|
Đoàn công tác làm việc với huyện Sìn Hồ. |
Tại đây, Đoàn đã đến thăm và làm việc với Đảng ủy, chính quyền các xã Nậm Hăn, Tủa Sin Chải, Làng Mô; thăm vườn cây cao su Nậm Cuổi; thăm, tặng quà cho Đảng bộ, chính quyền xã Tả Ngảo; làm việc với huyện Sìn Hồ về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 9 tháng năm 2010, tình hình thực hiện kế hoạch trồng cây cao su, công tác xây dựng cơ bản khu vực thị trấn huyện, công tác xây dựng Đảng sau Đại hội Đảng bộ huyện khóa XVI.
Qua kiểm tra thực tế tại một số xã và nghe báo cáo của huyện Sìn Hồ, đồng chí Lò Văn Giàng – Bí thư Tỉnh ủy và các thành viên trong Đoàn công tác cơ bản đồng tình và đánh giá cao những kết quả mà các xã cũng như Đảng bộ, chính quyền nhân dân các dân tộc huyện Sìn hồ đã thực hiện được trong 9 tháng năm 2010. Tuy nhiên, cũng qua kiểm tra thực tế, đánh giá các báo cáo và phân tích tình hình cụ thể cho thấy, tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng của huyện còn nhiều vướng mắc, nhiều vấn đề cần xem xét, tìm giải pháp khắc phục.
Trong 18 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2010 mà Đảng bộ huyện đề ra có 16 chỉ tiêu ước đạt và vượt kế hoạch, riêng 2 chỉ tiêu trồng mới 2.800ha cây cao su và trồng mới 300ha rừng trong năm 2010 khó hoàn thành.
Tính đến hết ngày 18/10, tổng diện tích cây cao su trồng mới trên địa bàn toàn huyện mới chỉ đạt trên 1.600ha, tổng diện tích rừng trồng mới được 202,28ha đạt 67,4%. Theo ông Lê Văn Thăng – Bí thư Huyện ủy Sìn Hồ, nguyên nhân khiến việc thực hiện 2 mục tiêu trên gặp khó khăn là do địa hình, cây giống, nhận thức của người dân và đặc biệt là khó khăn về lực lượng lao động. Ông Thăng cho rằng, với khả năng huy động nhân lực trong và ngoài huyện như hiện nay, việc trồng mới cây cao su mà huyện ước thực hiện cũng chỉ được khoảng 2.000ha/năm. Đây cũng là những khó khăn khiến việc trồng mới rừng trên địa bàn toàn huyện năm 2010 khó đạt kế hoạch.
|
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng Đoàn công tác thăm vườn cao su tại xã Nậm Cuổi. |
Tại buổi làm việc với huyện Sìn Hồ, Đoàn công tác cũng chỉ ra hàng loạt những hạn chế vướng mắc trong các lĩnh vực như: tiến độ thi công các công trình trên địa bàn toàn huyện, công tác quản lý các công trình sau thi công và đưa vào sử dụng, vấn đề cấp nước sinh hoạt, giao thông nội thị và nông thôn, vấn đề giải ngân, sử dụng vốn từ các chương trình mục tiêu, kiên cố hóa trường lớp học hay các vấn đề về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội…
Cụ thể như việc quy hoạch, triển khai thi công các tuyến đường, các công trình cơ bản ở các khu tái định cư Thủy điện Sơn La. Có những công trình đã kéo dài thời gian thi công trong suốt 8 năm như tuyến đường Tà Ghênh - Nậm Pậy mà vẫn chưa bàn giao xong; hay việc chậm tiến độ của các công trình trụ sở, trường học thuộc chương trình tái định cư tại xã Nậm Hăn. Hay như, việc quy hoạch đầu tư nhiều công trình nước sinh hoạt kém hiệu quả, việc quản lý các công trình sau khi đưa vào sử dụng chưa đảm bảo khiến các công trình nhanh chóng xuống cấp…
Theo báo cáo của Sở Tài chính cho biết: Tình hình thu, chi và giải ngân của huyện Sìn Hồ đến thời điểm này chậm và thấp. Chi ngân sách theo các chương trình mục tiêu chậm, hiện mới chỉ chi được 26 trên tổng số 47 tỷ đồng vốn đã được phê duyệt của cả năm 2010. Chi vốn xây dựng cơ bản và quyết toán chậm. Khá nhiều công trình đã bàn giao nhưng chưa được quyết toán, thẩm tra trên 60 dự án, có đến trên 40 dự án không đạt yêu cầu…
Bên cạnh đó, qua kiểm tra tại các xã và làm việc với huyện, Đoàn công tác còn chỉ ra những hạn chế trong công tác, an ninh trật tự, an toàn xã hội…
Đánh giá tình hình trên, đồng chí Nguyễn Khắc Chử - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Tình hình kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng của huyện Sìn Hồ trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực đáng ghi nhận. Tuy nhiên, về lâu dài huyện cần rà soát bổ sung quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội gắn với việc chuẩn bị chia tách huyện. Hiện tại, huyện cần sớm có kế hoạch, quản lý, phát triển tổng thể hồ chứa nước Hoàng Hồ; cần quản lý có khoa học về vấn đề khai thác khoáng sản, kiểm tra, rà soát việc cấp giấy phép khai thác cho các đơn vị; xem xét ngay việc nghiệm thu và bàn giao tuyến đường Tà Ghênh – Nậm Pậy để đưa vào sử dụng; tính toán và có phương án cụ thể về việc xóa phòng học tạm trên địa bàn toàn huyện. Đối với vấn đề giải ngân các công trình, huyện cần phân công cho một đồng chí phó Chủ tịch huyện chuyên trách phụ trách. Đối với các công trình huyện đề nghị đầu tư xây dựng mới, cần phải xem xét, cân đối các nguồn vốn cũng như khả năng quản lý sau khi triển khai thi công và đưa vào sử dụng; cần xây dựng quy hoạch tổng thể việc đầu tư, thi công tuyến đường Làng Mô - Tủa Sin Chải và xem xét việc xây dựng trường mầm non thị trấn Sìn Hồ…
|
Đồng chí Lò Văn Giàng – Bí thư Tỉnh ủy tặng quà cho xã Tủa Sín Chải. |
Tại buổi làm việc, đồng chí Lò Văn Giàng – Bí thư Tỉnh ủy đã có ý kiến chỉ đạo đối với huyện Sìn Hồ, đồng chí nhấn mạnh: Sìn Hồ là huyện có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội nhất so với các huyện trong tỉnh, là huyện có nhiều nguồn thu lớn trong tương lai. Trong thời gian qua, huyện đã tập trung triển khai thực hiện được nhiều việc lớn cho tỉnh như: Phát triển và trồng mới cây cao su, hoàn thành sớm và cơ bản ổn định được đời sống cho đồng bào tái định cư thủy điện Sơn La; quy hoạch và xây dựng các công trình cơ bản tại thị trấn huyện… Tuy nhiên, huyện vẫn còn rất nhiều khó khăn vướng mắc cần được khắc phục, giải quyết. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu: Đội ngũ cán bộ, lãnh đạo cần phải xem xét và nghiêm túc kiểm điểm lại trách nhiệm của mỗi cá nhân. Làm sao để nâng cao tinh thần đoàn kết nhất trí trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân để cùng nhau thực hiện và hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao; tiếp tục thực hiện tốt chương trình tái định cư, trồng và phát triển cây cao su; khai thác tiềm năng du lịch, phát triển cây dược liệu. Tăng cường củng cố, xây dựng Đảng và phát triển các tổ chức chính trị ở cơ sở; việc nào khó, việc nào chưa làm được thì tập trung bàn bạc tìm giải pháp; vướng mắc ở đâu thì tháo gỡ ở đó; tránh tình trạng trông chờ, ỉ lại; phải biết vươn lên tự lực, tự cường bằng chính nội lực, bằng thế mạnh của mình. Làm sao để có thể tận dụng và khai thác tối đa các tiềm năng thế mạnh sẵn có để phục vụ sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh, chính trị và đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Bình luận