Giữ màu xanh trên cao nguyên đá
Vượt qua con đường dốc hơn 4km từ trung tâm huyện, chúng tôi đến với bản Trị Xoang, bản “cửa ngõ” của xã Tả Phìn. Hình ảnh đẹp nhất không phải là bản làng của người Dao đổi khác mà đó là những cánh rừng xanh tươi đang vươn lên từng ngày trên đồi, núi trọc năm xưa. Cây cối mọc um tùm, nhiều cây thân gỗ to, tán lá rộng, mọc vươn thẳng với sức sống mãnh liệt. Đó là minh chứng cho thấy con người đã biết chung sống với thiên nhiên, biết bảo vệ để cùng phát triển.
Là một xã vùng cao còn nhiều khó khăn, Tả Phìn là nơi sinh sống của đồng bào người Mông, Dao ở 9 bản. Anh Chẻo A Lù (bản Trị Xoang) cho biết: Trước đây, do cuộc sống quá đói nghèo, nhận thức hạn chế nên thấy gì có lợi cho cuộc sống là tận dụng hết, cả rừng cũng vậy, hết chặt phá đến đốt, lấn chiếm để làm nương. Khai thác hết, quanh bản chỉ còn cỏ tranh với đồi trọc, đến khi mưa lớn, nước từ các khe, sườn đồi đổ xuống gây thiệt hại cho bản. Nhờ chính quyền xã tuyên truyền, chúng tôi biết được rừng rất quan trọng, vì thế ra sức bảo vệ, không còn phá hoại nữa.
Quyết tâm trả lại màu xanh cho rừng, cấp uỷ, chính quyền xã đẩy mạnh công tác lãnh, chỉ đạo, thường xuyên trao đổi, họp bàn đưa ra các biện pháp cụ thể phù hợp với điều kiện thực tiễn. Trên tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, xã tăng cường tuyên truyền, giúp dân hiểu rõ về lợi ích của rừng, đồng thời giáo dục, răn đe những đối tượng có ý định phá rừng. Xã triển khai giải pháp xoá đói giảm nghèo, xây dựng các mô hình cụ thể, tìm hướng đi mới để nâng cao nguồn thu nhập cho bà con để không còn lệ thuộc vào rừng. Không chỉ có những buổi tuyên truyền tại bản mà xã còn phối hợp với các nhà trường tổ chức các buổi ngoại khoá cho học sinh đi tham quan môi trường tự nhiên, chăm sóc cây xanh hoặc các buổi tuyên truyền bằng hình ảnh để nâng cao nhận thức cho lớp trẻ. Mỗi lần xuống cơ sở, cán bộ xã rà soát thực trạng, đánh giá tình hình, đề xuất chỉ tiêu trồng rừng qua từng năm. Ngoài ra, duy trì tổ chuyên trách bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng ở các bản, tổ chức các buổi tập huấn để bà con biết cách ứng phó khi sự cố về rừng xảy ra.
Giữ cho cánh rừng thêm xanh, người dân bản Trị Xoang (xã Tả Phìn) thường xuyên phát dọn thực bì, phòng chống cháy rừng.
Có sự chung tay của nhân dân, rừng ở Tả Phìn ngày càng phát triển, diện tích đồi, núi trọc giảm dần qua từng năm. Từ đầu năm 2020 tới nay, toàn xã trồng và chăm sóc 263,93ha rừng, nâng tổng diện tích đất có rừng lên 2.279,37ha (trong đó, rừng tự nhiên 1.926,14ha, rừng sản xuất 1.360,66ha). Đặc biệt vào thời điểm mùa khô, xã không chỉ tăng cường công tác tuần tra, tuyên truyền mà còn xác định các khu vực dễ cháy, tính toán đến các phương án như: tìm nguồn nước gần nhất, huy động người chữa cháy, phát dọn thực bì làm đường băng cản lửa, sử dụng loa đài, kẻng báo động khi phát hiện điểm cháy. Đồng thời, vận động người dân tố cáo các sai phạm, ngăn chặn tội phạm phá rừng. Từ đầu năm đến nay, xã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện xử lý 7 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, trong đó có 3 vụ lấn chiếm đất rừng, phạt tiền 4,5 triệu đồng.
Ở các bản, ý thức người dân được nâng lên, khi đốt nương đều thông báo lên bản, xã để cử người trực. Khi phát hiện các đối tượng lạ mặt có hành vi phá rừng kịp thời thông báo đến lực lượng chức năng và ở bản nào cũng có quy ước về việc bảo vệ rừng. Nhờ vậy, rừng của xã ngày càng phát triển, tỷ lệ che phủ đạt 48,29%. Đặc biệt, mỗi năm, người dân trong xã hưởng lợi gần 1,2 tỷ đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Anh Tẩn A Chản - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Rừng phát triển đã góp phần thay đổi cuộc sống người dân và diện mạo của xã. Xã sẽ tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng, rà soát lại các diện tích đất trống để trồng rừng, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức nhân dân, nghiêm trị các hành vi vi phạm.
T.H
Bình luận