Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV
Dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; đại diện lãnh đạo các bộ ngành Trung ương…
Điểm cầu Lai Châu có các đồng chí: Giàng Páo Mỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Tiến Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, thành ủy, huyện ủy và UBND các huyện, thành phố…
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta.
Hội nghị đã xem xét, thảo luận và thông qua các báo cáo, dự thảo về: tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) năm 2020 và 5 năm 2016-2020, dự kiến phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới; đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và đề xuất, kiến nghị giải pháp hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn 2030; kết quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng năm 2020; tổng kết tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2020, các giải pháp chủ yếu thực hiện năm 2021…
Năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối của Kế hoạch 5 năm 2016-2020, năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và diễn ra nhiều sự kiện trọng đại khác của đất nước. Năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Với phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả” và với 138 nhiệm vụ phát triển KT-XH, 49 nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, Chính phủ đặt quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép" vừa quyết liệt phòng chống dịch vừa thực hiện nhiệm vụ kinh tế, chính trị.
Trên cơ sở đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kịp thời ban hành và chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả nhiều giải pháp trọng tâm để hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, khôi phục và phát triển các hoạt động KT-XH. Cụ thể như: hỗ trợ nền kinh tế, chia sẻ gánh nặng và khó khăn với người dân, giảm chi phí và áp lực tài chính ngắn hạn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người lao động, người dân bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu do ảnh hưởng của đại dịch covid-19. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư quan trọng quốc gia; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ về bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Việt Nam là nước có mức tăng trưởng dương cao nhất (2,91%) so với 5 nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Á, là 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới và được thế giới đánh giá cao. Nước ta đảm nhận thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 với số lượng văn kiện được thông qua lớn nhất từ trước đến nay; ký kết được Hiệp định RCEP có quy mô lớn nhất thế giới. Kiểm soát tốt dịch bệnh, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,23%. Nông nghiệp khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế trong khó khăn, tăng trưởng cả năm ước đạt khoảng 2,68%. Cả nước có trên 63% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng 3,36%. Xuất siêu cả năm ước đạt 19,06 tỷ USD. Chỉ số phát triển bền vững tăng 5 bậc, xếp thứ 49/166 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Giai đoạn 2016-2020, thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp. Nhất là năm 2020, vừa tập trung phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì, phục hồi và phát triển KT-XH, nước ta đã vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Đại hội Đảng lần thứ XII và đạt nhiều thành tựu trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Tốc độ tăng bình quân của khu vực công nghiệp và xây dựng ước đạt khoảng 7,5%, khu vực dịch vụ đạt khoảng 6,2%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 2.800 USD, gấp khoảng 1,3 lần so với năm 2015. CPI bình quân ước đạt 3,2%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá tăng 1,7 lần…
Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, bầu cử HĐND các cấp; năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025, các kế hoạch 5 năm theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Chính phủ đề ra một số chỉ tiêu KT-XH cần thực hiện: bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016–2020. Đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Chính phủ đề ra một số mục tiêu cụ thể: tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; GDP bình quân đầu người đạt 4.700-5.000 USD; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm; tỷ lệ đô thị hoá đến năm 2025 khoảng 45%. Tỷ lệ: lao động qua đào tạo đến năm 2025 là 70%; thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5% hằng năm.
Tăng cường quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế và vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Về các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy tăng tổng tích luỹ tài sản chiếm khoảng 27-28% GDP duy trì tỷ trọng tiêu dùng cuối cùng không thấp hơn 73-74% GDP; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32-34% GDP; tỷ lệ huy động nguồn ngân sách đạt 15-16% GDP; nợ công giảm dần, đến năm 2025 khoảng 47,5% GDP, nợ Chính phủ đến năm 2025 khoảng 43,8% GDP. Bội chi ngân sách nhà nước bình quân 3,7% GDP...
Tại Hội nghị, một số địa phương, bộ ngành, doanh nghiệp kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành các vấn đề liên quan. Trong đó, đại diện tỉnh Lai Châu, đồng chí Trần Tiến Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Chính phủ sớm ban hành cơ chế, chính sách cho thuê dịch vụ môi trường rừng để thu hút doanh nghiệp và người dân phát triển cây dược liệu dưới tán rừng bền vững, mở thêm hướng sản xuất, tạo thu nhập. Quan tâm, đưa Dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên kết nối thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) với huyện Tam Đường vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, thuộc danh mục dự án kết nối, có tác động liên vùng theo tiêu chí, định mức quy định tại Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng biểu dương, ghi nhận những quyết tâm cao và sự nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Đồng thời nhấn mạnh: Năm 2021, Chính phủ, chính quyền các địa phương và toàn hệ thống chính trị chủ động, tích cực quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện thật tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ngay từ đầu năm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ bằng những chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, phù hợp thực tế, tính khả thi cao. Thực hiện tốt kế hoạch hàng năm, kế hoạch 5 năm 2021-2025 gắn với Chiến lược 10 năm về phát triển KT-XH theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, góp phần xây dựng đất nước ta phát triển bền vững...
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Thời gian tới các cấp, ngành, lực lượng cần biến thách thức thành cơ hội, bắt kịp thời đại công nghệ 4.0, công nghệ số, không lùi bước trước khó khăn; phát huy hơn nữa sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để đưa đất nước phát triển hơn nữa, tạo nền tảng vững chắc trong những năm tới, nhiệm kỳ tới. Quán triệt nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (sẽ diễn ra vào tháng 1/2021); tiếp tục xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, quản trị có hiệu quả, phát huy sáng tạo. Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực tại chỗ, xuất khẩu lao động để đưa nền kinh tế phát triển nhanh bền vững.
Các Phó Thủ tướng, bộ, ngành tổ chức triển khai và xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể; các cấp thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ KT-XH. Tết Nguyên đán Tân Sửu sắp tới, không lơ là việc phòng chống Covid-19 đảm bảo đón tết bình yên. Không sử dụng xe công, tiền công vào các hoạt động vui chơi. Ổn định giá cả thị trường. Quan tâm hơn nữa công tác thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, người có công, người bị thiệt hại do thiên tai, đảm bảo đón tết trong đầm ấm, đủ đầy, không ai bị bỏ lại phía sau...
Vương Trang
Bình luận