Chủ nhật, 01/12/2024, 09:23 [GMT+7]

Nghị quyết thông qua tại kỳ họp tác động lớn đến đối tượng thụ hưởng

Thứ hai, 15/07/2024 - 17:37'
(BLC) - Tại Kỳ họp thứ hai mươi mốt, HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ xem thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, tác động lớn đến các đối tượng thụ hưởng. Phóng viên Báo Laichau Online phỏng vấn các đại biểu bên lề kỳ họp.

*Khai mạc Kỳ họp thứ hai mươi mốt, HĐND tỉnh khoá XV, nhiệm kỳ 2021-2026


Đồng chí Đao Văn Khánh – Chủ tịch UBND huyện Mường Tè: Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện các tiểu dự án thành phần của từng chương trình được triển khai hiệu quả, linh hoạt và đồng bộ. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án đối với một số nội dung thuộc các dự án sinh kế, hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc nguồn vốn sự nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Đối với các địa bàn thuộc khu vực I, tỷ lệ nguồn vốn hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương thấp (không quá 60%/dự án), tỷ lệ tham gia của người dân đóng góp lên trên 40% (đối ứng, quay vòng vốn) dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong việc các hộ đăng ký tham gia dự án. Đối với mức đối ứng nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thì huyện chỉ đáp ứng một phần nhỏ của chương trình chưa đáp ứng được tỷ lệ đối ứng theo Nghị quyết Sửa đổi, bổ sung Điều 5 Nghị quyết số 13/2022/NQ-HĐND ngày 28/6/2022 của HĐND tỉnh quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và mức đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Vì đối với huyện Mường Tè, nguồn lực đối ứng còn hạn hẹp, chủ yếu ngân sách thu từ nguồn thu sử dụng đất; nguồn tiết kiệm chi thường xuyên của huyện không nhiều; các nguồn khác cơ bản thụ thuộc cấp trên bổ sung về cho huyện. Vẫn biết còn nhiều khó khăn song huyện sẽ cân đối sử dụng nguồn vốn hợp lý nhất để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững cho người dân.

11

Đại biểu Chang Phương Thảo - Phó trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh: Qua rà soát tại thành phố Lai Châu và thị trấn Phong Thổ có một số tuyến đường, phố cần thiết phải được đặt tên để thuận lợi cho công tác quản lý hành chính, quản lý đô thị, giao dịch của nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố và thị trấn Phong Thổ. Tại kỳ họp thứ hai mươi mốt, HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ xem xét thông qua Nghị quyết đặt tên đường, phố trên địa bàn thành phố Lai Châu và thị trấn Phong Thổ (huyện Phong Thổ). Theo tôi nghị quyết này rất cần thiết, bởi đây là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng nhằm đáp ứng nguyện vọng của nhân dân địa phương đối với các tuyến đường, phố đã ổn định, lâu dài và cần được đặt tên cho phù hợp.

Với tiêu chí lựa chọn danh nhân, nhân vật lịch sử, địa danh có ý nghĩa tiêu biểu về mặt chính trị, văn hóa, xã hội để đặt tên đường, phố sẽ góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc đến các tầng lớp nhân dân. Đồng thời đáp ứng yêu cầu trong công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính của các địa phương.

12

Đồng chí Bùi Xuân Thu - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh: Tại Kỳ họp thứ hai mươi mốt, HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ thảo luận và thông qua "Nghị quyết chấp thuận tổ chức sắp xếp lại Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã tỉnh Lai Châu" để cụ thể hóa các chính sách của Trung ương về phát triển kinh tế tập thể (KTTT) hợp tác xã (HTX) là cần thiết và rất kịp thời.

Qua điều tra, khảo sát, các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh, dự kiến tổng nhu cầu vay vốn của thành phần KTTT tỉnh giai đoạn 2026 - 2030 có khoảng 210 dự án cần số vốn vay là 230 tỷ đồng. Trong đó, số vốn đề nghị vay từ quỹ là 96 tỷ đồng để thực hiện cho vay 125 dự án (trung bình mỗi dự án vay từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng). Hiện nay Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh (với số vốn hiện có là 20 tỷ đồng) đang tạm dừng hoạt động cho vay để thực hiện quy trình tổ chức sắp xếp lại theo Nghị định 45/2021/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động.

Khi "Nghị quyết chấp thuận tổ chức sắp xếp lại Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã tỉnh Lai Châu" được thông qua tại kỳ họp sẽ tạo điều kiện rất lớn cho các thành phần KTTT, kinh tế HTX được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi về lãi suất, giúp các đơn vị tháo gỡ khó khăn về vốn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Liên minh HTX tỉnh (cơ quan tham mưu quản lý về quỹ) mong muốn UBND tỉnh xem xét, sớm ban hành các văn bản trên cơ sở đề nghị của Liên minh HTX tỉnh và ý kiến của các sở, ngành liên quan để Quỹ hỗ trợ phát triển HTX đi vào hoạt động theo quy định hiện hành. Đặc biệt, giai đoạn 2025 - 2030, UBND tỉnh, HĐND tỉnh xem xét bố trí bổ sung thêm 20 tỷ đồng vốn điều lệ cho quỹ (từ nguồn chi đầu tư phát triển của tỉnh) để thực hiện cho vay, đáp ứng nhu cầu của các HTX, qua đó thúc đầy phát triển KTTT, HTX góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

13

Đại biểu Đại tá Phạm Hải Đăng - Phó Giám đốc Công an tỉnh: Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở được kiện toàn từ 3 lực lượng (bảo vệ dân phố; công an xã bán chuyên trách; đội trưởng, đội phó Đội Dân phòng). Trên địa bàn tỉnh sẽ thành lập 956 tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với 2.871 người tham gia. Việc kiện toàn, sắp xếp lại lực lượng về bản chất là việc hợp nhất các lực lượng, chức danh đang tồn tại để đồng bộ, thống nhất nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở địa bàn cơ sở; không phải là thành lập mới, không làm tăng thêm đầu mối, không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng khác. Việc bố trí, sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ mang lại những tác động tích cực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về ANTT.

Vì vậy,  khi chế độ, chính sách, an sinh xã hội cho thành viên Tổ bảo vệ ANTT ở cơ sở được đảm bảo và thực hiện chế độ bảo hiểm theo quy định có ý nghĩa động viên lớn, khuyến khích thành viên Tổ bảo vệ ANTT nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, giải quyết kịp thời, nhanh chóng các vụ, việc liên quan ngay từ cơ sở. Do đó, Nghị quyết Quy định tiêu chí thành lập Tổ; tiêu chí số lượng thành viên và chế độ chính sách, mức hỗ trợ đối với Tổ ANTT trên địa bàn tỉnh được thông qua tại kỳ họp sẽ có tác động tích cực và đạt hiệu quả cao trong quản lý nhà nước về ANTT trên địa bàn toàn tỉnh, giảm áp lực cho công an cấp tỉnh, huyện trong giải quyết các vụ việc ở các khu dân cư.

14

Đồng chí Sùng Lử Páo - Chủ tịch UBND huyện Tam Đường:  Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh xem xét thông qua Dự thảo Nghị quyết Sửa đổi, bổ sung Điều 5 Nghị quyết số 13/2022/NQ-HĐND, ngày 28/6/2022 của HĐND tỉnh quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương (NSTW) và mức đối ứng của ngân sách địa phương (NSĐP) thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, trong đó quy định cụ thể: "Hàng năm, NSĐP bố trí vốn đối ứng tối thiểu bằng 3% tổng NSTW hỗ trợ thực hiện chương trình (UBND các huyện, thành phố bố trí đủ vốn đối ứng cấp huyện để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được phân cấp giao cho các huyện). Theo đó, trong năm tới 2025, nếu thực hiện theo tỷ lệ mà Nghị quyết giao, thì ngân sách huyện sẽ gặp khó khăn do đang tập trung nguồn vốn NSĐP để thực hiện các nội dung đã được HĐND huyện thông qua nhằm đảm bảo mục tiêu kế hoạch giai đoạn.

Vì vậy, huyện Tam Đường đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét bố trí các nguồn vốn giao cho ngân sách huyện phù hợp có thể dùng để lồng ghép đối ứng thực hiện chương trình MTQG. Huyện sẽ tiếp tục huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, lồng ghép nhiều chương trình, nguồn vốn để quyết tâm thực hiện đảm bảo các mục tiêu giảm nghèo bền vững theo kế hoạch đề ra. Phấn đấu đến hết năm 2025, toàn huyện giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều bình quân trên 5%/năm; 100% xã thoát khỏi tình trạng xã đặc biệt khó khăn; 50% bản đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng bản đặc biệt khó khăn.

15

Đồng chí Đinh Gia Tăng - Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh: Khi Nghị quyết Quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm Y tế (BHYT) trong các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước thuộc tỉnh Lai Châu quản lý được thông qua tại kỳ họp thứ hai mươi mốt, HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ thay thế cho Nghị quyết số 47/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 của HĐND tỉnh về quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở KCB của Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Do vậy, nghị quyết được ban hành và áp dụng vào cuộc sống là rất cần thiết, vì sẽ giúp người dân chưa tham gia BHYT hiểu rõ hơn những chính sách ưu việt của BHYT mang lại. Bởi, BHYT không chỉ giảm bớt gánh nặng chi phí khi điều trị, mà còn đảm bảo cuộc sống của mỗi gia đình không may có người thân bị bệnh tật. Đây cũng là một chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước trong thực hiện mục tiêu công bằng xã hội cũng như bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Do vậy, tôi mong muốn, cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức phải tăng cường tuyên truyền, thông tin về chế độ chính sách BHYT của Đảng, Nhà nước đến mọi tầng lớp người dân trên địa bàn. Từ đó, giúp bà con tích cực, chủ động và tự nguyện tham gia BHYT để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.

Nhóm P.V

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...