Thứ năm, 28/11/2024, 14:38 [GMT+7]
Khúc hoan ca dưới đỉnh núi Cù Thàng

Kỳ II: Cuộc sống mới trên rẻo cao Tà Mung

Thứ ba, 22/10/2024 - 17:23'
(BLC) - Tin vào Đảng, nhà nước, làm theo lời Bác dạy, đi đúng hướng cấp uỷ, chính quyền đã chọn, hôm nay, đồng bào dân tộc Mông xã Tà Mung đã có cuộc sống mới tươi đẹp, hơn. Nhân dân vui mừng đoàn kết xây dựng nếp sống văn minh; gìn giữ bản sắc văn hoá truyền thống độc đáo của dân tộc. Qua đó, đồng lòng, góp sức cùng địa phương tạo dựng điểm đến du lịch hấp dẫn.

Khúc hoan ca dưới đỉnh núi Cù Thàng


02

Về các bản người dân tộc Mông sinh sống, từ Nậm Pắt, Hô Ta đến Đán Tọ, Tu San, Nậm Mở, chúng tôi thấy sự đổi thay rõ rệt. Những con đường bê tông sạch sẽ đang hiện hữu ở các bản với 2 bên hàng hoa tươi thắm. Những ngôi nhà khang trang, to đẹp thay thế mái nhà xiêu vẹo, lụp xụp ngày nào. Dưới mái hiên, nhà nào nhà nấy treo đầy bắp ngô vàng óng; chị em phụ nữ tươi cười thêu thùa, may đồ thổ cẩm.

Thênh thang bước trên con đường bản rợp cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới, chủ tịch UBND xã Tà Mung phấn khởi chia sẻ với chúng tôi về cuộc sống mới của bà con người Mông nói riêng và toàn xã nói chung. Sau những cố gắng của cấp uỷ, chính quyền, sự đồng lòng của người dân, bản người Mông hôm nay đã “khoác áo mới”.

"Chiếc áo mới” ở các bản người Mông không chỉ thể hiện rõ bằng cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông đầu tư đồng bộ từ bản đến vùng sản xuất nông nghiệp mà đó còn là bức tranh kinh tế đa dạng đang được bà con tô đẹp thêm từng ngày. Những thửa ruộng lúa bậc thang chín vàng óng ánh; hàng chè tươi non mơn mởn phủ xanh khắp các nương đồi; cây đào, lê vươn mình trong nắng mới; vùng trồng chanh leo sai trĩu quả; đến chuồng nuôi đầy gia súc, gia cầm…

Đến thăm vùng chè các bản Tu San, Đán Tọ, mảnh đất khô cằn năm 2018 ngày nào chúng tôi lên chỉ có cỏ dại mọc, nay đã trở thành đồi chè tốt tươi. Nhìn những đôi tay thoăn thoắt hái chè, nghe anh chị em nói chuyện cười râm ran, chúng tôi vui với niềm vui của bà con khi thêm một vụ chè thắng lợi. Anh Sùng A Súa ở bản Đán Tọ phấn khởi: Diện tích chè này trước đây gia đình bỏ hoang, năm 2018 được xã tuyên truyền, vận động, nhà nước hỗ trợ cây giống, phân bón, cán bộ hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, gia đình mạnh dạn trồng 7 sào chè. Đến nay, chè lên tốt lắm; cách hơn 1 tháng nhà tôi thu 1 lứa, mỗi lứa hái được 5-7 tạ, bán cho đơn vị thu mua với giá 7.000-8.000 đồng/kg. Thu nhập đều đều, giúp gia đình có cuộc sống tốt hơn để phấn đấu thoát nghèo vào cuối năm nay.

003

Đặc biệt, khi triển khai “Xây dựng nếp sống văn hoá mới trong vùng đồng bào dân tộc Mông”, 100% số hộ dân tộc Mông ký cam kết thực hiện với “5 việc phải làm và 5 việc không làm”.

Đến nay, gần 400 hộ người Mông đều chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; số vụ đánh nhau gây mất đoàn kết, mất trật tự giảm trên 97%; việc giữ nguyên truyền thống tôn kính tổ tiên được nhân dân chú trọng, đã có 8 hộ với 49 khẩu bỏ đạo, lập lại bàn thờ tổ tiên theo truyền thống dân tộc. 100% người dân đến Trạm Y tế chữa bệnh khi ốm đau; tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm 80%, tảo hôn giảm 90% so với năm 2018. Nhất là các hộ tổ chức đám ma tiết kiệm; cho người mất vào quan tài và chôn cất cẩn thận. 100% đồng bào không trồng cây thuốc phiện, không sử dụng công cụ hỗ trợ, súng săn tự chế; không di cư tự do, không chặt cây và đốt phá rừng làm nương rẫy; không nghe kẻ xấu tuyên truyền bỏ bàn thờ theo đạo trái pháp luật…

Ở 5 bản đồng bào dân tộc Mông sinh sống trên địa bàn xã hiện đã nhân rộng được những tấm gương tốt, mô hình, cách làm hay trong “Xây dựng nếp sống mới”. Tiêu biểu như: Mô hình nuôi gà đen của ông Lý A Sử bản Nậm Pắt, Chị Cứ Thị Sâu bản Hô Ta thu nhập 30 đến 35 triệu đồng/lứa; mô hình nuôi lợn sinh sản, lợn thịt của ông Mùa A Páo, bản Nậm Mở cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm; gia đình ông Mùa Dủ Vàng, bản Đán Tọ thực hiện tốt việc cưới xin theo cam kết…

05

Với diện mạo nông thôn khởi sắc, cùng sự quan tâm của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Huyện uỷ, UBND huyện Than Uyên đã hỗ trợ, đầu tư cơ sở hạ tầng để Tà Mung triển khai mô hình chợ phiên tại bản Nậm Pắt nhằm thu hút du khách đến với địa phương. Trong 2 năm qua, chợ phiên Nậm Pắt trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn trong và ngoài tỉnh, nhất là khách quốc tế.

Nằm ở độ cao trên 1.300m so với mực nước biển, Tà Mung có khí hậu quanh năm mát mẻ - nơi đây được ví như Sa Pa hay Đà Lạt thứ 2. Đến với xã vùng cao, du khách sẽ được trải nghiệm cung đường uốn lượn như một dải lụa vắt ngang những ngọn đồi; ngắm cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, nhất là lúc bình minh và chiều tà, khi ánh nắng chiếu xuống biển mây trắng, bồng bềnh giữa thung lũng, xung quanh là nhiều ngọn núi cao hùng vĩ.

006

Điều thích thú nhất ở Tà Mung là đi chợ phiên Nậm Pắt vào ngày cuối tuần giữa tháng và cuối tháng. Ở đây, du khách được hoà mình trong không gian văn hoá đậm đà bản sắc của đồng bào dân tộc Mông; ngắm nhìn những cô gái xinh xắn trong bộ trang phục truyền thống lộng lẫy nhảy múa; nghe các chàng trai thổi khèn, múa khèn; mê say điệu nhạc du dương. Thưởng thức món ăn ngon mang hương vị của đồng bào như: bánh giày, mật ong, mèn mén, bánh ngô cùng nhiều nông sản khác.

Kết hợp với chợ phiên vào mùa xuân, du khách còn trải nghiệm văn hoá của người Mông qua lễ hội “Gầu Tào”; check in trên cung đường đầy hoa đào sắc thắm, ngắm khung cảnh bình yên của bản làng trên Cầu Vàng. Vào mùa lúa chín, du khách thoả thích ngắm nhìn, tạo dáng bên những thửa ruộng bậc thang vàng óng ánh. Hưởng trọn không gian sống mát lành với mây trời, núi non, cảnh sắc và con người gần gũi, thân thiện, ấm áp tình thương.

Chị Nguyễn Việt Hà, ở thị trấn Than Uyên chia sẻ: Hầu hết các buổi chợ phiên Nậm Pắt, tôi đều lên có mặt cùng gia đình và bạn bè. Tôi thích không khí, văn hoá độc đáo ở đây; bà con người Mông rất vui tính, hiền lành. Đến đây, tôi được thưởng thức những món ăn ngon của đồng bào; xem múa khèn, ngắm nhìn các em bé xinh xắn và đáng yêu.

Được biết, trong 2 năm qua, trung bình mỗi năm, Tà Mung đón hơn 10.000 lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm; đông nhất là vào dịp lễ hội, Tết Nguyên đán và Tết độc lập. Để hoạt động chợ phiên được hiệu quả, thu hút du khách, các hộ dân người Mông cùng đoàn kết, gìn giữ vệ sinh môi trường; duy trì và phát triển các đội văn nghệ; đa dạng các trò chơi dân gian; gắn với ngày lễ, kỷ niệm tổ chức hội thi giã bánh giày, làm mèn mén, thi các môn thể thao dân tộc…

6

Có thể thấy rằng, từ niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, nhà nước, cấp uỷ chính quyền các cấp; lấy tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là kim chỉ nam, ánh sáng soi đường, chỉ lối, đồng bào dân tộc Mông xã Tà Mung nói riêng, huyện Than Uyên nói chung đã có tương lai sáng lạng hơn. Niềm tin ấy được già làng, trưởng bản, người có uy tín, đảng viên gương mẫu như ông Lý A Gia thắp sáng và truyền lửa cho những thế hệ trẻ sau này. Đó không chỉ là việc tuyên truyền, vận động bà con người Mông chăm chỉ phát triển kinh tế, gìn giữ văn hoá dân tộc mà còn thể hiện bằng một hành động tuy nhỏ nhưng đẹp, đầy ý nghĩa: treo cờ Tổ quốc, treo ảnh Bác Hồ ở những nơi trang trọng nhất trong gia đình.

Nhịp sống mới trên các bản vùng cao nơi đồng bào dân tộc Mông sinh sống đang hiện hữu từng ngày tươi đẹp biết bao; là khởi nguồn cảm hứng để các nhạc sĩ, nhà thơ sáng tác nhiều bài hay về mảnh đất, con người Tà Mung. Tiếng khèn vang vọng khắp đại ngàn với giai điệu của bài hát “Người Mèo ơn Đảng”: “Sao còn sáng trên trời ngàn đời ơn Đảng, bao đời nay sống nghèo tăm tối, nay đời sống dân Mèo từ đây sáng rồi” như thay lời muốn nói của người Mông nơi đây mãi mãi một lòng theo Đảng, Bác Hồ kính yêu.

05

Đinh Đông - Ngọc Duy

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...