Những luận điệu nguy hại hơn dịch bệnh
Vẫn cũ rích những chiêu trò “đục nước béo cò”
Hầu hết những người có lương tri chân chính không chỉ riêng ở Việt Nam mà các nước khác trên thế giới đều không mong muốn thiên tai, dịch bệnh xảy ra, vì đây là những thảm họa kéo theo những hệ lụy, hậu quả khôn lường. Nhưng khi không may xảy ra những hiện tượng bất lợi này, bất cứ quốc gia dân tộc nào cũng phải củng cố, tăng cường sức mạnh liên kết cả ở trong và ngoài nước nhằm phòng, chống, đẩy lùi để hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro, thiệt hại.
Là quốc gia láng giềng với Trung Quốc, nơi đầu tiên trên thế giới phát sinh dịch Covid-19, Việt Nam sớm nhận rõ những nguy cơ, hiểm họa của dịch bệnh này nên ngay từ đầu đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, kịp thời, chủ động khoanh vùng, cách ly, dập dịch một cách khẩn trương với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Đến nay, Việt Nam đã chữa khỏi được 16 bệnh nhân nhiễm covid-19 và nhiều ngày qua không ghi nhận thêm trường hợp nhiễm bệnh.
Khi những nỗ lực, kết quả bước đầu trong cuộc chiến với dịch Covid-19 của Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và cộng đồng quốc tế ghi nhận, thì một số cơ quan truyền thông nước ngoài vốn thiếu thiện chí với Việt Nam lại có những cái nhìn phiến diện, lệch lạc về công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở Việt Nam. Những trang tin này “tiền hô hậu ủng” cho một số đối tượng bất đồng chính kiến, cơ hội chính trị, bất mãn với chế độ đăng tải nhiều bài viết xuyên tạc tình hình chống dịch ở Việt Nam, thực chất là lồng ghép những lời lẽ, luận điệu nhằm xuyên tạc Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Vẫn là những chiêu trò “đục nước béo cò”, các đối tượng núp bóng “dân chủ”, “nhân quyền”, lợi dụng tình hình đất nước có thiên tai, dịch bệnh, sự cố để đưa ra những thông tin sai trái, độc hại, như: Việt Nam bị dịch Covid-19 tấn công là do bị lệ thuộc vào Trung Quốc, không dám cắt bỏ ngoại giao hoàn toàn với nước này nên để dịch bệnh từ đó tràn lan vào trong nước; trong khi Việt Nam còn nghèo, người dân còn khó khăn mà Nhà nước vẫn đi viện trợ khẩu trang, thiết bị y tế chống dịch cho nhân dân Trung Quốc là thiếu tính toán, không lo cho người dân nước mình. Chưa dừng lại ở đó, nhiều đối tượng còn tung tin Chính phủ Việt Nam thiếu minh bạch thông tin, che giấu sự thật số người bị nghi nhiễm, mắc bệnh Covid-19 ít hơn thực tế nhằm che mắt cộng đồng quốc tế. Lợi dụng việc các cơ quan chức năng một số địa phương xử phạt hành chính những người tung tin thất thiệt về dịch Covid-19 trên mạng xã hội gây hoang mang dư luận, có đối tượng lại rêu rao “chính quyền cộng sản Việt Nam bóp nghẹt tự do ngôn luận”, “đi ngược lại quyền tự do bày tỏ chính kiến” của công dân!
Và để quy kết xảy ra những vấn đề trên, các đối tượng đã suy luận một cách quái đản rằng: “Nguyên nhân sâu xa là do chế độ độc tài, đảng trị, nhà nước chuyên quyền nên người dân vẫn chưa thoát khỏi cảnh lầm than, mất quyền tự do, không được chăm lo sức khỏe, tính mạng chu đáo như người dân các nước khác”!
Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19/ Ảnh minh họa/qdnd.vn.
Sự tử tế, trách nhiệm làm nên vị thế, tinh thần Việt Nam
Đất nước Việt Nam đã trải qua mấy chục năm kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh. Dân tộc và nhân dân Việt Nam thấu hiểu, thấm thía hơn ai hết về giá trị của từng phút giây hòa bình, yên ổn và luôn mong muốn có một cuộc sống an lành, mưa thuận gió hòa, không bị tai ương từ thảm cảnh binh đao, dịch họa. Nhưng lịch sử mấy nghìn năm qua đã tôi luyện nhân dân Việt Nam trải qua các “lò lửa” kháng chiến giải phóng dân tộc và chống chọi với nhiều thảm họa thiên tai, dịch bệnh. Vì thế, dân tộc Việt Nam đã vượt qua mọi thử thách khắc nghiệt để tồn tại, phát triển như hôm nay.
Với một dân tộc đã kiên cường, anh dũng trải qua nhiều dông bão của thiên nhiên và thời cuộc như thế, không có lý do gì mà chúng ta không giành thắng lợi trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19. Nói như thế không có nghĩa là duy ý chí chủ quan, mà chúng ta hoàn toàn có niềm tin vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự điều hành nhanh nhạy, linh hoạt của Chính phủ và sự đồng tâm nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn xã hội trong cuộc chiến với dịch bệnh không kém phần cam go, phức tạp này.
Có nhiều bằng chứng để chúng ta khẳng định như vậy. Ngay sau Tết Nguyên đán 2020, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành chỉ thị nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch bệnh do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra. Từ tháng 1 đến nay, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã tổ chức họp hai ngày/lần nhằm đánh giá, theo dõi, kiểm soát dịch bệnh một cách sát sao để có biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả. Bộ Y tế đã thành lập 25 đội phản ứng nhanh; Bộ Quốc phòng thành lập 20 đội và đã thực hiện kết nối trực tuyến 21 bệnh viện với Bộ Y tế để thống nhất chỉ đạo, phối hợp trong chuyên môn, kịp thời ứng phó với diễn biến của dịch bệnh. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo 4 bệnh viện quân đội tuyến Trung ương sẵn sàng hỗ trợ, tham gia phòng, chống dịch bệnh.
Tất cả những động thái, việc làm này chứng tỏ Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành của Việt Nam đã, đang làm hết sức mình để phòng ngừa, kiểm soát bằng được tình hình dịch Covid-19. Nhờ thực hiện đúng phương châm “ngăn chặn triệt để, phát hiện sớm, cách ly ngay lập tức, khoanh vùng gọn và dập dịch triệt để”, đến thời điểm này, Việt Nam đã bước đầu khống chế thành công dịch bệnh, không để lây lan trên diện rộng.
Cũng trong thời điểm này, Việt Nam càng nêu cao và thể hiện rõ trách nhiệm cộng đồng quốc tế trong tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài việc tương trợ, chia sẻ với những khó khăn của nước bạn Trung Quốc, việc chúng ta kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, không để virus Covid-19 lây lan trong phạm vi nước mình, là góp phần cùng cộng đồng quốc tế nỗ lực ngăn chặn triệt để dịch bệnh nguy hiểm này trong khu vực châu Á. Ngày 28-2 vừa qua, trong buổi làm việc với lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, đại diện WHO và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (US CDC) đánh giá Việt Nam đã phòng, chống dịch bệnh với quyết tâm rất cao, các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, công khai, minh bạch; đồng thời mong Việt Nam chia sẻ với cộng đồng quốc tế những bài học kinh nghiệm về tổ chức cách ly, ngăn ngừa, điều trị dịch bệnh.
Tình cảm của người Việt với bạn bè quốc tế trong bối cảnh dịch bệnh đã phần nào thể hiện sâu sắc trong lá thư cảm động của hai cha con bệnh nhân Li Ding và Li Zichao bị nhiễm virus corona chủng mới từ Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc) gửi cho tập thể thầy thuốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) sau khi họ được chữa khỏi tại Việt Nam. Lá thư có đoạn viết: “Chúng tôi đã rời bệnh viện được 3 ngày rồi nhưng tâm trí dường như vẫn còn ở lại bệnh viện, nơi cha con tôi không thể quên được những ấn tượng tươi đẹp và sâu sắc mà Bệnh viện Chợ Rẫy đã để lại… Chúng tôi cảm nhận được chính lòng tử tế của các bạn đã cứu chúng tôi và chúng tôi sẽ ghi nhớ mãi mãi. Chúng tôi muốn nói lên từ tận đáy lòng mình rằng: Cảm ơn Việt Nam!... Dù đã rời về nước trong tiếc nuối, sự tử tế của các bạn sẽ luôn ở lại trong tim chúng tôi”.
Người Việt có câu: “Trong khó khăn, hoạn nạn mới hiểu lòng nhau”. Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng đã thấu hiểu lòng dân, ngày đêm lo lắng cho dân vượt qua những khó khăn trong thời điểm dịch bệnh. Nhân dân tin tưởng vào đảng bộ, chính quyền các cấp, cùng chia sẻ, gánh vác với đội ngũ cán bộ, đảng viên để từng bước đẩy lùi và kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19.
Kết quả này là minh chứng sinh động về ý Đảng, lòng dân, tình quân, nghĩa nước đã hòa quyện vào nhau tạo thành sức mạnh vô địch để vươn lên giành thắng lợi trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Đó cũng là bằng chứng thiết thực để bác bỏ, phủ nhận hoàn toàn những luận điệu sai trái, phản động của các thế lực thù địch lợi dụng thời điểm dịch bệnh để xuyên tạc, chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Theo THIỆN VĂN, https://www.qdnd.vn/chong-dien-bien-hoa-binh/thanh-tuu-nhan-quyen-viet-nam/nhung-luan-dieu-nguy-hai-hon-dich-benh-611212
Bình luận