Chủ nhật, 01/12/2024, 08:13 [GMT+7]

Phát huy tiềm năng, lợi thế thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội

Chủ nhật, 14/02/2021 - 05:20'
Vượt qua một năm với nhiều thách thức, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Nậm Nhùn luôn đoàn kết, đồng lòng khắc phục mọi khó khăn, trở ngại và đạt nhiều kết quả trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đời sống người dân được cải thiện về mọi mặt, văn hóa - xã hội phát triển, bản sắc văn hóa các dân tộc được giữ gìn và phát huy, giữ vững an ninh chính trị, chủ quyền biên giới quốc gia.

Đồng chí Hà Văn Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn kiểm tra công tác quy hoạch tại xã Nậm Ban.

Đồng chí Trần Quốc Khanh - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Nậm Nhùn cho biết: Năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Nậm Nhùn lần thứ II và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (giai đoạn 2016 - 2020). Trong bối cảnh đan xen những thuận lợi và không ít khó khăn, nhất là tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngay từ đầu năm các cấp, các ngành luôn xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình chỉ đạo, điều hành; chủ động tháo gỡ những vướng mắc, thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống thiên tai, dịch bệnh... phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo đà thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của xã hội.

Với phương châm phát triển kinh tế là trọng tâm, ngay sau thành công của Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Nậm Nhùn lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025, huyện kịp thời ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết đại hội, chỉ đạo, hướng dẫn các chi bộ, đảng bộ cơ sở xây dựng kế hoạch để cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Đối với ngành Nông nghiệp chú trọng cây trồng chủ lực (cây ăn quả, lúa, chăn nuôi đại gia súc, nuôi cá lồng…), ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo dựng một số mô hình hiệu quả. Đến hết năm 2020, tổng diện tích gieo trồng toàn huyện đạt gần 4.000ha, sản lượng lương thực có hạt đạt 12.157 tấn (đạt 101,3% kế hoạch, tăng 537 tấn so với năm 2019), khai hoang được 49,6ha (đạt 124% kế hoạch)…

Định hướng phát triển kinh tế bền vững, huyện chú trọng tạo cơ chế chính sách thông thoáng, trên cơ sở liên kết 3 nhà: đơn vị quản lý, doanh nghiệp và người dân để xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; kiểm soát, nâng cao chất lượng nông sản, ổn định khâu tiêu thụ. Đến nay, toàn huyện có 334,6ha cây ăn quả, diện tích trồng tập trung trên 150ha, trong đó chủ lực là xoài, nhãn, chanh leo, dứa…

Tận dụng diện tích tự nhiên lớn, nhiều khu vực chăn thả, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ, vốn vay ngân hàng chính sách xã hội, giảm nghèo bền vững, phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi. Hết năm 2020, tổng đàn gia súc toàn huyện đạt 26.130 con. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân làm tốt công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng… Đặc biệt là diện tích rừng trồng từ những năm trước và trồng dặm diện tích trồng rừng thay thế từ năm 2016, 2017 đảm bảo kế hoạch, tỷ lệ che phủ rừng đến hết năm 2020 đạt 55%. Rừng đã mang lại sinh kế cho người dân với nguồn lợi từ dịch vụ chi trả môi trường rừng.

Điểm nhấn trong phát huy tiềm năng, lợi thế từ sản xuất nông nghiệp của huyện là lĩnh vực nuôi trồng, khai thác thủy sản trên lòng hồ Thủy điện Lai Châu, Sơn La. Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền huyện trong hỗ trợ vốn, giống, kỹ thuật nuôi thả, cùng sự nỗ lực của người dân trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa các giống mới vào nuôi thả, đến nay toàn huyện có gần 60ha diện tích nuôi thả thủy sản; 324 lồng nuôi cá (tăng 184 lồng so với năm 2019), sản lượng khai thác, đánh bắt đạt trên 206 tấn.

Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục triển khai thực hiện, phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung huy động các nguồn lực trong dân, cùng với nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông phục vụ dân sinh, từ đó phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, huyện có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới; không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí; bình quân toàn huyện đạt 14,1 tiêu chí nông thôn mới/xã, tỷ lệ hộ nghèo còn 19,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt 28,5 triệu đồng/người/năm.

Kinh tế phát triển toàn diện là điều kiện để các địa phương quan tâm, chỉ đạo phát triển lĩnh vực văn hóa - xã hội. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đến cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đô thị văn minh” do Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phát động với nhiều cách làm hay, sáng tạo đã đổi thay nếp nghĩ, thói quen sinh hoạt của Nhân dân. Bộ mặt nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, bản sắc văn hóa truyền thống được gìn giữ, phát huy tinh thần đoàn kết cộng đồng. Năm 2020, toàn huyện có 82% hộ gia đình, 84% khu dân cư, 92% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn văn hoá. Kết cấu hạ tầng, trang thiết bị được đầu tư; đội ngũ y, bác sỹ nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, đội ngũ y tế thôn bản nhiệt tình, trách nhiệm... công tác khám, chữa bệnh từng bước nâng lên về chất lượng. Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện không ngừng nỗ lực, trọng tâm là chủ trương quan tâm giáo dục vùng sâu, vùng xa, biên giới, hệ thống trường lớp được sắp xếp tinh gọn; chất lượng phổ cập giáo dục và xóa mù chữ toàn huyện được nâng lên; đến nay toàn huyện có 15/31 trường đạt chuẩn quốc gia.

Phát huy vai trò nòng cốt trong công tác giữ gìn trật tự an toàn xã hội, giữ vững an ninh biên giới, lực lượng vũ trang huyện không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Công tác huấn luyện, diễn tập phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn được triển khai thực hiện có hiệu quả, sát thực tế. Khu vực phòng thủ huyện và nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận biên phòng toàn dân được củng cố; công tác quản lý đường biên, mốc giới được tăng cường, chủ quyền biên giới quốc gia giữ vững.

Những thành quả trên là minh chứng rõ nét cho những định hướng đúng, giải pháp, lộ trình và bước đi phù hợp thực tiễn địa phương cũng như sự đoàn kết, đồng lòng của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện nhà. “Bước sang năm 2021, năm đầu thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025. Huyện tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng khu trung tâm thị trấn Nậm Nhùn, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng nông thôn mới. Chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, trong đó tập trung phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu tại các khu vực được quy hoạch, kêu gọi và thu hút, khuyến khích phát triển chăn nuôi đại gia súc, thực hiện mỗi xã một sản phẩm (OCOP)... Phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, từng bước nâng cao dân trí và đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp… Quyết tâm hoàn thành thắng lợi mục tiêu Đại hội Đại biểu lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra” - đồng chí Trần Quốc Khanh, Bí thư Huyện ủy cho biết thêm.

Tuấn Hùng - Lò Dinh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...