Lấy ý kiến vào Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)
Dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS) (sửa đổi) được xây dựng với nhiều điểm mới, trọng tâm là bảo vệ quyền con người, quyền công dân; xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời tiếp tục thể chế hóa chính sách hình sự trong các Nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết 49 về cải cách tư pháp. Điều này đặt ra yêu cầu cần sửa đổi toàn diện BLHS.
Đại biểu trao đổi ý kiến về Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) trong giờ nghỉ giải lao.
Thảo luận tại Hội nghị, hầu hết các đại biểu đánh giá Dự thảo BLHS (sửa đổi) là phù hợp với các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và với Hiến pháp, giải quyết những vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn cuộc sống. Đồng thời đóng góp ý kiến đối với các vấn đề trọng tâm trong Dự thảo BLHS (sửa đổi) như: Trách nhiệm hình sự của pháp nhân; phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên và các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội; bỏ hình phạt tử hình ở một số tội, quy định không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình trong một số trường hợp, quy định không giảm án đối với người bị kết án tử hình nhưng được ân giảm xuống tù chung thân; chuyển đổi hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn; bãi bỏ một số tội phạm và bổ sung một số tội phạm mới.
Một số đại biểu đề xuất sửa đổi, bổ sung bố cục, kết cấu, vị trí của các chương, điều, khoản, ngôn ngữ diễn đạt trong Dự thảo BLHS (sửa đổi).
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Tống Thanh Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần thực hiện tổ chức lấy ý kiến tham gia vào Dự thảo BLHS (sửa đổi) hạn cuối cùng đến ngày 15/9/2015. Các cơ quan chuyên môn làm tốt công tác tổng hợp ý kiến tham gia; cơ quan báo chí, tuyên truyền cần chủ động đăng tải rộng rãi nội dung về BLHS (sửa đổi) để đông đảo quần chúng Nhân dân biết và thực hiện.
Bùi Chiến
Bình luận