
Tâm nguyện thiết tha trong bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tỏa ra ánh sáng của tâm hồn cao đẹp chứa đựng "muôn vàn tình thân yêu” với nước với dân, kết tinh những giá trị trường tồn trong tư tưởng của Người về con đường duy nhất để non nước mãi vững bền, nhân dân được hạnh phúc.
Nguồn ánh sáng ấy đã không ngừng lan tỏa suốt 55 năm qua, là nguồn cổ vũ, động viên mạnh mẽ cho nhân dân Việt Nam và các dân tộc trên thế giới đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, tự do và hạnh phúc của con người, vững bước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, như đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới.
Cách nửa vòng Trái Đất, xa mà lại gần, các đại biểu Đảng Cộng sản Argentina có dịp ôn lại những lời căn dặn trước lúc đi xa của Người khi tham dự hội thảo nhân kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đối với quyền Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Argentina, Jorge Kneyness, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một di sản toàn diện về tư tưởng, đạo đức và phong cách trên nhiều phương diện, trong đó đặc biệt là việc luôn gắn lý luận với thực tiễn, mà cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời đại.
Trước hết, đó là di sản về tư tưởng và lý luận trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng Cộng sản, với các vấn đề cốt yếu nhưng quan trọng hơn cả là: "...cần phải giữ sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình."
Cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn đang thực hiện lời căn dặn ấy bằng cách quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đẩy lùi quan liêu, tham nhũng để lấy lại niềm tin của nhân dân. Đó là lý do quyền Tổng Bí thư Kneyness, kiêm Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Argentina, khẳng định những chỉ dẫn này đã giúp xây dựng một Đảng Cộng sản Việt Nam vững mạnh, dẫn dắt nhân dân đấu tranh chống lại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước.
Di chúc của Bác còn nổi bật tư tưởng về đoàn kết trong phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Quốc tế Cộng sản đối với cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới.
Nghiên cứu sâu vấn đề này, nhà sử học Brazil Pedro Da Oliveira thấm thía rằng tư tưởng của Người đã đóng góp to lớn cho phong trào cộng sản quốc tế và vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay.
Nhà báo Gaston Fiorda, tác giả cuốn sách "Việt Nam, biên sử kháng chiến”.
Cùng quan điểm, nhà báo Argentina, Gaston Fiorda, người có nhiều năm nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, đánh giá cao tư tưởng tiến bộ của Bác về sự nghiệp cách mạng của Việt Nam và thế giới, khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử với vai trò một chính trị gia lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế.
Những gì Người để lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng và sâu sắc, tiếp tục cổ vũ nhân dân Việt Nam và các dân tộc trên thế giới đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, tự do và hạnh phúc của con người.
Ca ngợi tinh thần đoàn kết quốc tế Cộng sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có 30 năm hoạt động ở nước ngoài, bao gồm việc tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Uruguay, Juan Castillo khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những lãnh tụ cách mạng quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại.
Ông Juan Castillo nêu rõ thực hiện di huấn của Người, dân tộc Việt Nam ngày nay vẫn luôn nỗ lực đóng góp cho hòa bình, ổn định, đoàn kết giữa các dân tộc và phát triển ở khu vực và thế giới. Đây là điều cần thiết hơn bao giờ hết trong thế kỷ 21 đầy biến động này.
Giới học giả và chuyên gia quốc tế cũng nhất trí rằng Di chúc của Bác Hồ không chỉ là một văn kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng cho cuộc đấu tranh giành độc lập mà còn là một tài liệu có giá trị trường tồn về lý luận và thực tiễn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Đó là di sản về lý luận chiến tranh cách mạng chính nghĩa trước thế lực phi nghĩa. Mặc dù Bác viết Di chúc trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ đang diễn ra hết sức quyết liệt, nhưng Người khẳng định: "Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn.”
Nhà sử học Pedro Da Oliveira, Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Brazil-Việt Nam, lưu ý: "Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà dự báo thiên tài."
Ông nhấn mạnh với tầm hiểu biết sâu rộng, nắm chắc thời thế, mọi lời nói và nhận định của Bác luôn đi trước thời gian.
Đó còn là di sản về tư tưởng xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa và lý luận xây dựng đất nước sau chiến tranh.
Nhà nghiên cứu lịch sử và chính trị Việt Nam và đảng viên Đảng Cộng sản Anh Kyril Whittaker nhận định Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện lịch sử quan trọng, chỉ ra con đường phát triển cho dân tộc Việt Nam, đồng thời phản ánh niềm hy vọng của Người đối với đất nước và thế giới.
Nhà sử học người Anh John Callow - cựu Giám đốc Trung tâm lưu trữ, Bảo tàng Thư viện Marx tại London, chia sẻ Di chúc của Người vẫn luôn là một văn kiện lịch sử vô giá của dân tộc Việt Nam, không mang tính giáo điều, máy móc, mà là kim chỉ nam cho hành động và nguyên tắc chính trị, có tính chất như một "cương lĩnh chính trị” chứa đựng những giá trị vĩnh cửu nhờ sự kết tinh trí tuệ của một nhà tư tưởng lỗi lạc, là hướng dẫn hành động có thể vận dụng sáng tạo trong mọi tình huống.
Đồng tình với ý kiến trên, nhà báo Argentina, Gaston Fiorda cho rằng những thành tựu của Việt Nam sau gần 40 năm Đổi mới là nhờ di huấn của Người truyền cảm hứng cho các thế hệ lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng nuôi dưỡng khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và mở rộng hội nhập quốc tế.
Để ngày hôm nay, nhiều thế hệ Việt Nam tự hào về tầm vóc và vị thế Việt Nam vươn lên trở thành nền kinh tế nằm trong tốp 4 của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và trong tốp 40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong tốp 20 của thế giới, là một trong những nền kinh tế được đánh giá là năng động và có độ mở cao nhất thế giới.
Nhà báo Fiorda khẳng định, tư tưởng tiến bộ của Bác cho tới ngày nay vẫn còn nguyên giá trị, là "bệ phóng” cho các dân tộc trên thế giới tiếp tục đấu tranh cho hòa bình, tự do và hạnh phúc.
Cô Nguyễn Thị Lan Chi, Phó Hiệu trưởng Trường song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du.
Đối với nhiều người Việt xa xứ như cô giáo Nguyễn Thị Lan Chi - Phó Hiệu trưởng trường song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du, sinh sống 14 năm ở Lào, việc thực hiện Di chúc của Người được thể hiện trong công việc mỗi ngày.
Cô Lan Chi xúc động ôn lại Di chúc của Bác, khẳng định giá trị bền vững, lâu dài của tư tưởng Hồ Chí Minh trong Di chúc, không chỉ là ngọn cờ dẫn dắt sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, khơi dậy sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc trở thành nguồn động lực mạnh mẽ bảo vệ Tổ quốc, mà còn như ánh sáng soi đường thực hiện khát vọng phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Trùng Khánh - Tứ Xuyên thì chân thành bộc bạch: "Đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, cộng đồng người Việt Nam ở Trung Quốc nói riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là biểu tượng của độc lập, của tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất kiên cường."
Đúng như nhận định của Giáo sư, Tiến sỹ Thành Hán Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam, Đại Học Công nghiệp Chiết Giang (Trung Quốc), tư tưởng cách mạng kiên định, phong cách quả cảm và đạo đức cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã và đang ảnh hưởng đến nhiều thế hệ người dân, đặc biệt là giới trẻ Việt Nam.
Theo Giáo sư Thành Hán Bình, lòng yêu nước, thương dân, khát vọng độc lập của Người luôn soi đường cho các thế hệ thanh niên Việt Nam ra sức xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh. Nguồn sáng ấy vẫn soi rọi cho hôm nay và mai sau, bồi đắp thêm cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của Việt Nam.
Theo TTX
Bình luận