Thứ năm, 28/11/2024, 10:21 [GMT+7]

Tư tưởng của Bác thắp sáng vùng biên cương

Thứ ba, 29/10/2024 - 23:27'
(BLC) - Tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh không chỉ là kim chỉ nam cho toàn dân tộc Việt Nam mà còn là nguồn sáng dẫn lối, đặc biệt ở những vùng biên cương xa xôi của Tổ quốc. Trên dải đất biên giới Sì Lở Lầu (huyện Phong Thổ) - nơi còn nhiều khó khăn và thách thức, tư tưởng của Bác đã trở thành ngọn đuốc soi đường chỉ lối, thúc đẩy tinh thần đoàn kết, ý chí vươn lên, giúp người dân nơi đây xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc và gìn giữ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Bài 1: Khắc ghi lời Bác dặn 

Trong Di chúc, viết ngày 10/5/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Khắc ghi lời dạy của Bác, những năm qua Đảng bộ, chính quyền xã Sì Lở Lầu (huyện Phong Thổ) đã không ngừng vượt khó vươn lên, tự hào viết nên kỳ tích, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền. 

Kí ức đói nghèo 

Là xã biên giới, xa xôi nhất của huyện Phong Thổ, Sì Lở Lầu cách trung tâm huyện 80km, cách thành phố Lai Châu trên 100km. Nơi đây có 1.244 hộ, 6.236 nhân khẩu với 2 dân tộc anh em cùng sinh sống là dân tộc Dao và dân tộc Hà Nhì (trong đó dân tộc Dao chiếm 67,9%). Sì Lở Lầu được hiểu theo tiếng người Dao tại địa phương có nghĩa là “12 tầng dốc”. Tên gọi ấy giúp chúng tôi phần nào hiểu được muốn đến được xã Sì Lở Lầu phải vượt qua chặng đường xa xôi với nhiều đèo dốc, núi cao nối tiếp núi cao. Từ đó, thêm cảm phục những nỗ lực vượt khó vươn lên của người dân nơi đây so với những xã vùng thấp.

Ông Tẩn Phủ Sài 81 tuổi, người dân bản Phố Vây kể cho chúng tôi nghe, từ năm 2000 trở về trước, nhắc đến Sì Lở Lầu ai cũng sợ bởi lẽ đường từ trung tâm huyện đến xã chỉ là đường mòn xuyên qua những cánh rừng, đi bộ đã khó chứ chưa kể đến vận chuyển hàng hóa, đồ dùng. Giao thông không thuận lợi, người dân có việc muốn đi xuống huyện thì phải đi 1 ngày trời. Đường khó đi nên hàng hóa vào xã rất ít, cửa hàng tạp hóa không có, người dân chỉ có thể tự túc tự cấp.

Địa hình dốc khiến việc canh tác của người dân bản Lả Nhì Thàng, xã Sì Lở Lầu gặp rất nhiều khó khăn.

Địa hình dốc khiến việc canh tác của người dân bản Lả Nhì Thàng, xã Sì Lở Lầu gặp rất nhiều khó khăn.

Cũng do địa hình núi cao, độ dốc lớn nên việc sản xuất nông nghiệp rất khó khăn phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. Diện tích lúa nước lúc bấy giờ chỉ sản xuất được 1 vụ. Trong khi đó, khí hậu khắc nghiệt, vào mùa đông nhiệt độ có thể giảm sâu gây các đợt rét đậm, rét hại. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho xã khó canh tác vào mùa đông, có những năm gia súc chết vì giá rét đến hàng trăm con, thiệt hại kinh tế rất lớn. Chưa kể mùa mưa, thiên tai bão lũ xảy ra, tình trạng sạt lở gây thiệt hại cả về người và tài sản.

Ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học, làm theo tấm gương Bác được Đảng bộ xã Sì Lở Lầu thường xuyên tuyên truyền trong các cuộc họp.

Hiểu được giá trị đạo đức của Bác Đảng bộ xã Sì Lở Lầu thường xuyên tuyên truyền trong các cuộc họp về nhiệm vụ học tập và làm theo Bác.

“Thời ấy đói nghèo, lạc hậu bủa vây lấy cuộc sống của người dân. Nhà cửa của bà con hầu hết là nhà tạm, trình tường, lợp ranh. Có khi có hộ còn thiếu đói đến cả nửa năm. Cả xã chỉ 1 trường tiểu học, diện tích nhỏ hẹp khoảng 50m2 có 4 giáo viên giảng dạy. Học sinh muốn học cấp 2 thì phải về tận xã Mường So học. Một số gia đình khó khăn thì các em phải nghỉ học giữa chừng. Người lớn cũng không khá hơn, không biết chữ, ít tiếp xúc với người ngoài nên khả năng nói tiếng phổ thông còn hạn chế… Điều này tạo nên rào cản rất lớn khiến nhiều người dân trở nên mặc cảm, rụt rè, thiếu tự tin khi giao tiếp. Đến năm 2010 toàn xã mới có điện ở 3 bản: Gia Khâu, Xín Chải, Thà Giàng. Trạm y tế là nhà gỗ, chỉ có 1 cán bộ y tế làm việc. Tệ nạn xã hội thời trước phức tạp, cao điểm năm 1995 cả xã có đến 50 người nghiện ma túy” – Anh Tẩn Sài Đông người dân bản Gia Khâu nhớ lại.

"Ngọn đuốc" soi đường cho xã nghèo phát triển

Giữa lúc cuộc sống chìm trong “bóng tối”, Sì Lở Lầu rất cần có hướng đi đúng để vực dậy và lời Bác dạy chính là "ngọn đuốc" soi đường cho xã nghèo phát triển. Đảng ủy xã một mặt mở hội nghị quán triệt sâu rộng các văn bản chỉ đạo của cấp trên về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mặt khác lãnh đạo chính quyền, các tổ chức Đảng, đoàn thể tích cực vào cuộc phối hợp với Mặt trận Tổ quốc tuyên truyền ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học Bác đến cán bộ, đảng viên, nhân dân. Trong tuyên truyền có nhấn mạnh những nội dung Bác căn dặn trong Di chúc, hướng dẫn người dân cách cụ thể hóa lời dặn của Bác, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động.

Cán bộ xã Sì Lở Lầu hướng dẫn người dân bản Tỷ Phùng bảo quản nông sản.

Cán bộ xã Sì Lở Lầu hướng dẫn người dân bản Tỷ Phùng bảo quản nông sản.

Đồng chí Tẩn Chỉn Su – Bí thư Đảng ủy xã Sì Lở Lầu cho biết, hàng năm chúng tôi đều có kế hoạch cụ thể cho việc học tập và làm theo tấm gương của Bác. Sau khi quán triệt, xã triển khai cho cán bộ, đảng viên đăng ký từ 1-2 việc. Nội dung đăng ký gắn với chức trách nhiệm vụ, công việc được giao; tập trung vào làm tốt 3 khâu: học tập, làm theo Bác và nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị. 

Để việc học Bác đạt hiệu quả cao, xã chú trọng nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả, gương người tốt, việc tốt, tập thể, cá nhân điển hình, tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác. Đồng thời, gắn việc học Bác với thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá".

Cán bộ xã Sì Lở Lầu hướng dẫn người dân bản Gia Khâu trồng cỏ, dự trữ rơm rạ làm thức ăn cho gia súc trong mùa đông.

Cán bộ xã Sì Lở Lầu hướng dẫn người dân bản Gia Khâu trồng cỏ, dự trữ rơm rạ làm thức ăn cho gia súc trong mùa đông.

Xác định kinh tế là yếu tố quan trọng, Đảng ủy xã phân công các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã đến từng bản để tuyên truyền, cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng bộ xã về phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Cán bộ xã, đảng viên thường xuyên bám bản động viên, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi.

Sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng, triển khai các mô hình kinh tế mới (nuôi lợn sinh sản, trâu sinh sản, trồng cây dược liệu, đưa lúa 2 vụ vào sản xuất…), hỗ trợ nhân dân cây con giống, kỹ thuật, máy móc để sản xuất. Ngoài ra, khai thác tiềm năng lợi thế về khí hậu mát mẻ, diện tích tán rừng lớn để phát triển cây dược liệu, mở rộng diện tích trồng chè cổ thụ…

Bản Tả Chải, xã Sì Lở Lầu đổi thay từng ngày.

Tư tưởng Hồ Chí Minh thực sự đã trở thành "ngọn đuốc" soi sáng, dẫn dắt Sì Lở Lầu vượt qua khó khăn, từng bước xây dựng cuộc sống mới. Những giá trị về tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường và lòng nhân ái đã khơi dậy khát vọng vươn lên mạnh mẽ, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững ở vùng biên giới xa xôi. Từ đó, tư tưởng của Bác không chỉ góp phần cải thiện cuộc sống vật chất mà còn bồi đắp niềm tin, ý chí và hy vọng, trở thành động lực giúp Sì Lở Lầu vững bước trên con đường hướng tới tương lai tươi sáng hơn, để mảnh đất biên cương - nơi địa đầu đất nước ngày càng khởi sắc.

(Còn nữa)

Thanh Hoa

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Khi người bệnh cần tiếp máu, tôi luôn sẵn sàng”
(BLC) - Đó là câu nói đầy ấn tượng của chị Trần Thị Thủy (công chức Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Tân Uyên) trong chương trình hiến máu tình nguyện và tôn vinh, khen thưởng các tập thể,...