Phóng viên tác nghiệp: Cần phải biết phát hiện “Cái đắt nhất”
Phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tác nghiệp tại nhà anh Vàng Văn Phủ - bản Hợp 1, xã Bản Lang, huyện Phong Thổ. |
Đã là nhà báo, ai cũng biết là phải thông tin những vấn đề bạn đọc quan tâm, chí ít phải giải đáp được “5W”, thế nhưng trong thực tế, trước vô vàn sự việc, tình tiết, số liệu ta không thể “cung” tất cả cho bạn đọc, mà phải chọn được “cái đắt nhất”. Năng lực chọn cái “đắt nhất ấy” chính là chỗ khác nhau về khả năng, trình độ mà nhà báo phải tự rèn luyện.
Ví dụ như khi dự một hội nghị, ta thấy báo cáo dày đặc những số liệu, đôi khi làm người đọc bình thường sẽ bị rối lên bởi những số liệu ấy, nhưng nhà báo thì không được rối. Nhà báo phải bình tĩnh để lựa chọn “cái đắt nhất” mà phản ánh. Nếu tóm tắt đủ các chương mục trong bản báo cáo hoặc nêu vấn đề trọng tâm mà báo cáo đề cập rồi đưa lên báo thì bài vẫn chỉ là bài báo cáo. Do đó, đòi hỏi nhà báo phải cân nhắc để nhận ra tình tiết gì, vấn đề gì đắt nhất từ bản báo cáo.
Đôi khi có một số sự việc, sự kiện bản báo cáo chỉ lướt qua nhưng chính sự kiện, sự việc đó lại là vấn đề đang được xã hội, địa phương đó quan tâm. Và nếu đó là vấn đề bức xúc thì phóng viên phải tìm hiểu thêm, tìm hiểu cả bên ngoài bản báo cáo nữa để hoàn chỉnh thông tin cung cấp cho bạn đọc.
Hay trong mỗi chuyến đi thực tế cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh xuống địa phương nào đó, nếu ta chỉ dừng lại phản ánh ý kiến lãnh đạo, đánh giá, động viên hoặc nêu lên những thành tích cùng với khó khăn cơ sở gặp phải thì vẫn chưa đủ… má còn phải chú ý phát hiện những vấn đề nổi cộm, bức xúc để giúp các đồng chí lãnh đạo, công chúng hiểu rõ, cùng nhau khắc phục mới đáng quý.
Bên cạnh đó, khi phát biểu ý kiến, các đồng chí lãnh đạo có thể đề cập nhiều vấn đề nhưng ta phải phát hiện vấn đề nào thời sự nhất hoặc bức xúc nhất, nan giải nhất… để phản ánh.
Ngoài ra, trong các chuyến đi cơ sở, bản thân phóng viên cũng có thể nhận được nhiều thông tin nhưng để có được thông tin đắt nhất cũng cần phải có kỹ năng, kinh nghiệp và điều quan trọng là phải sát dân, gần cơ sở. Có như vậy ta mới có được những thông tin đắt nhất. Tóm lại chúng ta phải phát hiện cho được cái tiêu biểu, giá trị, hấp dẫn nhất được bạn đọc quan tâm nhất để phản ánh.
Tuy nhiên để làm được những vấn đề trên, nhà báo cần trăn trở suy nghĩ nhiều cho đề tài của mình. Đi đâu, tiếp xúc với sự kiện nào, vấn đề nào nhà báo cũng phải nghĩ ngay đến “cái đắt nhất” trong đầu. Phải tích cực học, đọc, nghe, xem, phải đi sâu sát vào quần chúng để có sự hiểu biết rộng, để liên tưởng so sánh vấn đề sự kiện đó với vấn đề chung của cả nước, cả tỉnh, so sánh đối chiếu nó với các văn bản, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, nhà nước và địa phương. Làm được như vậy mới có đủ trình độ để phát hiện được cái “đắt nhất”.
Phương Lan
Bình luận