Thứ năm, 28/11/2024, 12:23 [GMT+7]

Vì sự nghiệp “trồng người”

Thứ sáu, 04/10/2024 - 20:02'
19 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” nơi vùng cao, từ lòng yêu nghề và năng lực chuyên môn vững, cô giáo Phùng Thuý Phương - giáo viên Trường Tiểu học và THCS Bản Hon (xã Bản Hon, huyện Tam Đường) có nhiều đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy, “chắp cánh” cho những ước mơ của bao thế hệ học trò. Đồng thời, nhận được sự kính trọng, tin yêu của đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh trong trường.

Cô giáo Phùng Thuý Phương quê ở xã Đồng Thái (huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội). Năm 2005, tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Điện Biên, cô giáo trẻ Thúy Phương quyết định lên nhận công tác tại Trường THCS Bản Hon (nay là Trường Tiểu học và THCS Bản Hon).
Trong câu chuyện, chúng tôi được biết, những ngày đầu nhận công tác tại xã Bản Hon, cô giáo Phương gặp nhiều khó khăn. Đó là giao thông đi lại chưa thuận lợi; trường không có điện lưới, không có nhà công vụ cho giáo viên, cô phải ở nhờ nhà đồng nghiệp. Dù thực tế rất khác so với tưởng tượng trước khi lên nhận công tác nhưng với quyết tâm bám trường, bám lớp cùng sự động viên, giúp đỡ của Ban Giám hiệu, đồng nghiệp và phụ huynh học sinh, cô giáo Phương dần quen và bắt nhịp với cuộc sống, công việc. Trong cái khó, ló cái khôn, buổi tối không có điện, ngoài thắp đèn dầu soạn bài, cô và đồng nghiệp còn tự chế đèn từ vỏ lon bia thắp sáng cho những lớp phổ cập giáo dục.

Cô giáo Phùng Thuý Phương hướng dẫn học sinh lớp 6 kiến thức môn địa lý.

Là giáo viên dạy môn sinh - địa, cô luôn cố gắng, nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ nhà trường, tổ chuyên môn giao. Đảm bảo học sinh tiếp thu bài học dễ dàng, cô đã tìm hiểu, áp dụng nhiều phương pháp dạy học hiệu quả. Cô Phương chia sẻ: “Tôi kết hợp phương pháp dạy học truyền thống và hiện đại, đặc biệt áp dụng công nghệ thông tin trong soạn giảng. Với đặc thù học sinh chăm chỉ, ngoan ngoãn, nhưng trong giờ học lại rất trầm, nhất là khi có các giáo viên dự giờ, thăm lớp lại càng nhút nhát hơn. Chính vì vậy, tôi áp dụng các phương pháp dạy học tích cực phù hợp với đối tượng học sinh như: hoạt động nhóm; hoạt động cặp đôi trong học tập, từ đó các em tự giác, tích cực hơn trong tham gia phát biểu ý kiến, xây dựng bài, thể hiện quan điểm cá nhân về các nội dung học tập. Địa lý là môn học tương đối khó, tôi hướng dẫn các em phương pháp sơ đồ hóa, sơ đồ tư duy và sử dụng thêm các mô hình, tranh, máy chiếu để tiết học sinh động, đạt kết quả cao nhất”.
Đối với nhiều học sinh vùng cao, môn địa lý khá trừu tượng, nhất là học sinh đầu cấp THCS. Vậy nên trong giờ học của lớp 6, cô giáo Phương đặt mô hình quả địa cầu tại lớp học để học sinh làm quen theo phương thức trực quan, đó là cách ghi nhớ dễ nhất. Là Tổ trưởng Tổ tự nhiên, cô luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước công việc, tập thể; phối hợp với các tổ chuyên môn khác nghiên cứu, tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học. Xây dựng kế hoạch hoạt động chung của tổ khoa học. Hằng tháng, xây dựng từ 1-2 chuyên đề, trong quá trình dạy học, nhất là thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các vấn đề giáo dục đạo đức cho học sinh hay dạy học tích hợp, tổ chức các hoạt động giáo dục, các thành viên trong tổ đều cùng nhau nghiên cứu phù hợp.
Từ năm học 2015-2016, cô giáo Phương được phân công ôn thi học sinh giỏi các cấp và hướng dẫn học sinh tham gia nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Cô tích cực học hỏi và tích luỹ kinh nghiệm để truyền đạt cho học sinh. Nhờ đó, những năm học qua, nhà trường có nhiều học sinh do cô phụ trách ôn luyện đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, huyện môn địa lý, trong đó có những em đoạt giải nhất, nhì học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh năm học 2022-2023, 2023-2024.
Song song với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, cô giáo Phương nhiệt tình tham gia các phong trào thi đua do công đoàn, nhà trường và cấp trên phát động, triển khai làm tốt công tác huy động học sinh ra lớp.
Cô giáo Đỗ Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Bản Hon đánh giá: “Cô giáo Phùng Thuý Phương có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc; có nhiều phương pháp dạy học hay, sáng tạo; chủ động, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nỗ lực khắc phục khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, cô còn nhiệt tình tham gia các phong trào do trường, ngành, huyện Tam Đường tổ chức, luôn nhận được sự kính trọng, tin yêu của đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh trong nhà trường; nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp. Đặc biệt, cô Phương vinh dự là “Nhà giáo tiêu biểu” năm học 2022-2023”.

Phương Thanh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...