Hoạt động văn hóa, giáo dục trong nhà trường góp phần xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện
Công tác xây dựng văn hóa học đường đã có nhiều chuyển biến tích cực; tạo niềm tin cho xã hội về chất lượng giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài góp phần đào tạo nên những thế hệ công dân tốt, có phẩm chất, năng lực, đạo đức, văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm học 2023 - 2024, toàn Ngành giáo dục có 337 trường (trong đó mầm non 113 trường; tiểu học 83 trường; Tiểu học và trung học cơ sở 29 trường; trung học cơ sở 81 trường; Trung học phổ thông 23 trường; trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên 8 trung tâm); 150.394 học sinh (trong đó MN 37.183 học sinh, TH 56.536 học sinh, THCS 43.181 học sinh, THPT 12.147 học sinh, TTGDNN-GDTX 1.347 học viên).
Nhận thức được tầm quan trọng của các hoạt động văn hóa, giáo dục trong nhà trường đối với việc xây dựng văn hóa, con người Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ngành Giáo dục đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu ban hành các văn bản chỉ đạo; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai, thực hiện hiệu quả các hoạt động văn hóa, giáo dục trong trường học. Kết quả đạt được cụ thể. 100% trường phổ thông duy trì, phát triển các câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao trường học trên cơ sở hướng dẫn tại Thông tư số 26/2017/TT-BGDĐT, Thông tư số 48/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo; 45/45 trường trong Đề án thành lập câu lạc bộ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong trường học và hoạt động hiệu quả; 100% các cơ sở giáo dục đã xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả bộ quy tắc ứng xử trong trường học; có 79% trường học đạt chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn; 100% thanh niên là học sinh các trường phổ thông được tham gia các hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng sống và kỹ năng mềm, tham gia các hoạt động lao động tập thể trong và ngoài nhà trường.
Bên cạnh đó, Ngành Giáo dục đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở từng cấp học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; các cơ sở giáo dục đã chú trọng xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch giáo dục môn học và các hoạt động giáo dục, kế hoạch bài dạy phù hợp với mọi đối tượng học sinh và điều kiện thực tiễn của địa phương, đảm bảo yêu cầu cần đạt của môn học, lớp học và phát triển phẩm chất, năng lực học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; kết hợp linh hoạt giữa dạy người, dạy chữ và dạy nghề, nhất là trong các cơ sở giáo dục trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên; các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển giáo dục nghề nghiệp được đưa vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Hội thi “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong trường học” được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Nhùn tổ chức nhằm bảo tồn, phát huy có hiệu quả giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện
Tỷ lệ trẻ em, học sinh trong độ tuổi đi học đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch (tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo đi học đạt 99,8%, tỷ lệ học sinh tiểu học đi học đúng độ tuổi đạt 98,8%, tỷ lệ học sinh trung học cơ sở trong độ tuổi đi học đạt 94,3%); chất lượng giáo dục học sinh các cấp học có chuyển biến tích cực: Đa số học sinh có phẩm chất đạo đức tốt, học sinh được trải nghiệm thực tế và có kiến thức, kỹ năng, biết vận dụng kiến thức đã học và thực tiễn đời sống; chất lượng kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2024 được nâng lên cả về số lượng và chất lượng (đoạt 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba, 8 giải Khuyến khích); 100% số trường đảm bảo chương trình giảng dạy thể dục thể thao nội khóa; 100% học sinh đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể theo quy định; học sinh các trường phổ thông được học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; 100% các trường triển khai thực hiện Tài liệu giảng dạy giáo dục địa phương theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; 92.4% nhà giáo đạt chuẩn trình độ đào tạo trở, 100% cán bộ quản lý các cấp học được bồi dưỡng về lý luận chính trị và nghiệp vụ quản lý; 62,8%; trường đạt chuẩn quốc gia; tỉnh Lai Châu đạt chuẩn phổ cập xóa mù chữ mức độ 1; công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT được quan tâm triển khai thực hiện nghiêm túc, khá hiệu quả; năm 2023, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề đạt 18,21%, học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đi học nghề trình độ cao đẳng đạt 8,6%; công tác xây dựng Đảng trong trường học được thường xuyên chỉ đạo thực hiện, 100% các trường học có chi bộ đảng, 60,2% nhà giáo là đảng viên.
Để nâng cao hiệu quả các hoạt động văn hóa, giáo dục trong nhà trường góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong thời gian tới, Ngành GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả các giải pháp: Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện hiệu quả các nghị quyết, đề án, chương trình, kế hoạch về các hoạt động văn hóa, giáo dục.
Thực hiện tốt công tác truyền thông về tổ chức thực hiện các hoạt động văn hóa, giáo dục tại địa phương, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân trong tổ chức thực hiện nhất là triển khai hiệu quả Đề án bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong trường học.
Xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện hiệu quả các hoạt động văn hóa, giáo dục trên địa bàn tỉnh, trong đó, chú trọng xây dựng môi trường văn hóa trong trường học, tiếp tục đổi mới dạy và học môn đạo đức, giáo dục công dân, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi; quan tâm giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; duy trì và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, “Trường học hạnh phúc”.
Tiếp tục tuyển dụng, bố trí, sử dụng, sắp xếp đội ngũ theo hướng ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên còn thiếu ở những môn học mới trong Chương trình GDPT 2018; quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ ... từng bước nâng chuẩn trình độ đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đảm bảo nguồn nhân lực có chất lượng để thực hiện tốt yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục xây dựng văn hóa học đường gắn với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; thông qua các hoạt động giáo dục cho học sinh biết trân quý, bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp dân tộc mình. Tăng cường công tác xây dựng và phát triển Đảng trong trường học.
Tiếp tục tham mưu, phối hợp trong việc ưu tiên bố trí kinh phí, lồng ghép các nguồn lực để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đảm bảo đồng bộ để thực hiện hiệu quả các hoạt động văn hóa, giáo dục.
T.H
Bình luận