Sôi nổi, thẳng thắn
Nâng cao chỉ số PCI thành phần đạt điểm thấp
Đại biểu Nguyễn Minh Hiệp - Phó Trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh: Các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2023 theo báo cáo bổ sung của UBND tỉnh cơ bản đạt và vượt so với báo cáo tại thời điểm tháng 12 năm 2023, còn 4 chỉ tiêu thành phần không đạt theo kế hoạch và đạt thấp hơn số dự ước.
Chỉ số PCI năm 2023 của tỉnh tăng 22 bậc so với năm 2022, xếp thứ 35 trên 63 tỉnh, thành trong cả nước. Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 đạt một số kết quả tích cực so với cùng kỳ năm trước... đó là sự cố gắng, nỗ lực rất lớn trong công tác lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, các sở ngành, địa phương, nhất là sự tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp vào hệ thống chính quyền.
Tuy nhiên, còn một vài chỉ số thành phần đạt điểm thấp thuộc lĩnh vực chủ trì, theo dõi của ngành Thanh tra (có doanh nghiệp vẫn bị thanh tra 3 lần/năm, cán bộ thanh tra, kiểm tra còn lợi dụng thực thi công vụ nhũng nhiễu doanh nghiệp); ngành Tài nguyên và Môi trường (thời hạn giải quyết thủ tục đất đai dài hơn thời hạn được niêm yết hoặc văn bản quy định; cán bộ tiếp nhận không hướng dẫn, thông tin dữ liệu không cung cấp kịp thời); ngành Tòa án (doanh nghiệp chưa thật sự tin tưởng vào tòa án và cơ quan trợ giúp pháp lý trong giải quyết các vấn đề về tranh chấp, án kinh tế) đạt thấp so với kế hoạch số 2429 ngày 4/7/2022 của UBND tỉnh.
Đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp để nâng cao chỉ số PCI thành phần đạt điểm thấp, qua đó tạo thuận lợi cho nhân dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Quan tâm, xây dựng thương hiệu các loại quả
Đại biểu Lý Anh Hừ - Bí thư Huyện ủy Mường Tè: Trong báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024 có đánh giá diện tích cây ăn quả các loại của toàn tỉnh là 7.707ha, tổng sản lượng thu hoạch ước đạt 21.500 tấn gồm các loại quả: chuối, mắc-ca và các loại quả có múi… Tuy nhiên, khi đến các chợ trên địa bàn thành phố Lai Châu không thấy bà con, thương lái giới thiệu những loại quả được trồng trên địa bàn tỉnh mà chỉ thấy giới thiệu như: quả mận của tỉnh Sơn La, huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai), xoài miền nam… Do vậy, có 2 vấn đề đặt ra, một là do người bán nhập ở những nơi đó thật, 2 là mượn tên thương hiệu các loại quả ở tỉnh bạn để giới thiệu cho sản phẩm của mình. Điều đó cũng cho thấy hàng năm tỉnh ta đều có tổng sản lượng cây ăn quả lớn mà chưa xây dựng được thương hiệu các loại quả mang tính đặc trưng của tỉnh.
Vì thế, tôi đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan cần quan tâm, lựa chọn xây dựng thương hiệu cho các loại quả mang tính đặc trưng của tỉnh. Từ đó vừa nâng tầm giá trị các loại quả trên địa bàn tỉnh, vừa nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Khắc phục khó khăn trong xử lý vi phạm hành chính
Đại biểu Phùng Thị Thanh Bình - Phó trưởng phòng Tư pháp huyện Sìn Hồ: Trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình vi phạm pháp luật về lĩnh vực lâm nghiệp xảy ra nhiều trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Nguyên nhân xảy ra vi phạm một phần là do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn kém, một phần là do khi xảy ra hậu quả (có người tử vong, cháy rừng lan rộng) mới phát hiện vi phạm để xử lý. Trong khi xử lý vi phạm hành chính đang có một số vấn đề khó khăn như: mức xử phạt vi phạm hành chính về tiền phạt trong lĩnh vực lâm nghiệp, khoáng sản, đất đai rất cao.
Người vi phạm không có tài sản dẫn đến các quyết định xử phạt không có khả năng thi hành và bị tồn đọng, kéo dài. Theo quy định tại Điều 77 Luật Xử lý vi phạm hành chính, điều kiện để được xét miễn, giảm tiền phạt là “cá nhân tiếp tục gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn và có xác nhận của UBND cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc”. Đây là quy định rất khó để thực hiện xét miễn, giảm.
Bên cạnh đó, việc xử phạt vi phạm hành chính về đất đai, khi tổ chức cưỡng chế thi hành án xong thì người bị xử phạt không có tài sản để chi trả cho việc cưỡng chế dẫn đến không thu hồi được số tiền mà Nhà nước đã bỏ ra để tổ chức cưỡng chế, gây tổn thất cho ngân sách Nhà nước.
Do vậy, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu đưa ra giải pháp khắc phục khó khăn trong xử lý vi phạm hành chính nêu trên.
Tăng cường tuyên truyền phương thức, thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng
Đại biểu Lò Văn Biên - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên: Hiện nay, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp.
Đặc biệt, một số đối tượng giả danh cán bộ công an, tòa án, ngân hàng… để thực hiện hành vi đe dọa, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Công tác đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này đang gặp nhiều khó khăn do đặc thù hoạt động trên không gian mạng, các đối tượng sử dụng các địa chỉ truy cập ảo để giao tiếp với người bị hại qua mạng xã hội: Facebook, Zalo và số điện thoại… Các đối tượng thường xuyên thay đổi thông tin điện thoại, tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, nơi cư trú. Khi bị phát hiện, tố giác hoặc cơ quan chức năng theo dõi, chúng xóa bỏ dữ liệu, hủy bỏ thiết bị.
Để tăng cường phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này, cần tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền nhân dân những phương thức, thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng của các đối tượng. Từ đó, nâng cao ý thức, chủ động phòng tránh.
In sách tài liệu giáo dục địa phương
Đại biểu Đồng Thị Nghĩa - Phó Ban Văn hoá, Xã hội - HĐND tỉnh: Giáo dục địa phương là một trong những môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018. Nội dung giáo dục địa phương được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho các địa phương biên soạn tài liệu, kế hoạch giảng dạy sao cho phù hợp tình hình từng địa phương, vùng miền.
Hiện nay, tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lai Châu đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận để đưa vào giảng dạy. Tuy nhiên, kết thúc năm học 2023 - 2024, sách tài liệu giáo dục địa phương vẫn chưa có. Qua thực hiện khảo sát, giám sát, các trường học dạy bằng bản PDF từ tháng 12 năm 2023. Thực tế, tại nhiều trường học, mỗi cô giáo chỉ có một cuốn tài liệu giáo dục địa phương để giảng dạy; trường không có đủ kinh phí để phô tô tài liệu cho học sinh. Không có tài liệu giáo dục địa phương đã ảnh hưởng rất lớn đến việc dạy và học, chất lượng giáo giáo dục; các em bị thụ động trong việc tiếp nhận kiến thức.
Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh quan tâm có các giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc in sách tài liệu giáo dục địa phương. Mong rằng năm học 2024 - 2025, tài liệu giáo dục địa phương lớp: 8,9,10,11,12 sẽ có bản chính thức để học sinh, thầy cô giáo được tiếp cận học tập, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện đúng thời gian thi công đường nước sinh hoạt
Đại biểu Chang Phương Thảo - Phó Trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh: Thời gian qua, cử tri xã Mường Than (huyện Than Uyên) kiến nghị với UBND tỉnh chỉ đạo Công ty Cổ phần Nước sạch Lai Châu kiểm tra, đẩy nhanh tiến độ thi công đường nước sinh hoạt cho bản Cẩm Trung.
Hiện nay, tiến độ thi công rất chậm, mới được khoảng 500 trên 800m đường ống trục chính, dòng nước yếu không đảm bảo phục vụ sinh hoạt cho các hộ gia đình và xem xét mức giá lắp đặt đồng hồ cho phù hợp nhằm tạo điều kiện để các hộ dân khó khăn sớm có nước sạch sử dụng.
UBND tỉnh cũng trả lời 300m đường ống trục chính thuộc dự án đầu tư năm 2024, hiện nay đã hoàn thành các quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu và dự kiến thi công hoàn thành trong quý III năm 2024. Sau khi hoàn thành sẽ kết nối đồng bộ toàn hệ thống mạng lưới và cấp nước được tốt hơn, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước của các hộ gia đình.
Do đó, đề nghị UBND tỉnh đôn đốc để thực hiện đúng thời gian thi công đường nước sinh hoạt như giải trình vì nội dung này cử tri xã Mường Than đã kiến nghị nhiều lần và rất bức xúc vì thiếu nước sinh hoạt nhiều năm nay, nhất là trong mùa khô.
Sớm bố trí vốn thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới
Đại biểu Tẩn Thị Quế - Bí thư Huyện ủy Tam Đường: Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, có 2 huyện Tam Đường, Than Uyên sẽ đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào năm 2025. Tuy nhiên từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trong phân bổ kế hoạch vốn chưa thực sự ưu tiên cho nhiệm vụ này. Trong khi đó các xã được công nhận NTM giai đoạn 2015 - 2020 còn nhiều tiêu chí nợ liên quan đến ngân sách.
Trong tờ trình đề nghị ban hành Nghị quyết về dự kiến kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2025, 2 huyện Tam Đường, Than Uyên được phân bổ với tổng kinh phí là trên 74 tỷ đồng để thực hiện chương trình xây dựng NTM. Tuy nhiên, nguồn kinh phí này chưa phải là nhiều để thực hiện 19 tiêu chí NTM. Theo dự thảo nghị quyết thì đến đầu năm 2025 mới được phân bổ, tôi thấy là quá chậm, quá muộn và quá khó khăn cho việc thực hiện ở cơ sở. Bởi ngoài việc thực hiện các tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng NTM, huyện còn thực hiện chương trình xây dựng NTM nâng cao. Đến thời điểm này, chưa có cơ chế chính thức nào để hỗ trợ cho việc xây dựng NTM nâng cao.
Vì vậy, chúng tôi đề nghị, từ nay đến cuối năm 2024, UBND tỉnh, các sở, ngành tiếp tục quan tâm lãnh, chỉ đạo để 2 huyện thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng NTM, phấn đấu đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra.
Nhóm P.V
Bình luận