|
Từ các nguồn vốn hỗ trợ trong chương trình xóa đói giảm nghèo theo Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy, nhiều hộ nông dân trong tỉnh được hỗ trợ giống cây trồng để sản xuất. Trong ảnh: Nông dân xã Bản Giang (huyện Tam Đường) nhận giống lúa.
|
Là tỉnh có nền kinh tế xuất phát điểm thấp, sau khi chia tách và thành lập (2004), kinh tế xã hội của tỉnh ta đứng trước nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế kém phát triển, tỷ lệ đói nghèo cao nhất cả nước (trên 63%), 74 /90 xã, thị trấn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Mức thu nhập bình quân đầu người không chỉ thấp mà còn chênh lệch khá lớn giữa các vùng miền, các dân tộc. Số hộ đói nghèo tập trung chủ yếu ở vùng cao, vùng xa. Nhiều dân tộc, tỷ lệ đói nghèo gần như 100% như Mảng, La Hủ, Si La, Khơ Mú...
Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức và tập quán canh tác lạc hậu của người dân, không biết làm ăn, thiếu vốn sản xuất, đất canh tác, thiếu lao động và tư tưởng trông chờ vào sự đầu tư của nhà nước vẫn còn nặng nề.
Trước thực trạng trên, bài toán đặt ra cho Đảng bộ tỉnh là xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm. Đây được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đấu có ý nghĩa to lớn đối với sự ổn định chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh của tỉnh. Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 05 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh.
Quan điểm chỉ đạo, mục tiêu của nghị quyết được đề ra một cách cụ thể, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Từ xoá đói, giảm nghèo đến giải quyết việc làm; từ tạo nguồn vốn, lồng ghép các chương trình của Trung ương, của tỉnh đến hướng dẫn người dân cách làm ăn, đào tạo tay nghề cho người lao động…
Cùng với đó, sự chỉ đạo điều hành của chính quyền, sự sát sao của Ban Chỉ đạo xoá đói giảm nghèo từ tỉnh đến cơ sở; sự vào cuộc của các ban, ngành đoàn thể, các tổ chức, cơ quan và sự đồng tình hưởng ứng của người dân đã nhanh chóng đưa nghị quyết vào cuộc sống, đến với từng thôn bản, từng hộ dân.
Nếu nhìn vào những con số cụ thể để đánh giá có thể thấy, trong một khoảng thời gian ngắn (5 năm), dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh mà cụ thể là sự lãnh, chỉ đạo trong công cuộc xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm, tỉnh ta đã có những bứt phá đầy ấn tượng về phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội. Năm 2005, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh trên 63% thì đến nay, con số này chỉ còn dưới 25%. Hay vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động, chỉ trong vòng 5 năm từ 2005 - 2009 đã giải quyết việc làm cho trên 20 nghìn lao động. Trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 30%. Từ nguồn vốn của các chương trình 186, 134, 135, 167 của Chính phủ và các chương trình khác của tỉnh đã hỗ trợ tấm lợp và làm nhà ở cho trên 24 nghìn hộ dân.
Đến nay cơ bản trên địa bàn tỉnh người dân đã xóa được đói, giảm được nghèo, tình trạng hộ gia đình phải sống trong nhà tạm, nhà tranh, tre, nứa lá không còn. Hỗ trợ sản xuất, khai hoang, cho hạng vạn hộ gia đình…
Có thể thấy kết quả của công cuộc xoá đói giảm nghèo ở tỉnh ta đang được chứng minh bằng chính những chương trình, những mô hình cụ thể. Ví dụ như chương trình phát triển cây cao su ở vùng thấp Sìn Hồ, một số xã của huyện Phong Thổ và các xã nằm ở ven sông Đà thuộc 2 huyện Sìn Hồ, Mường Tè. Hay việc phát triển rừng kinh tế ở các huyện Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên… Việc xây dựng cánh đồng 50 triệu/ha ở các cánh đồng: Mường Than (Than Uyên), Bình Lư (Tam Đường), Noong Hẻo (Sìn Hồ). Đến việc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi phát triển các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm ở các huyện Phong Thổ, Mường Tè… Những mô hình, những chương trình cụ thể đó tạo ra việc làm ổn định, đem lại thu nhập và sự ổn định cho cuộc sống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Nói như ông Lò Văn Tản – Bí thư xã Nậm Mạ (Sìn Hồ) - một trong những xã làm tốt nhất công tác xoá đói giảm nghèo của huyện Sìn Hồ: Từ Nghị quyết 05 của Tỉnh uỷ, người dân xã Nậm Mạ được hưởng các chương trình hỗ trợ của nhà nước về cây, con giống; được cán bộ huyện, tỉnh tăng cường về hướng dẫn bà con cách làm ăn … nhờ đó kinh tế của xã phát triển, trẻ em trong xã được đến trường… Đến nay xã Nậm Mạ đã thoát ra khỏi danh sách các xã đặc biệt khó khăn 135.
Đánh giá qua những con số, những mô hình hay những việc mà các địa phương đã thực hiện được cho thấy Nghị quyết 05 của Đảng bộ tỉnh là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, mang lại hiệu quả thiết thực.
Nếu nhìn nhận và đánh giá trên góc độ xã hội, sự thay đổi trong tư duy lao động của người dân sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết thì dấu ấn mà Nghị quyết để lại còn lớn hơn rất nhiều. Đơn cử như việc phát triển cây cao su, cây chè hay việc phát triển trồng rừng kinh tế, phát triển các mô hình. Nếu không có sự thay đổi trong tư duy lao động chắc hẳn sẽ chẳng có hàng nghìn ngày công của người dân tham gia, hàng vạn hécta đất được đóng góp khi tỉnh phát động chiến dịch trồng cây cao su, phát triển rừng kinh tế. Càng không có hơn sự thành công của các mô hình cánh đồng 50 triệu/ha hay các mô hình phát triển đại gia súc. Và nếu không có sự thay đổi trong tư duy sản xuất chắc hẳn người dân xã Nậm Mạ và nhiều xã khác sẽ chẳng bao giờ biết sử dụng các loại giống lúa lai sản xuất 2 vụ hay ngô lai để sản xuất ngô vụ đông…
Dù nhìn nhận, đánh giá ở góc độ của những con số cụ thể hay từ những dự án, những mô hình thực tế. Dù tất cả chưa phải là mĩ mãn, hoặc có thể vẫn còn những góc cạnh hạn chế nhất định nào đó. Song có thể khẳng định, Nghị quyết 05 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm của Tỉnh uỷ đã để lại những dấu ấn quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Góp phần làm thay đổi bộ mặt vùng nông thôn, miền núi các xã đặc biệt khó khăn; làm thay đổi nhận thức, trách nhiệm về xoá đói giảm nghèo của các cấp, các ngành và trong mỗi người dân.
Bình luận