Ứng phó với mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh
Lực lượng biên phòng giúp bà con bản Phố Vây, xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ khắc phục hậu quả thiên tai. Ảnh Bình Minh
Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia và Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Lai Châu, từ 06 giờ ngày 29/9 đến 06 giờ ngày 30/9 trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to, một số nơi có mưa rất to như: Tà Tổng 101,6mm, Hua Bum 66,8mm, Nậm Cần 65,4mm, Chăn Nưa 57,2mm,... Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các huyện: Than Uyên, Tân Uyên đã gần bão hòa (trên 80%) hoặc đạt trạng thái bão hòa. Dự báo trong những giờ tới trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối, sạt lở đất trên sườn dốc, sụt lún đất.
Thực hiện Công văn số 7328/BNN-ĐĐ ngày 28 tháng 9 năm 2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ứng phó với mưa lớn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao thực hiện các nhiệm vụ sau:
Theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn, lốc, sét và gió giật mạnh, nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Kiểm tra, rà soát, kiên quyết sơ tán, di rời các hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Đối với các điểm dân cư đã xuất hiện vết nứt, sụt lún như: Bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ; bản Pắc Pạ, xã Vàng San, huyện Mường Tè; bản Mường 1, bản Chiềng, xã Mường Kim, huyện Than Uyên; bản Pá Pha, Co Sản, xã Nậm Hăn, huyện Sìn Hồ: Yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện: Phong Thổ, Mường Tè, Than Uyên, Sìn Hồ chỉ đạo các phòng, ban của huyện, Ủy ban nhân dân xã có liên quan, Tổ xung kích phòng chống thiên tai xã tổ chức trực 24/24, cùng với Nhân dân trong bản thường xuyên kiểm tra các vết nứt và điểm sụt lún, thông tin kịp thời đến người dân để phòng, chống, hạn chế thấp nhất nguy cơ thiệt hại.
Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.
Chủ động kiểm tra, rà soát, có biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, thực hiện vận hành các hồ chứa theo đúng quy trình; cảnh báo sớm người dân vùng hạ du khi có nguy cơ xảy ra sự cố; đặc biệt đối với các hồ thủy lợi, thủy điện xung yếu, yêu cầu bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống.
Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Lai Châu, Cổng thông tin điện tử tỉnh tiếp tục cập nhật và đưa thông tin thường xuyên, kịp thời về diễn biến của mưa, lũ và các nội dung chỉ đạo của trung ương, của tỉnh để Nhân dân chủ động phòng tránh.
Tổ chức trực ban 24/24, thường xuyên đi kiểm tra tại cơ sở, phát hiện nơi có nguy cơ cao xảy ra thiên tai, có giải pháp triển khai ngay tại cơ sở; thường xuyên theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của thời tiết, kịp thời báo cáo về Ban chỉ huy tỉnh.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện
B.T
Bình luận